Nhà văn Linda Lê (phải) và dịch giả Trần Lê Bảo Chân - Ảnh: NVCC
Chúng ta đều biết Linda Lê là nhà văn Pháp gốc Việt, là một trong những nhà văn gốc Việt đương đại hiếm hoi viết bằng tiếng Pháp.
Chị bắt đầu được biết đến năm 23 tuổi với cuốn tiểu thuyết đầu tay Un si tendre vampire (1986), kể từ đó cuộc đời chị như được tái sinh. Trong suốt 35 năm sự nghiệp, chị để lại cho văn đàn hơn 30 tác phẩm bao gồm cả tiểu thuyết và sách tiểu luận.
Sẽ không quá lời chút nào khi nói chị là một tác giả đương đại lớn trên văn đàn Pháp, bởi lẽ tất cả các sáng tác của chị đều viết bằng tiếng Pháp, bằng thứ văn phong đẹp và sâu sắc mà đến cả những tác giả, những nhà phê bình, những chuyên gia nghiên cứu Pháp cũng phải kính nể.
Vì lẽ đó, chị đã nhận không ít giải thưởng văn học cao quý tại Pháp: giải prix de la Vocation năm 1990, giải Renaissance de la nouvelle cho tiểu thuyết Les Évangiles du crime (1993), giải Fénéon cho tác phẩm Les Trois Parques (1997), giải Wepler cho tác phẩm Cronos (2010), giải Renaudot cho tác phẩm A l'enfant que je n'aurai pas (2011), giải Louis-Barthou cho hai tác phẩm Par ailleurs (exils) và Œuvres vives (2015), và đặc biệt là giải thưởng Pierre de Monaco cho toàn bộ sáng tác của chị vào năm 2019.
Khó có thể nói đầy đủ về Linda Lê và văn chương của chị chỉ trong một bài viết. Tôi ngưỡng mộ và yêu thích tác phẩm của chị bằng một sự đọc, tiếp nhận đầy cá nhân, mang tính riêng tư và gần gũi như thể văn của Linda Lê là tiếng nói sâu thẳm từ tiềm thức xa xăm của mình.
Chị viết văn bằng tiếng Pháp, là ngôn ngữ chị đã không chọn lựa nhưng lại là ngôn ngữ chị đã phải sử dụng từ năm lên bốn tuổi. Với chị, viết văn bằng tiếng Pháp như thể vay mượn một ngôn ngữ khác để viết về những mất mát và đau thương nội tại của chính mình.
Ngôn ngữ trong văn chương chị rất lạ mà không hề ngoại lai với người Pháp, ngược lại đó là thứ ngôn ngữ đẹp như nghệ thuật và chuẩn mực như hàn lâm.
Tất cả sáng tác của chị, dù là tiểu thuyết hay tiểu luận phê bình văn học, đều viết về lưu vong như một sự bứng rễ và tự tách rời khỏi thế gian và thời cuộc chứ không phải là một hành trình nhập cư.
Chị quan niệm rằng bản thân việc viết đã là một hành trình rời khỏi chính mình và viết bằng một ngôn ngữ khác là một hành trình lưu vong về một nơi khác.
Chị giống như những nhân vật chị tạo ra trong tác phẩm, đều là những kẻ lưu vong, bên lề. Vì vậy mà không gian cũng như những nhân vật trong tác phẩm chị đều có gì đó của tha nhân, đơn độc xa lạ với chính mình, lạc lõng với đám đông chung quanh, luôn đắm mình trong những điên loạn và những đau đớn nội tại để tìm cách giải phóng bản thân.
Tôi đã hạnh phúc vì duyên lành đã đưa tôi gặp gỡ chị từ sớm, năm 2010, khi chị quay lại với độc giả Việt Nam với tiểu thuyết Vu khống do Nhà xuất bản Văn Học và Nhã Nam liên kết ấn hành.
Sau vài lần gặp gỡ, tôi đã thật xúc động trước sự chân thành và tinh tế chị dành cho tôi mỗi lần chúng tôi gặp nhau. Chị vốn kín tiếng, luôn dè dặt với người khác và xa rời truyền thông đại chúng.
Tôi vẫn còn trong tâm trí hình ảnh lần tôi gặp chị năm 2019 trước khi tôi trở về Việt Nam, tôi hỏi: “Lần sau tôi quay lại, chị muốn quà gì từ Việt Nam?”. Chị đáp: “Chỉ cần kể chị nghe những tin tức của thành phố như em luôn kể, vậy là món quà lớn rồi”. Tôi không ngờ đó là lần cuối cùng.
Cảm ơn chị, một nhà văn lớn của văn học Pháp. Cầu mong chị sẽ hạnh phúc ở thế giới bên kia nơi chị đi về.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận