13/07/2018 09:45 GMT+7

Lo cán bộ thuế lạm quyền khi vừa đá bóng vừa thổi còi

ÁNH HỒNG - LÊ THANH
ÁNH HỒNG - LÊ THANH

TTO - Bộ Tài chính muốn bổ sung quyền điều tra cho cơ quan thuế đối với doanh nghiệp trốn thuế để chống thất thu thuế, nhưng các chuyên gia lo khó tránh chuyện cán bộ thuế lạm quyền vì vừa đá bóng vừa thổi còi.

Lo cán bộ thuế lạm quyền khi vừa đá bóng vừa thổi còi - Ảnh 1.

Doanh nghiệp và người dân đến quyết toán thuế tại Chi cục Thuế Q.1, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Theo các chuyên gia, nếu cơ quan thuế được trao quyền điều tra, trước hết phải có cơ chế giám sát chặt chẽ và chỉ điều tra bước đầu, thay vì được quyền khởi tố vụ án, khởi tố bị can như dự thảo đề xuất (điều 104).

Chuyên gia thuế Nguyễn Thái Sơn: Chưa nên mở rộng chức năng điều tra

Lo cán bộ thuế lạm quyền khi vừa đá bóng vừa thổi còi - Ảnh 2.

Đây không phải là lần đầu tiên Bộ Tài chính đề nghị trao quyền cho ngành thuế điều tra doanh nghiệp trốn thuế, nhưng những lần đề xuất trước đó đều chưa được thông qua vì nhiều ý kiến cho rằng đã có các cơ quan chuyên ngành, chưa kể việc tăng chức năng điều tra lại phải sinh ra thêm một bộ máy làm công tác này. 

Nếu cơ quan thuế được trao quyền này, trước hết cần có cơ chế giám sát để ngăn chặn việc lạm quyền.

Theo tôi, chưa nên mở rộng chức năng điều tra cho cơ quan thuế, mà trước mắt cơ quan thuế cần làm tốt công tác quản lý thuế và chống thất thu. 

Cơ quan thuế có bộ phận thanh tra nhưng việc chống thất thu còn khá yếu, nhất là trong những lĩnh vực như thương mại điện tử, chuyển giá. 

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã sợ thanh tra, kiểm tra thuế, nhất là khi cơ quan thuế nói sẽ chuyển hồ sơ qua cơ quan điều tra. Do vậy, cần nêu cụ thể hơn những việc mà thanh tra thuế sẽ làm và chỉ nên làm những gì mà thanh tra thuế chưa làm được.

Ông NGUYỄN VĂN THỨC (phó tổng giám đốc Công ty kiểm toán Đông Nam Á):

Phải tránh việc "vừa đá bóng vừa thổi còi"

Lo cán bộ thuế lạm quyền khi vừa đá bóng vừa thổi còi - Ảnh 3.

Việc bổ sung quyền điều tra các hành vi tội phạm về thuế cho cơ quan thuế với lý do cơ quan công an không trực tiếp quản lý cũng như chuyên sâu về chuyên môn nghiệp vụ thuế cần xem xét dưới nhiều góc độ. 

Theo Bộ Tài chính, cơ quan thuế chỉ thực hiện chức năng điều tra ban đầu, nhưng liệu có chồng chéo với chức năng của công an kinh tế hay không?

Ngoài ra, nếu có thêm công cụ điều tra, cơ chế giám sát sẽ như thế nào để tránh việc lạm quyền, "vừa đá bóng vừa thổi còi". Cũng cần có bước chuẩn bị dài, chứ không thể áp dụng ngay chức năng này cho cơ quan thuế.

Luật sư HÀ HẢI (Đoàn luật sư TP.HCM):

Gây lo ngại cho doanh nghiệp

Lo cán bộ thuế lạm quyền khi vừa đá bóng vừa thổi còi - Ảnh 4.

Việc cơ quan thuế có chức năng điều tra đã được nhiều nước cho phép và trong bối cảnh VN, đây cũng là quy định cần thiết vì chính sách pháp luật còn lỏng lẻo, chưa theo kịp thực tế. Các luật cũng chưa khớp với nhau và doanh nghiệp thường tận dụng kẽ hở để "tiết kiệm thuế", dẫn đến ngân sách thất thu.

Tuy nhiên, việc cơ quan thuế có quyền khởi tố vụ án, khởi tố bị can theo như quy định tại dự thảo Luật thuế sửa đổi lại là câu chuyện khác. 

Hệ thống tư pháp đã có sự chuẩn bị cho việc này hay chưa, ngành thuế có sự chuẩn bị nhân sự có kinh nghiệm cho việc được giao quyền hạn quá lớn này chưa? Rồi cơ sở pháp lý ra sao để đưa ra xét xử, xử ở tòa nào, cơ quan kiểm soát là ai...?

Chuyện thất thu thuế đã được phản ánh nhiều nhưng công tác chống thất thu chưa thực sự hiệu quả, cơ quan thuế lại muốn được giao quyền quá lớn như vậy liệu có hợp lý? 

Quy định này chắc chắn gây lo ngại cho các doanh nghiệp, bởi có gì đảm bảo cơ quan thuế không lạm quyền hoặc có hành vi gây khó dễ cho doanh nghiệp?...

Luật sư TRƯƠNG THANH ĐỨC (chủ tịch Công ty luật Basico):

Nếu được trao quyền, phải có cơ quan điều tra riêng

Lo cán bộ thuế lạm quyền khi vừa đá bóng vừa thổi còi - Ảnh 5.

Thuế là một lĩnh vực đặc thù, khó và phức tạp. Nên ngành thuế tham gia điều tra sẽ giúp quản lý thuế tốt hơn, hạn chế được vi phạm cũng như thất thoát cho ngân sách. Ngành hải quan và kiểm lâm đã được giao quyền điều tra rồi, nên việc trao quyền điều tra cho ngành thuế cũng phù hợp.

Tuy nhiên, cần phải quy định chặt chẽ, rõ ràng về thẩm quyền, trình tự thủ tục điều tra, nguyên tắc để cơ quan thuế không lạm quyền. 

Đặc biệt, không thể trao quyền điều tra thuế cho cán bộ thuế quản lý thuế trực tiếp doanh nghiệp. Bởi cán bộ thuế quản lý trực tiếp nắm được hết thực trạng kinh doanh của doanh nghiệp, nên không có gì đảm bảo những cán bộ này không "hù dọa" doanh nghiệp hoặc sẽ bỏ ngơ, thông đồng với người nộp thuế để chia tiền thuế.

Theo tôi, cần thiết phải có cơ quan điều tra về thuế, chứ không phải các phòng, đội nghiệp vụ quản lý thuế được trao quyền này, hoặc chí ít là thanh tra thuế hay cơ quan thuế cấp trên được quyền điều tra doanh nghiệp mà cơ quan thuế cấp dưới quản lý. 

Đặc biệt, kết quả điều tra phải được cơ quan tư pháp giám sát. Và đến một giai đoạn điều tra nào đó, hồ sơ điều tra thuế phải được cơ quan thuế chuyển cho cơ quan công an, viện kiểm sát để khởi tố, truy tố.

Theo Bộ Tài chính, giai đoạn 2011-2015, cơ quan thuế đã chuyển sang cơ quan công an hơn 16.000 trường hợp vi phạm pháp luật về thuế, trong đó kiến nghị khởi tố 395 trường hợp (có chứng cứ rõ ràng).

Với hồ sơ thông tin về tội phạm hơn 15.600 trường hợp còn lại, cơ quan công an chỉ xem là tin báo trong công tác phối hợp và đề nghị cơ quan thuế phân tích các trường hợp có dấu hiệu phạm tội, nhưng việc này chỉ được thực hiện qua công tác điều tra, thu thập chứng cứ.

Ông PHẠM NGỌC LAI (quyền vụ trưởng Vụ Thanh tra Tổng cục Thuế):

Không có chuyện "thích thì điều tra"

7ae92b6e

Khoảng 80 quốc gia trên thế giới đã cho phép cơ quan thuế được quyền điều tra, một số quốc gia còn có cảnh sát thuế.

Để đảm bảo môi trường kinh doanh minh bạch, lành mạnh, nhiều tổ chức nước ngoài khuyến nghị VN nên có quy định quyền điều tra thuế cho cơ quan thuế.

Đây là lý do dự án Luật quản lý thuế sửa đổi có bổ sung quy định cơ quan thuế được quyền điều tra ban đầu, với mục tiêu góp phần ngăn chặn thất thoát ngân sách nhà nước, đảm bảo công bằng với các doanh nghiệp nộp thuế đầy đủ.

Theo tôi, sẽ không có chuyện cơ quan thuế lạm quyền, bởi việc điều tra chỉ thực hiện với một vài tội danh đã được quy định rõ ràng trong Bộ luật hình sự như tội trốn thuế, tội mua bán và sử dụng hóa đơn bất hợp pháp... chứ không phải điều tra mọi hành vi vi phạm về thuế.

Chỉ sau khi phát hiện hành vi vi phạm, có dấu hiệu trốn thuế như bắt quả tang mua bán hóa đơn bất hợp pháp..., cơ quan thuế mới được điều tra.

Cũng theo quy định của Bộ luật hình sự, tổng số thuế trốn từ 100 triệu đồng trở lên mới quy vào tội phạm hình sự và chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra, nếu số tiền trốn thuế dưới 100 triệu đồng chỉ bị xử phạt hành chính.

Theo quy định hiện nay, trong vòng 30 ngày, cơ quan thuế phát hiện dấu hiệu trốn thuế thì phải chuyển hồ sơ sang cơ quan viện kiểm sát, nếu không phải hủy hồ sơ và phải có lý do.

Riêng với tội rất nghiêm trọng như bắt quả tang tội trốn thuế thì trong vòng 7 ngày, cơ quan thuế sẽ phải chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra. Cơ quan viện kiểm sát sẽ giám sát chặt chẽ việc điều tra của cơ quan thuế.

Do đó, một lần nữa tôi khẳng định không có chuyện cơ quan thuế thích thì điều tra doanh nghiệp và người nộp thuế.

Cơ quan thuế được điều tra doanh nghiệp trốn thuế? Cơ quan thuế được điều tra doanh nghiệp trốn thuế?

TTO - Dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi vừa bổ sung quyền điều tra các hành vi trốn thuế cho cơ quan thuế, là quyền mà trước đây cơ quan thuế chưa có.

ÁNH HỒNG - LÊ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên