22/03/2018 08:01 GMT+7

Lo lắng ôn thi THPT quốc gia

VĨNH HÀ - HOÀNG HƯƠNG
VĨNH HÀ - HOÀNG HƯƠNG

TTO - Đã đến 'nước rút' ôn thi THPT quốc gia 2018 nhưng cả giáo viên lẫn học sinh vẫn băn khoăn phạm vi kiến thức trong đề thi. Nhiều học sinh cho biết đã thi online đến cả trăm lượt vì không chắc chắn phần nội dung nào sẽ ra thi.

Lo lắng ôn thi THPT quốc gia - Ảnh 1.

Học sinh Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội trong giờ ôn tập môn lịch sử - Ảnh: VĨNH HÀ

Cô Ngô Thị Thành - phó hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội) - cho biết sau khi Sở GD-ĐT Hà Nội tổ chức đợt kiểm tra khảo sát, các trường vẫn chờ kết quả để điều chỉnh phương án ôn tập.

"Chúng tôi vẫn chưa biết với từng môn học, kiến thức lớp 11 sẽ chiếm khối lượng thế nào. Vì thế chờ kết quả khảo sát để xem trên cơ sở đó Sở GD-ĐT Hà Nội có hướng dẫn gì không" - cô nói.

Không biết phải ôn tập gì

Cô Hoàng Liên Minh - giáo viên dạy lịch sử Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) - cũng nói: "Chúng tôi chia sẻ thông tin bộ môn sử giữa các trường để dự đoán những phần kiến thức lớp 11 có thể đề sẽ hỏi. Chứ nhìn vào đề thi minh họa khó xác định phần kiến thức lớp 11 học sinh phải ôn tập gồm những gì".

Theo cô Minh, môn lịch sử đã thi trắc nghiệm được một năm. Nhưng học sinh vẫn chưa quen hình thức thi này nên việc ôn tập rất khó khăn.

Ở môn toán, giáo viên cho rằng đề thi mẫu quá khó làm học sinh hoang mang. Bạn N.Hồng - học sinh lớp 12 ở nội thành TP.HCM - băn khoăn: "Có câu ra theo kiểu đánh đố rất khó. Ngay cả thầy giáo của em cũng thừa nhận thầy "toát mồ hôi" mới giải được. Vậy thí sinh làm sao giải bài cho kịp thời gian được?

Chưa hết, mặc dù đề thi chỉ có 30% kiến thức lớp 11 nhưng các thầy cô yêu cầu lớp em phải ôn hết chương trình lớp 11, không dám bỏ phần nào. Thực sự em rất căng thẳng và áp lực".

Trước khối kiến thức quá rộng, một nhóm học sinh các trường THPT Kim Liên, THPT Lê Quý Đôn (Hà Nội) cho biết đăng ký luyện thi tại một trung tâm ở Chùa Bộc (Hà Nội).

"Trung bình mỗi tuần thi thử một lần/môn. Ngoài ra còn đăng ký thi thử online nữa" - một học sinh cho biết. Có em trong nhóm này tiết lộ đã "thi online đến cả trăm lượt" vì không chắc chắn phần nội dung nào sẽ ra thi.

Đề thi chỉ có 30% kiến thức lớp 11 nhưng thầy cô yêu cầu lớp em phải ôn hết chương trình lớp 11, không dám bỏ phần nào. Thực sự chúng em rất căng thẳng và áp lực"

N.Hồng (học sinh lớp 12 ở nội thành TP.HCM)

Băn khoăn giữa trắc nghiệm và tự luận

Mới đây, Sở GD-ĐT TP.HCM hướng dẫn các trường THPT tổ chức kiểm tra cuối học kỳ 2 cho học sinh khối 12 như sau: toán, lý, hóa, sinh, sử, địa, giáo dục công dân ra đề kiểm tra chung cho toàn trường theo hình thức trắc nghiệm và tự luận.

Tuy nhiên, trong kỳ thi THPT quốc gia những môn này đều thi theo dạng trắc nghiệm. Nhiều giáo viên thắc mắc: Chỉ còn vài tháng nữa học sinh sẽ phải trải qua kỳ thi quan trọng nhất của đời người. Tại sao các em không được tập dượt, làm bài kiểm tra cuối học kỳ 2 giống như bài thi THPT quốc gia?

Trước thắc mắc ấy, Sở GD-ĐT TP.HCM trả lời: Sở làm theo chỉ đạo của Bộ GD-ĐT. Nhưng các giáo viên khối 12 vẫn bức xúc: "Đây là cách chỉ đạo khiên cưỡng và không phù hợp với thực tế.

Ai cũng hiểu học sinh phải làm bài tự luận để rèn cách diễn giải, lập luận. Nhưng các em đã được rèn từ lớp 1 tới bây giờ rồi. Chỉ còn vài tháng nữa là thi THPT quốc gia, phải cho các em tập trung rèn giũa cách làm bài thi. Bởi cách làm bài tự luận và trắc nghiệm hoàn toàn khác nhau.

Cuối học kỳ 2 năm lớp 12 mà vẫn yêu cầu học sinh phải làm bài kiểm tra theo hai hình thức là tăng áp lực học hành cho học sinh" - thầy N., giáo viên ở Q.Phú Nhuận (TP.HCM), nói.

Tăng cường thi thử

Ở TP.HCM thời điểm này nhiều trường THPT cũng cho học sinh tập dượt thi THPT quốc gia. Ban giám hiệu Trường THPT Phạm Ngũ Lão (Q.Gò Vấp) cho biết ngoài việc tăng tiết đối với những môn thi THPT quốc gia, từ 26-3 mỗi tuần học sinh khối 12 sẽ làm bài kiểm tra theo đề chung của trường đối với 2 môn thi THPT quốc gia.

Ở Hà Nội, đây là năm đầu tiên tổ chức một cuộc khảo sát diện rộng trên toàn thành phố với hình thức như thi THPT quốc gia vào ngày 15 đến 17-3. Việc này nhằm có cái nhìn tổng quan về chất lượng của học sinh để điều chỉnh việc ôn tập. Theo một số hiệu trưởng thì ngoài đợt thi chung toàn thành phố này, các trường còn tổ chức từ 3-5 đợt thi thử khác nhau tính đến thời điểm học sinh lớp 12 nghỉ.

Theo cô Ngô Thị Thành, một số trường ở Hà Nội kết hợp với nhau trong việc tổ chức thi thử. "Chúng tôi sử dụng đề chung. Tùy từng môn có thể sử dụng đề thi của một trường, còn việc coi thi, chấm thi, phân tích kết quả thì mỗi trường tự đảm nhiệm đối với học sinh của mình" - cô Thành nói.

VĨNH HÀ - HOÀNG HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên