31/01/2014 09:56 GMT+7

Lính nhà đèn ở Trường Sa

TỐ OANH
TỐ OANH

TTXuân - Giữa trùng khơi Trường Sa, bên cạnh những người lính hải quân canh giữ chủ quyền Tổ quốc, có những người khác đang âm thầm “trực chiến” 24/24.

UGqGTBRe.jpg
Kỹ thuật viên Nguyễn Thành Duy ghi nhận các số liệu tại trạm khí tượng Song Tử Tây - Ảnh: Tố Oanh

Ngày cũng như đêm, hình ảnh đầu tiên của các đảo chìm, đảo nổi được nhìn thấy từ xa rõ nhất khi tàu tiến lại gần là những ngọn hải đăng làm nhiệm vụ dẫn đường cho tàu bè qua lại quần đảo Trường Sa.

Thắp đèn giữa biển

Với những người gác đèn ở biển Đông mà tôi được gặp đều mang niềm tự hào: “Những ngọn hải đăng còn là cột mốc sống đánh dấu chủ quyền Việt Nam giữa biển khơi”. Chín ngọn hải đăng do Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam xây dựng đã có mặt tại các đảo Đá Tây, Đá Lát, Song Tử Tây, An Bang, Tiên Nữ, Trường Sa, Sơn Ca, Sinh Tồn và Nam Yết. Và những người gác đèn cũng làm nhiệm vụ luân phiên 3 năm/đảo.

Nguyễn Trọng Hiếu - 23 tuổi, quê Thái Bình - ở hải đăng Song Tử Tây là thành viên mới nhất trong đợt bổ sung nhân sự. Hiếu kể đã được dịp đi qua tất cả hải đăng ở Trường Sa. “Chắc chắn mình sẽ sống với Trường Sa và công tác luân phiên đến hết chín hải đăng. Nghĩa là sẽ có thể thêm 27 năm nữa với hải đăng Trường Sa” - Hiếu chắc nịch. Còn lính mới Nguyễn Văn Thuấn ở hải đăng Nam Yết chia sẻ: “Nhà có hai anh em, em trai Nguyễn Văn Thường đã ra hải đăng An Bang được hơn một năm, giờ đến mình. Hôm tàu chuyển quân ghé vào đảo An Bang, anh em cả năm mới được gặp nhau”.

Nằm ở hướng bắc, nơi bão đi qua nhiều nhất, ngọn hải đăng Song Tử Tây sừng sững cao 36 mét so với mặt nước biển, rất kiên cố. Kỹ thuật viên Nguyễn Long Tuấn vẫn còn in ký ức: “Cơn bão số 5 năm 2005 bất ngờ ập vào. Bão phá vỡ kính, thổi bay hết 30 bảng năng lượng mặt trời, đánh bật các cột bêtông chằng dây thép. Rồi năm 2006 bão lớn, sét đánh cháy đèn, cháy luôn bộ bình ăcquy. Thay thiết bị dự phòng, toàn trạm người thợ điện, người thợ máy tiếp tục chạy trong mưa bão khắc phục sự cố. Chỉ một phút đèn hải đăng không thắp sáng sẽ ảnh hưởng đến an toàn di chuyển của tàu, thuyền”.

Từ những hải đăng đầu tiên được xây dựng ở Trường Sa, đến nay đã có những thế hệ gác đèn 18-20 năm gắn bó với Trường Sa. Thâm niên công tác xoay vòng 7-8 hải đăng, hai “lão tướng” Vũ Công Thập - trạm trưởng hải đăng Song Tử Tây và Vũ Sĩ Lưu - trạm trưởng hải đăng Trường Sa Lớn - đều nhận xét rằng ấn tượng nhất là ngọn hải đăng trên đảo chìm Đá Lát, cao nhất (43 mét), hiên ngang trước gió to, bão lớn. Đó là nơi khó khăn và hiểm trở nhất ở Trường Sa, nhưng cũng là nơi những người yêu biển, yêu hải đăng muốn được công tác nhất.

Chia sẻ thêm về cuộc sống ở đảo, các “lão tướng” cười: “Lính nhà đèn cũng như lính hải quân ở đảo trong muôn vàn khó khăn chung về nước ngọt, lương thực, thực phẩm (chỉ 5 lần tiếp tế/năm), phải sáng tạo mọi thứ để tự cung tự cấp. Đặc biệt là sáu tháng cuối năm gió mùa đông bắc về, biển động triền miên”. “Mọi người đều xác định Trường Sa là quê nhà thứ hai nên càng ở lại càng yêu” - trạm trưởng Vũ Công Thập nói.

m2a96wHC.jpg
Hải đăng Nam Yết trên quần đảo Trường Sa - Ảnh: Tố Oanh
7AgEMlkg.jpg
Hải đăng Song Tử Tây - Ảnh: Nguyễn Khánh

“Bắt mạch” biển Đông

Trạm khí tượng tại đảo Song Tử Tây xây dựng từ năm 1988 để đón thông tin thời tiết ở hướng bắc biển Đông quần đảo Trường Sa, còn trạm khí tượng hải văn đặt tại đảo Trường Sa Lớn thì đón hướng nam, xây dựng từ năm 1976. Đây là hai trong tổng số gần 200 trạm trực thuộc mạng lưới trạm khí tượng quốc gia và trạm khí tượng hải văn tại đảo Trường Sa Lớn thuộc 26 trạm phát báo quốc tế do Tổ chức Khí tượng thế giới cấp. Ở đây, có người là lính mới, có người đã 20 năm da sạm đen với nắng gió Trường Sa. Tất cả đang chuẩn bị đón thêm một cái Tết xa nhà.

Bất kể thời tiết nắng mưa, gió bão, những kỹ thuật viên của các trạm khí tượng hải văn trên quần đảo Trường Sa vẫn ngày đêm đều đặn gửi về đất liền những số liệu quan trắc khí tượng, hải văn. Từ những số liệu này, những bản tin dự báo thời tiết được chuyển đến cho cán bộ chiến sĩ, nhân dân và các ngư dân đang công tác, sinh sống và làm ăn trên quần đảo Trường Sa. Đó có thể là những thông tin về những cơn bão hình thành trên biển Đông hoặc ảnh hưởng trực tiếp đến quần đảo Trường Sa để ngư dân tìm nơi trú ẩn an toàn, hay là thông tin về những đợt mưa để chiến sĩ và nhân dân trên đảo tích trữ nước ngọt phục vụ đời sống sinh hoạt và tăng gia sản xuất…

Buổi sáng đầu tiên đặt chân đến quần đảo Trường Sa, tôi theo kỹ thuật viên Nguyễn Thành Duy (quê Thái Bình) vào ca trực tại trạm khí tượng Song Tử Tây với máy nhiệt kế đo nhiệt độ trong lều, máy nhiệt ký ghi lại biến hình nhiệt, nhật quang ký ghi lại từng giờ nắng, máy vũ lượng ký ghi lại lượng mưa, máy áp ký ghi lại biến trình thủy triều lên xuống mỗi ngày, máy gió truyền số liệu về gió và cấp gió… Thành Duy cho biết: “Mỗi thiết bị đều có vai trò quan trọng, từ những số liệu này đất liền sẽ biết được dự báo tình hình thời tiết mỗi ngày tại khu vực biển Đông, đặc biệt là sẽ có áp thấp nhiệt đới hoặc bão.

Với bốn ca trực phải đảm bảo thông tin 24 giờ/ngày, ba anh em chia nhau thức đêm. Những khi có áp thấp nhiệt đới, bão thì tất cả đều cùng trực chiến không kể đêm hôm, cứ 30 phút/lần thông tin phải được cập nhật và chuyển đi. Tất cả đều phải chính xác vì sai sót một li là đi một dặm”. Trạm khí tượng hải văn Trường Sa có bảy chàng trai. Trạm trưởng Vũ Đình Chung quê ở Thanh Hóa cho biết mỗi ngày có bốn lần đo nhiệt độ, độ mặn, độ cao sóng để nắm diễn tiến của biển trong ngày. Riêng về khí tượng thì cập nhật thông tin chuyển về trung tâm 8 lần/ngày.

Thành Duy tiết lộ về cái duyên với Trường Sa: “Trong một tiết học năm 3 khoa khí tượng Đại học Tài nguyên môi trường tại Hà Nội, mình say sưa nghe thầy nói về trạm khí tượng ở Trường Sa, về nơi đón thông tin bão quan trọng bậc nhất ảnh hưởng Việt Nam. Lời giảng của thầy in sâu đến mức mình cứ mãi khát khao được làm việc ở Trường Sa. Ngày nào mình cũng lên mạng nạp thêm thông tin, kiến thức lẫn kỹ năng chịu sóng gió. Vừa ra trường là viết đơn xin tình nguyện đi ngay. Ở đâu sống tốt thì con cứ đi, không nhất thiết ở gần nhà, ba mẹ mình tiếp thêm sức mạnh như vậy.

Và mình đã đăng ký tình nguyện công tác ở Trường Sa ba năm, đến cuối năm 2014 mới về”. Còn Nguyễn Thiện Tuấn - trạm khí tượng Song Tử Tây - vốn là lính hải quân, bốn năm canh giữ biên cương tại đảo Trường Sa Lớn và đảo Phan Vinh. Rời quân ngũ tháng 5-2009, tình yêu Trường Sa thôi thúc, Tuấn miệt mài đèn sách ôn luyện thi vào ngành khí tượng. Ra trường, Tuấn trở lại Trường Sa với nhiệm vụ mới.

TỐ OANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên