Cơn đại dịch bùng phát đã lan nhanh ra cả nước, tỉnh Long An cũng là một trong những điểm nóng của đại dịch.
Bao niềm vui giờ chợt vụt tắt như "đèn dầu gặp gió". Câu nói truyền miệng mà ai cũng hỏi nhau: Có thuốc đặc trị để điều trị căn bệnh quái ác đó không nhỉ?
Bất kỳ ai, trên gương mặt đều nặng trĩu lo âu, công nhân ùn ùn rời công ty trở về quê trong cơn tuyệt vọng. Đi đâu, làm thế nào để con "Cô Vít" đừng xâm nhập vào gia đình, thân thân, bạn bè... là điều đặt ra, nhưng tìm đâu để "ngừa" lúc đó.
Gia đình tôi gồm có 6 người sinh sống ở khu vực Cầu Voi, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An. Vợ chồng cùng 2 con trai, 1 con dâu và đứa cháu nội mới tròn 3 tuổi. Chính quyền phong tỏa, ai ở nhà nấy, sáng - chiều nghe tin con số tử vong càng dài ra, rồi ca nhiễm bệnh nhập viện, đưa cách ly nhảy múa chóng mặt.
Căn nhà nhỏ của tôi vốn ngày nào trống vắng do ai cũng phải đi làm, giờ bỗng nhiên chật chội lạ thường. Có bao nhiêu con người ấy mà ra vào cứ chạm mặt, muốn bước khỏi cánh cửa thì chẳng ai đủ can đảm.
Đợt tiêm ngừa mũi đầu dành cho lớn tuổi được chính quyền xã thông báo khẩn vào buổi chiều tà. Dù địa phương có thông báo ngày giờ cụ thể, song mới 3 giờ sáng tôi đã chở vợ lên điểm tiêm ngừa ngồi chờ đợi như chờ ánh sáng của ngày mới bắt đầu.
Ngôi trường cấp 2 rộng thênh thang hôm nào giờ chật cứng như nêm. "Anh chị đi sớm thế, biết có còn thuốc tới lượt mình không mà ngồi thế này", nhìn thật kỹ mới biết đây là anh cùng xóm. Một điều khá khôi hài là anh đeo khẩu trang kín mắt mũi, cẩn thận hơn còn mặt hai cái áo khoác, đầu đội nón bảo hiểm để chống... lây bệnh.
Chỉ cách vài ngày, 4 thành viên còn lại hoàn thành tiêm chủng. Ngay đêm đó ai cũng lên cơn sốt vì ảnh hưởng vắc xin, nhưng trong lòng cảm thấy an tâm do Nhà nước ứng cứu tức thì. "UBND xã nói mấy tháng nữa tiêm mũi 2" - vợ tôi nói như vậy.
Gần ba tuần sau, con trai lớn của tôi cảm thấy đau vùng cổ họng, nghi ngờ viêm amidan nên xuống bệnh viện kiểm tra. Thế là bị giữ lại tại đây do dính COVID-19.
Sáng hôm sau, bệnh viện điện thoại thông báo thằng con sẽ đi cách ly cách xa nhà hơn 50km. Quần áo, đồ dùng cá nhân để sẵn trước sân nhà, xe đưa bệnh nhân chạy ngang sẽ tự lấy. Gia đình hoang mang tột cùng.
Dù hạn chế tiếp xúc với bên ngoài, vậy mà chẳng rõ thế nào lần lượt vợ chồng tôi, con trai, con dâu và cháu nội đều có dấu hiệu sốt cao, đau họng, chóng mặt. Khi tự test ai cũng bàng hoàng. Cả nhà đều dính COVID-19.
Ai là người lây truyền? Tôi vẫn chưa tìm ra thì ai cũng mệt mỏi, không thể nào ăn uống như thường ngày. Nếu ra y tế khai báo, điều chắc chắn là cả nhà sẽ đưa lên nơi cách ly.
Chia nhau trong diện tích nhỏ từ thềm nhà đến tận sau bếp, vợ tôi ở điểm cuối cùng để nấu ăn cho cả nhà, khi có cháo, nước đun sôi, dừa tươi... gọi điện cho từng người tự lấy để lo cho cái bao tử.
Không lẽ bao con người kết thúc tại đây. Nghĩ tới điều đó lòng tôi đau thắt, thương cho con và đứa cháu nội tuổi quá nhỏ chưa biết gì.
Thời điểm sự sống và cái chết cận kề, vậy mà không ít kẻ ác ý cứ râm ran bàn tán (tin ngoài luồng: thuốc tiêm ngừa sẽ làm giảm tuổi thọ, mất trí nhớ, vợ chồng trẻ không sinh con, y tế thế giới họ thử nghiệm "con bệnh" để sản xuất ra loại thuốc tiêu diệt nó nên ai đi tiêm là lãnh đủ hậu quả!?
"Cứ sử dụng bài thuốc dân gian sẽ hiệu quả tránh thiệt hại bản thân do quá tin vào liều thuốc của y tế", một số người điện thoại cho vợ tôi nói vậy. Dù ai bàn tán này nọ hay ngấm ngầm kêu dừng tiêm chủng mũi vắc xin tiếp theo, chúng tôi tuyệt đối không nghe mà quyết định: "Nhà nước kêu là cứ chích, thuốc nước nào cũng vẫn sử dụng chứ không chờ của Anh hay Mỹ...
Thời gian trôi qua, triệu chứng cảm sốt chấm dứt, cả nhà hồi phục, con trai tôi cách ly 3 tuần cũng trở về với gia đình.
Nếu chỉ dùng bài thuốc như họ bày, cố tình né tránh những mũi thuốc ngừa COVID-19 liệu rằng gia đình tôi có ai còn tồn tại không? Phạm vi xa hơn là bao tính mạng con người cả nước sẽ "biến mất" do cơn đại dịch. Những liều vắc xin tiêm chủng trong giai đoạn dầu sôi lửa bỏng đã cứu sống mấy chục triệu con người bởi căn bệnh "quái ác" khó lường trước hậu quả.
Dù trong hoàn cảnh nào, gia đình tôi vẫn tạc dạ ghi ơn từng vị y bác sĩ, anh chị điều dưỡng, từ bệnh viện cấp tỉnh tận trạm y tế xã, anh giám đốc cũng như nhân viên trung tâm cách ly, tại địa phương có ông trưởng ấp...
Họ là những người thức trắng suốt ngày đêm để chạy đua với thời gian cứu bao mạng người để giành lại sự sống, thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Phài nói đầy đủ thế này, 3 mũi tiêm chủng ngừa COVID-19 là "liều thuốc tiên" tận bây giờ. Liều vắc xin thật nhiệm màu.
Chia buồn những gia đình có người thân mãi mãi ra đi. Hai năm đợt dịch đi qua, ngành y tế thành điểm sáng giành giật cái chết, tìm lại sự sống từ lưỡi hái tử thần khắp cả nước, trong đó có Long An và có cả gia đình tôi.
Tiêm ngừa - Chuyện chưa kể
Báo Tuổi Trẻ với sự đồng hành của Hệ thống tiêm chủng VNVC đang tổ chức cuộc thi viết "Tiêm ngừa - Chuyện chưa kể". Đây là cơ hội để mọi người chia sẻ câu chuyện của mình, truyền cảm hứng và nâng cao ý thức về tầm quan trọng của tiêm chủng trong bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Ban tổ chức cho biết cuộc thi mở cho tất cả mọi người từ 6 tuổi trở lên, không giới hạn quốc tịch hay nghề nghiệp. Cán bộ, nhân viên báo Tuổi Trẻ và Công ty cổ phần Vacxin Việt Nam (VNVC) được phép viết bài để hưởng ứng cuộc thi nhưng không được chấm giải.
Đơn vị đồng hành nhận thấy có nhiều bạn đọc quan tâm đến cuộc thi, đặc biệt là cán bộ nhân viên của VNVC và báo Tuổi Trẻ đã hưởng ứng tham gia tích cực.
Đơn vị đồng hành quyết định trao tặng 2 phần quà nhằm khích lệ tinh thần tham dự của các cán bộ nhân viên tham gia tích cực hưởng ứng cuộc thi viết, trong đó có 1 phần quà dành cho cán bộ nhân viên của VNVC và 1 phần quà dành cho cán bộ nhân viên của báo Tuổi Trẻ.
Về dung lượng, tác phẩm dự thi là bài viết ngắn bằng tiếng Việt, tối đa 800 từ, khuyến khích tác phẩm có hình ảnh, chùm ảnh hoặc video clip minh họa.
Nội dung là một câu chuyện liên quan đến chủ đề "tiêm chủng" và tầm quan trọng của tiêm chủng trong việc duy trì, nâng cao sức khỏe cộng đồng, như kỷ niệm đẹp về tiêm chủng của bạn hoặc người thân;
Kỷ niệm về việc bạn đã cân nhắc lý do và đưa ra quyết định tiêm chủng; Cảm nhận và trải nghiệm cá nhân trong, sau khi tiêm chủng hoặc những ảnh hưởng của tiêm chủng đối với cuộc sống cá nhân và cộng đồng xung quanh.
Người tham gia có hai cách để nộp bài viết dự thi: Gửi email đến địa chỉ tiemngua@tuoitre.com.vn. Trong email, cần cung cấp thông tin cá nhân đầy đủ: tên, tuổi, quốc gia, địa chỉ email, số tài khoản và số điện thoại liên lạc; Hoặc vào chuyên trang của cuộc thi ở địa chỉ tuoitre.vn, sau đó điền thông tin và tải file chứa bài dự thi theo yêu cầu.
Những tác phẩm dự thi tốt sẽ được ban tổ chức chọn lựa, đăng tải trên các ấn phẩm của Tuổi Trẻ (bài được chọn đăng không đồng nghĩa là bài sẽ đoạt giải). Thời gian nhận bài viết: Ngày 10-6 đến 30-7-2023, bất kỳ tác phẩm nào gửi sau thời hạn này 30-7-2023 sẽ không được xem xét.
Các tác phẩm dự thi sẽ được đánh giá bởi ban giám khảo gồm các chuyên gia y tế, nhà báo, nhân vật có tầm ảnh hưởng xã hội.
Giải thưởng gồm 2 giải đặc biệt trị giá 30 triệu đồng/giải; 10 giải nhất trị giá 10 triệu đồng/giải; 15 giải nhì (5 triệu đồng/giải); 20 giải ba và 100 giải khuyến khích.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận