06/12/2017 15:55 GMT+7

Liên đoàn nhà báo và hồ sơ PARADISE - Kỳ 4: Điều tra xuyên quốc gia

TRẦN NGỌC LONG
TRẦN NGỌC LONG

TTO - Để tiến hành điều tra qui mô lớn tầm thế giới và đụng chạm đến những ông lớn "có máu mặt", cần có những nhà báo lão luyện, tài giỏi và can đảm. Họ đã bắt tay phối hợp nhịp nhàng với nhau như thế nào?

Liên đoàn nhà báo và hồ sơ PARADISE - Kỳ 4: Điều tra xuyên quốc gia - Ảnh 1.

Giám đốc ICIJ Gerard Ryle (bìa trái) và nhà báo Pháp Gérard Davet (giữa) tại ICIJ - Ảnh: ICIJ

ICIJ là tổ chức điều phối và phân tích dữ liệu thô để tìm kiếm thông tin quan trọng. Văn phòng ICIJ nhỏ hơn một tòa soạn, có ít phóng viên và ít chịu áp lực lớn như một tòa soạn. Mỗi năm ICIJ chỉ thực hiện hai, ba cuộc điều tra

Nhà báo điều tra Pháp Gérard Davet

Liên đoàn Nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) tự giới thiệu là mạng lưới quốc tế gồm hàng trăm nhà báo điều tra của 70 nước. Năm 1997, nhà báo Mỹ Chuck Lewis thành lập ICIJ như một dự án của Trung tâm Liêm chính công nhằm tập trung điều tra ba vấn đề chính gồm tội phạm xuyên biên giới, tham nhũng và trách nhiệm của nhà cầm quyền.

Tập hợp các nhà báo đa quốc gia

Đến tháng 2-2017, ICIJ hoạt động độc lập. Tháng 7-2017, ICIJ được cơ quan thuế của Mỹ cấp quy chế tổ chức phi lợi nhuận hoạt động bằng tiền của các quỹ từ thiện, tiền quyên góp và tiền tư nhân tài trợ.

ICIJ gồm 3 bộ phận lãnh đạo: hội đồng quản trị hiện có 6 thành viên, ủy ban tư vấn gồm 6 nhà báo điều tra và ủy ban mạng lưới ICIJ. Ủy ban này gồm 9 thành viên thuộc 9 quốc tịch (Thụy Điển, Phần Lan, Thụy Sĩ, Úc, Canada, Ecuador, Ấn Độ, Indonesia và Ai Cập) đại diện cho các nhà báo thành viên ICIJ, phụ trách xác định các nguyên tắc và phương thức tốt nhất, các ưu tiên và hoạt động, liên hệ với hội đồng quản trị và tham mưu cho người điều hành ICIJ về nhân sự.

Văn phòng ICIJ ở Washington D.C gồm khoảng 30 người phụ trách khai thác dữ liệu và liên hệ với các nhà báo trên khắp thế giới. Các dự án của ICIJ do các nhóm phụ trách thường gồm hơn 100 nhà báo. Họ trao đổi công việc với người của ICIJ ở Washington D.C, Paris, Madrid, Costa Rica và Sydney...

Đến nay, ICIJ đã công bố kết quả điều tra về nhiều lĩnh vực như nạn buôn lậu do các công ty thuốc lá đa quốc gia và các băng nhóm tội phạm có tổ chức thực hiện, điều tra về các nhóm quân sự tư nhân, các công ty amiante và các nhóm vận động hành lang về biến đổi khí hậu, điều tra các hợp đồng chiến tranh ở Iraq và Afghanistan, điều tra về buôn mô người và nạn đánh bắt tận diệt trên Thái Bình Dương. 

Đặc biệt ICIJ đã công bố nhiều hồ sơ về các công ty ngoại biên (offshore) dẫn đến nhiều vụ từ chức, bắt giữ và thay đổi chính sách ở hàng chục quốc gia.

Để đạt được thành quả ấy, ICIJ đã hợp tác với các tổ chức báo chí hàng đầu thế giới. Các đối tác báo chí sẽ giữ vai trò thẩm định thông tin tại địa phương. Đến nay ICIJ đã nhận được nhiều giải thưởng báo chí, trong đó có giải Pulitzer năm 2017 cho Hồ sơ Panama (Panama Papers).

ICIJ xác định mục đích của mình là tập hợp các nhà báo ở nhiều quốc gia thành nhóm, loại bỏ cạnh tranh, thúc đẩy hợp tác để trở thành lực lượng điều tra xuyên biên giới giỏi nhất. 

Có 3 lý do để báo chí điều tra cần hợp tác thành lực lượng xuyên quốc gia. Một là tiến hành điều tra sâu rộng đòi hỏi phải có kinh phí lớn, do đó hợp tác mới kham nổi. Hai là điều tra về lợi ích tài chính của các nhóm có thế lực là hoạt động nguy hiểm. Ba là trong thời buổi tin giả (fake news) bùng nổ trên các mạng xã hội, cần phải ngăn chặn tác động của tin giả.

Những cây bút điều tra

Hồ sơ Paradise công bố ngày 5-11-2017 là hồ sơ điều tra thứ sáu của ICIJ về các công ty offshore sau các hồ sơ Offshore Leaks, China Leaks, Lux Leaks, Swiss Leaks và hồ sơ Panama.

Trong hàng trăm nhà báo tham gia hồ sơ Paradise có một số nhà báo nổi bật. Như nhà báo Mỹ Sasha Chavkin hiện là phóng viên của ICIJ, đã từng là phóng viên chính điều tra về tình trạng dân bị thu hồi đất rồi bị bỏ rơi do địa phương thực hiện các dự án được Ngân hàng Thế giới tài trợ. Anh cũng là phóng viên chính của ICIJ điều tra về bệnh thận giết hại nhiều công nhân nông nghiệp trên khắp các châu lục. Sasha Chavkin đã lấy bằng thạc sĩ báo chí, từng đến điều tra tại nhiều nước như Ethiopia, Nam Sudan, Honduras, Sri Lanka.

Nhà báo nữ Juliette Garside, người Anh, viết về tài chính cho báo The Guardian thì chuyên điều tra về thuế và công ty offshore. Năm ngoái, sau bản tin của chị về tình hình tài chính của gia đình Thủ tướng David Cameron, ông đã trở thành thủ tướng đầu tiên ở Anh công khai bản khai thuế.

Edouard Perrin làm việc cho Hãng truyền hình Premières Lignes của Pháp (chuyên về Phóng sự điều tra). Năm 2012, Perrin cùng đài BBC điều tra vạch trần các hợp đồng bí mật giữa cơ quan thuế Luxembourg với các tập đoàn. Anh đã nhận được giải Louise Weiss về báo chí châu Âu, hạng mục "Điều tra truyền hình hay nhất" của Giải Ilaria Alpi năm 2014 ở Ý và hạng mục "Nhà báo trong năm" của giải Nền tảng báo chí năm 2016 của Pháp.

Ở châu Á có thể kể đến nhà báo gạo cội Toshihiro Okuyama làm việc cho báo Asahi Shimbun của Nhật hơn 20 năm qua. Ông chuyên viết về các công tố viên, hệ thống tư pháp và Bộ Tài chính. Ông đã điều tra nhiều vụ tai tiếng về tài chính và viết nhiều sách. Ông hiện là nhà nghiên cứu về phóng sự điều tra ở Đại học Mỹ và giảng dạy tại Trường Báo chí thuộc Đại học Waseda ở Tokyo.

Cùng cộng tác trong hồ sơ Paradise còn có nhà báo nữ Prangtip Daorueng ở Thái Lan. Chị chuyên viết về chính trị và phát triển xã hội. Năm 2002, chị từng ở lại Indonesia một năm để viết sách về cuộc xung đột ở tỉnh Aceh. Hiện nay nhà báo này đang đi đi về về giữa Indonesia, Malaysia và Thái Lan để viết về các phong trào ly khai trong khu vực.

tdkỳ 5 ảnh 1 đầu bài 4(read-only)

Các nhà báo ICIJ vui mừng hay tin Hồ sơ Panama được trao Giải Pulitzer năm 2017 - Ảnh: ICIJ

Các nhà báo sử dụng 30 thứ tiếng

Để xử lý hồ sơ Paradise, ICIJ đã cộng tác với hơn 380 nhà báo sử dụng 30 thứ tiếng. Các nước có số nhà báo tham gia nhiều gồm có Mỹ (42 người), Anh (31), Đức (28), Pháp (25), Canada (20), Úc (19), Tây Ban Nha (10), Thụy Sĩ (9), Áo (8), Ý (8), Mexico (8), Peru (8), Venezuela (8), Thụy Điển (7), Argentina (7). Kế đến là Brazil (5), Bỉ (5), Costa Rica (5), Malta (4), Colombia (4), Đan Mạch (4), Hà Lan (4), Na Uy (4), Nga (4), Guatemala (4), Lebanon (4), Ba Lan (3), Bosnia (3), El Salvador (3), Iceland (3), Litva (3).

Các nước có hai nhà báo tham gia gồm Ecuador, Chile, Hungary, Hi Lạp, Phần Lan, Ireland, Israel, Morocco, Namibia, Paraguay, Nigeria, Puerto Rico, Serbia, Ukraine. Các nước có một nhà báo gồm Bồ Đào Nha, Czech, Thổ Nhĩ Kỳ, Romania, Slovenia, Ai Cập, Algeria, Burkina Faso, Nam Phi, Zimbabwe.

Ở châu Á có Nhật là nhiều nhất (19 nhà báo), Ấn Độ (5), Hàn Quốc (5), Indonesia (4), Malaysia (2), Philippines (2), Mông Cổ (2). Riêng Sri Lanka, Pakistan, Thái Lan, lãnh thổ Hong Kong mỗi nơi có một nhà báo.

TRẦN NGỌC LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên