18/05/2018 15:09 GMT+7

Lịch sử Cannes chỉ có 8 Cành Cọ Vàng cho phim châu Á

NGUYỄN TUẤN
NGUYỄN TUẤN

TTO - Trong 71 lần tổ chức, Cannes đã tôn vinh cả trăm tác phẩm điện ảnh đến từ khắp nơi trên thế giới. Tuy nhiên chỉ có 8 bộ phim châu Á từng giành được giải thưởng lớn nhất - Cành Cọ Vàng.

Ra đời vào năm 1939, nhưng bị gián đoạn vì Chiến tranh thế giới thứ 2, giải thưởng của Cannes ban đầu là "Giải thưởng lớn của liên hoan phim quốc tế. Sau này, Cành Cọ Vàng được thiết kế và trở thành biểu tượng của liên hoan phim này. 

Qua thời gian, giá trị của liên hoan phim Cannes ngày càng được củng cố và thu hút sự chú ý. Hiện tại, đây là một trong những liên hoan phim danh tiếng bậc nhất thế giới cùng với liên hoan phim Berlin, liên hoan phim Venice ở châu Âu.

Điện ảnh châu Á vinh dự  8 lần đứng trên đỉnh vinh quang. Trong đó đạo diễn Nhật Bản Shohei Imamura là một trong số 8 đạo diễn từng được hai lần có phim thắng giải.

Lịch sử Cannes chỉ có 8 Cành Cọ Vàng cho phim châu Á - Ảnh 1.

Lowly City (Ấn Độ, 1946)

Ấn Độ là quốc gia đầu tiên ở châu Á giành được Cành Cọ Vàng (lúc đó là "Giải thưởng lớn" của liên hoan phim Cannes) vào năm 1946. 

Chiến tranh thế giới thứ 2 vừa kết thúc, liên hoan phim Cannes trong nỗ lực hàn gắn những rạn vỡ của các quốc gia sau thế chiến, đã quyết định giành giải thưởng lớn cho 12 phim trong đó có bộ phim Lowly City của điện ảnh Ấn Độ.

Một số hình ảnh của phim Lowly City

Lowly City là bộ phim đầu tay của đạo diễn Chetan Anand. 

Đây được coi là tác phẩm tiên phong trong phong trào phê phán hiện thực xã hội ở Ấn Độ thời bấy giờ. 

Câu chuyện của Lowly City phản ánh sự phân cấp giàu nghèo và nói lên những vấn nạn trong xã hội Ấn Độ với phong cách làm phim theo chủ nghĩa biểu hiện, nhấn mạnh cảm xúc của con người.

Lịch sử Cannes chỉ có 8 Cành Cọ Vàng cho phim châu Á - Ảnh 3.

Gate of hell (Nhật Bản, 1954)

Thuộc thể loại phim lịch sử, Gate of Hell là câu chuyện ở thời kì Edo nơi còn tồn tại các chiến binh samurai. 

Bộ phim do đạo diễn Teinosuke Kinugasa thực hiện kể về một samurai muốn cưới một người phụ nữ đã có chồng. 

Gate of Hell là bộ phim màu đầu tiên của Nhật Bản được trình chiếu tại nước ngoài. 

Trailer phim Gate of Hell

Bộ phim cũng thành công khi giành được giải thưởng danh dự cho phim nước ngoài xuất sắc nhất tại mùa giải Oscar năm 1955.

Một bài phân tích trên báo New York Times đã viết: "Có lẽ, bí mật tạo ra sự hấp dẫn của bộ phim là sự tinh tế trong việc nó pha trộn dòng cảm xúc nóng bỏng như thác lũ với dòng chảy yên ả trên bề mặt. 

Những căng thẳng, khắc khoải của đam mê, bạo lực sục sôi dưới lớp lụa mỏng tráng lệ của lề thói cứng nhắc, danh dự, kỉ luật, thẩm mỹ tinh tế. Tinh thần của văn hoá cổ Nhật Bản đã được chuyển hoá một cách tuyệt vời qua bộ phim này."

Lịch sử Cannes chỉ có 8 Cành Cọ Vàng cho phim châu Á - Ảnh 5.

Kagemusha (Nhật Bản, 1980)

Akira Kurosawa là một trong những đạo diễn vĩ đại nhất trong lịch sử điện ảnh. Các tác phẩm của ông có mặt ở hầu hết các lớp giảng dạy về đạo diễn trên thế giới. 

Đặc biệt, các bộ phim mà ông làm về Samurai thực sự là những kiệt tác của nghệ thuật thứ 7, Kagemusha cũng vậy. 

Trailer phim Kagemusha

Thực hiện năm 1980, Kagemusha kể về một samurai vốn được dùng làm thế thân cho một vị lãnh chúa, tuy nhiên vị lãnh chúa không may qua đời đã làm mọi chuyện hoàn toàn xáo trộn.

Kagemusha chia sẻ Cành Cọ Vàng với tác phẩm All that Jazz của đạo diễn người Mỹ Bob Fosse. 

Akira Kurosawa thời điểm đó đã là đạo diễn quốc tế, có danh tiếng khiến những đạo diễn Mỹ cũng ngưỡng mộ. Chính vậy, trong quá trình thực hiện, khoản tài chính thiếu hụt đã được hai đạo diễn lớn của Mỹ là George Lucas và Francis Coppola bù vào. 

Kagemusha cũng được đề cử Oscar cho phim nước ngoài xuất sắc nhất vào mùa Oscar năm 1981.

Lịch sử Cannes chỉ có 8 Cành Cọ Vàng cho phim châu Á - Ảnh 7.

The Ballad of Narayama (Nhật Bản, 1983)

Ba năm sau Kagemusha, một tác phẩm Nhật Bản khác là The Ballad of Narayama của đạo diễn Shohei Imamura đã giành được Cành Cọ Vàng. 

Đây là một kiệt tác nghệ thuật về điều kiện sống của con người.

Trailer phim The Ballad of Narayama

Bộ phim kể về câu chuyện ở thế kỉ thứ 19 tại một ngôi làng nghèo khổ ở Nhật. Do thực phẩm khan hiếm, những người đến tuổi 70 phải leo lên một ngọn núi để tự chết hòng giảm bớt gánh nặng cho gia đình và thôn xóm.

Lúc này, một người phụ nữ đã đến tuổi 69, trước khi đi tìm chết, bà cố gắng kiếm cho con trai mình một người vợ. Bộ phim là câu chuyện cảm động và cũng đầy bi kịch trong xã hội.

Lịch sử Cannes chỉ có 8 Cành Cọ Vàng cho phim châu Á - Ảnh 9.

Farewell my Concubine (Trung Quốc, 1993)

Bộ phim Bá Vương Biệt Cơ (tên tiếng Việt của Farewell my Concubine) của đạo diễn Trần Khải Ca có thể xếp vào danh sách những tác phẩm xuất sắc nhất của điện ảnh thế giới. 

Nó là thiên sử thi về lịch sử Trung Quốc thông qua số phận cá nhân của hai diễn viên kịch do Trương Quốc Vinh và Trương Phong Nghị thủ vai. 

Trailer phim Farewell my Concubine

Bộ phim đưa tên tuổi diễn viên Trương Quốc Vinh vươn ra thế giới với khả năng nhập vai vô cùng tinh tế và xuất sắc.

Nhà phê bình phim danh tiếng Roger Ebert gọi bộ phim là "một tham vọng không thể tin được". 

Tại liên hoan phim Cannes 1993, Farewell my Concubine chia sẻ Cành Cọ Vàng cùng bộ phim The Piano của nữ đạo diễn Jane Campion. 

Tính đến thời điểm hiện tại, đây vẫn là bộ phim nói tiếng Trung duy nhất từng giành Cành Cọ Vàng.

Lịch sử Cannes chỉ có 8 Cành Cọ Vàng cho phim châu Á - Ảnh 11.

The Eel (Nhật Bản, 1997)

Tác phẩm thứ 2 của đạo diễn Shohei Imamura được Cành Cọ Vàng là The Eel. Ông cũng là một trong những đạo diễn hiếm hoi được 2 lần vinh danh tại Cannes. 

Câu chuyện phim kể về một gã đàn ông đi tù vì tội giết người vợ ngoại tình của mình. Sau khi ra tù, ông mở một hiệu cắt tóc nhưng không nói chuyện với ai ngoài con lươn mà ông đối xử tốt với nó từ khi ở trong tù. 

Trailer phim The Eel

Mọi chuyện thay đổi khi ông gặp gỡ một người phụ nữ đang có ý định tự sát gợi nhắc ông về người vợ mình.

Bộ phim nhận được nhiều lời khen ngợi từ giới phê bình khi tác phẩm mang lại không khí ấm áp với dàn nhân vật nhiều màu sắc và câu chuyện mang tinh thần rộng mở, không bó hẹp trong phạm vi nước Nhật.

Lịch sử Cannes chỉ có 8 Cành Cọ Vàng cho phim châu Á - Ảnh 13.

Taste of Cherry (Iran, 1997)

Đạo diễn Abbas Kiarostami chia sẻ Cành Cọ Vàng cùng đạo diễn Shohei Imamura tại Cannes 1997. Taste of Cherry là một trong những bộ phim xuất sắc nhất của đạo diễn Iran Abbas. 

Những tác phẩm của ông thường là những bộ phim không có câu chuyện cụ thể, thay vào đó là sự tự do trong góc máy với những khung cảnh quen thuộc trong đời sống của người dân Iran, thông qua đó lột tả chân dung con người và xã hội Iran với sự tinh tế và giàu tính nhân văn.

Trailer phim Taste of Cherry

Taste of Cherry kể về một người đàn ông đi khắp nơi để tìm người có thể giúp ông đào mộ chôn ông sau khi ông tự sát. 

Câu chuyện đặt ra những câu hỏi về bi kịch cuộc sống, sự buồn bã và ý nghĩa của cuộc đời. Dù nhận được nhiều ý kiến trái chiều khi phát hành tại Mỹ, nhưng bộ phim vẫn luôn nằm trong danh sách những tác phẩm châu Á xuất sắc nhất mọi thời đại.

Lịch sử Cannes chỉ có 8 Cành Cọ Vàng cho phim châu Á - Ảnh 15.

Uncle Boonmee Who Can Recall His Past Lives (Thái Lan, 2010)

Lần đầu tiên, một tác phẩm Đông Nam Á đứng ở vị trí cao nhất tại liên hoan phim Cannes, bộ phim Uncle Boonmee Who Can Recall His Past Lives của đạo diễn Apichatpong Weerasethakul khai thác câu chuyện về sự đầu thai trong triết lý Phật giáo.

Trailer phim Uncle Boonmee Who Can Recall His Past Lives

Nhân vật chính là một người đang trải qua những ngày cuối đời, bao quanh ông là bóng ma người vợ quá cố và đứa con trai đã chết của mình.

Uncle Boonmee Who Can Recall His Past Live nhận được rất nhiều lời khen ngợi, trở thành một trong những tác phẩm tiêu biểu khi người ta nhắc đến điện ảnh Đông Nam Á.

Lịch sử Cannes chỉ có 8 Cành Cọ Vàng cho phim châu Á - Ảnh 17.
La ó chê phim dở là môn thể thao quốc gia ở Cannes La ó chê phim dở là môn thể thao quốc gia ở Cannes

TTO - Xem đến cuối và đứng dậy vỗ tay là truyền thống ở Cannes cho những bộ phim hay. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp, phim chiếu ở Cannes bị khán giả la ó và bỏ về giữa chừng nhưng nó không đồng nghĩa với việc đó là phim dở.

NGUYỄN TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên