18/05/2021 05:49 GMT+7

Lo cho công nhân đủ sức vượt qua mùa dịch

CHÍ TUỆ - TRƯỜNG TRUNG
CHÍ TUỆ - TRƯỜNG TRUNG

TTO - Dịch COVID-19 tràn vào các tỉnh thành có nhiều khu công nghiệp. Công nhân bên cạnh nỗi lo về dịch bệnh còn có nỗi lo về công ăn việc làm.

Lo cho công nhân đủ sức vượt qua mùa dịch - Ảnh 1.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Việt Yên (tỉnh Bắc Giang) tổ chức trao 2.000 suất quà cho công nhân trong khu vực bị phong tỏa l Ảnh nhỏ: nhóm bạn trẻ ở Đà Nẵng tổ chức “chiêu đãi” giúp đỡ người ở trọ gần Khu công nghiệp Hòa Khánh có bữa ăn ngon trong mùa dịch - Ảnh: B.GIANG - B.D.

Ghi nhận của Tuổi Trẻ tại một số điểm dịch như Bắc Giang, Đà Nẵng cho thấy nhiều công nhân, người lao động đang cầm cự trong lo lắng.

Công nhân thời vụ cần nhu yếu phẩm hằng ngày

Tổ dân phố My Điền 1, 2, 3 (thị trấn Nếnh, huyện Việt Yên, Bắc Giang) tập trung khoảng 15.000 công nhân thuê trọ để sinh sống và làm việc tại các khu công nghiệp (KCN) ở huyện Việt Yên. Sau 8 ngày bị phong tỏa tạm thời để phòng chống dịch (từ ngày 10-5), nhiều công nhân phản ảnh đang cần cứu trợ nhu yếu phẩm hằng ngày do hết tiền hoặc không thể đi ra ngoài.

Trong căn phòng trọ chưa đầy 20m2 ở tổ dân phố My Điền 1, chị Hà Thị Oanh và 3 bạn cùng quê ở Sơn La là Bình, Anh và Tiện đang chật vật xoay xở, lo từng bữa ăn để duy trì cuộc sống. Thời tiết oi nóng khiến nhóm 4 người mệt mỏi hơn nhưng họ vẫn cầm điện thoại vào Facebook tìm các bài viết, trang chia sẻ thông tin các đoàn thiện nguyện đến hỗ trợ nhu yếu phẩm để ra nhận.

"Tôi với 3 bạn ở cùng huyện Thuận Châu vừa xuống đây ngày 7-5 để nộp hồ sơ xin việc, khi công ty chưa kịp tuyển vào làm thì ngày 10-5 ở khu này bị phong tỏa. Chúng tôi chưa có việc làm trước đó nên cuộc sống rất khó khăn. Hằng ngày chúng tôi lướt Facebook vào các nhóm để xem có nhà hảo tâm nào đến hỗ trợ nhu yếu phẩm nhưng số lượng công nhân ở đây rất đông nên từ hôm bị phong tỏa, tôi mới nhận một lần được ít gạo và rau. Phòng tôi có 4 người nên chỉ dùng được 2 bữa, mấy hôm nay chỉ ăn mì gói" - Oanh kể.

Bà Thân Thị Hải (ở tổ dân phố My Điền 1, thị trấn Nếnh) cho biết từ khi ở My Điền bị phong tỏa, có rất nhiều công nhân thực sự gặp khó khăn, thiếu lương thực, thực phẩm. Thấy vậy, bà huy động, kêu gọi các nhà hảo tâm ủng hộ, tài trợ để bà "vào tâm dịch" trao những suất quà đến các công nhân gặp khó khăn vì dịch COVID-19.

"Ở đây công nhân gặp khó khăn có 2 kiểu. Thứ nhất là công nhân ở trong khu phong tỏa do có ca mắc COVID-19, họ không được đi ra khỏi nhà nên không thể đi mua nhu yếu phẩm. Sáng nay có một công nhân thuộc diện cách ly nói 2 ngày nay không có gạo, nghe rất đáng thương. Thứ hai là trường hợp công nhân thời vụ không còn tiền, công nhân có tiền nhưng tài khoản không rút được. Chúng tôi khuyên các công nhân ra các chốt tiếp tế nhưng ai đến trễ thì không còn nữa" - bà Hải nói thêm.

Ông Nguyễn Văn Phương, chủ tịch UBND huyện Việt Yên, cho biết có nhiều công nhân, người dân gặp khó khăn. "Có một số công nhân thuộc diện F2 phải cách ly ở nhà gặp khó khăn, cần được hỗ trợ nhu yếu phẩm. Địa phương đã giao cho Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể làm việc với các xã, thị trấn hỗ trợ kịp thời đến các công nhân.

Ngày 14-5, Mặt trận Tổ quốc huyện đã tổ chức phát 2.000 suất quà cho công nhân bị cách ly tại khu nhà trọ. Hiện nay huyện đang kết nối giữa chủ nhà trọ với các thôn, xã để hằng ngày cung cấp gạo, thịt, thực phẩm cho công nhân, người dân phải cách ly đảm bảo cuộc sống" - ông Phương nói.

Lo cho công nhân đủ sức vượt qua mùa dịch - Ảnh 2.

Bà Thân Thị Hải cùng người thân gửi đồ tiếp tế cho các công nhân trong khu phong tỏa ở tổ dân phố My Điền, huyện Việt Yên (Bắc Giang)

Năm ngoái lo, năm nay lo tiếp

"Năm ngoái phải ở nhà do công ty đứt hàng gần một tháng, nay đi làm ngày nào cũng trông an lành ngày đó" - anh Nguyễn Văn Giang, chị Nguyễn Thị Ngọc Lan (công nhân Công ty TNHH Fujikura Automotive Việt Nam, KCN Hòa Cầm, Đà Nẵng) chia sẻ.

Những ngày qua khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại và có những ca mắc liên quan đến công nhân, vợ chồng anh Giang lại ngủ không yên. Chỉ còn hơn một tháng nữa, vợ anh sinh đứa con đầu lòng nên trăm thứ lo cứ đổ dồn vào một lúc.

Nỗi lo này cũng đang thường trực trong nhiều công nhân ở Đà Nẵng. Trong đó, nỗi lo đầu tiên là việc dịch bệnh có thể tấn công vào các KCN. Chưa nói tới trường hợp xấu nhất là mắc bệnh, chỉ cần một trong hai vợ chồng thuộc "diện F" thì phải cách ly. Dù là cách ly tập trung hay tại nhà đối với họ ở thời điểm này cũng sẽ lỡ nhịp đưa vợ về Quảng Trị vượt cạn.

Chính vì vậy, không chờ nhắc nhở, vợ chồng anh ý thức chuyện vệ sinh phòng dịch. Ở công ty, vợ chồng anh cẩn thận đeo một lúc hai lớp khẩu trang và thủ sẵn lọ nước sát khuẩn trong người.

Dù làm chung ca nhưng hai vợ chồng không gặp nhau trong giờ nghỉ mà giữ nguyên vị trí, hạn chế đi lại để giảm thiểu nguy cơ. Anh Giang nói mặc dù công ty bố trí ngăn cách các bàn ăn bằng miếng nhựa để ngăn nước bọt nhưng anh luôn chọn góc khuất nhất, ít người nhất để không ai bắt chuyện.

Đây đã là lần thứ 3 dịch bùng phát tại Đà Nẵng. Lần dịch căng thẳng đợt trước mặc dù chưa tấn công vào nơi làm việc của anh Giang nhưng vì công ty đứt hàng nên đôi vợ chồng này đành phải tạm dừng công việc chừng một tháng.

"Lương hai vợ chồng tròn trèm 11 triệu đồng/tháng, nếu tăng ca thì có thêm ít nữa nhưng bây giờ hàng đã vơi đi nhiều. Tôi lo nhất là khi nghỉ sinh, chồng phải dừng việc đột ngột vì lý do nào đấy" - chị Lan nói.

Dẫu lo nhưng Lan cũng tin tưởng vì thành phố đã nhiều lần đi qua đại dịch.

Lo cho công nhân đủ sức vượt qua mùa dịch - Ảnh 3.

Bữa ăn của vợ chồng anh Giang và chị Lan (công nhân Công ty TNHH Fujikura Automotive Việt Nam, KCN Hòa Cầm, Đà Nẵng) tại phòng trọ - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Cần quan tâm hơn nữa đến người lao động

Ngày 17-5, thường trực đoàn chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến với LĐLĐ các tỉnh và quyết định nhiều quyết sách hỗ trợ đoàn viên, người lao động.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Đình Khang, chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, quyết định dành kinh phí trên 1,5 tỉ đồng để tổ chức một số đợt thăm hỏi, động viên tặng quà công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn hoặc bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Ông Nguyễn Văn Bắc, phó chủ tịch LĐLĐ Bắc Giang, kiến nghị doanh nghiệp thực hiện chi trả 70% lương, hoặc áp dụng tính ngày nghỉ phép năm để đảm bảo thu nhập của người lao động bị cách ly không thấp hơn lương tối thiểu vùng. Bà Nguyễn Thị Vân Hà, chủ tịch LĐLĐ Bắc Ninh, đề nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam hỗ trợ đoàn viên, người lao động gặp khó khăn như F0 từ 3-5 triệu đồng/người, F1 là 1 triệu đồng/người.

Trong khi đó, ông Ngọ Duy Hiểu, phó chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho rằng các cấp công đoàn cần quan tâm hơn nữa các F2, F3 tại các vùng bị cách ly y tế, nơi đang phong tỏa là nhiều lao động di cư không có người thân, không có họ hàng.

Ông Nguyễn Văn Cảnh, chủ tịch LĐLĐ Bắc Giang, cho biết Bắc Giang có hơn 51.000 công nhân lao động của 54 doanh nghiệp phải nghỉ việc do cách ly hoặc tạm ngừng hoạt động liên quan đến dịch COVID-19. Số công nhân lao động nghỉ việc tại các khu công nghiệp như Vân Trung, Quang Châu và Đình Trám là 44.337 người.

H.QUÂN

Công nhân trong nỗi buồn đại dịch Công nhân trong nỗi buồn đại dịch

TTO - Được nghỉ chỉ một ngày trong tuần nhưng đôi vợ chồng Nguyễn Văn Giang - Nguyễn Thị Ngọc Lan (công nhân Công ty TNHH Fujikura Automotive Việt Nam, KCN Hòa Cầm, TP Đà Nẵng) vẫn chọn giam mình trong căn phòng trọ chưa đầy 15m2.

CHÍ TUỆ - TRƯỜNG TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên