Phóng to |
Xe tăng quân đội Syria tràn vào Hama - Ảnh: Reuters |
Ngày 4-8, Reuters dẫn nguồn tin từ Hama cho biết xe tăng đã xả đạn giết chết 45 người biểu tình trong hai ngày 3 và 4-8 và chiếm đóng quảng trường trung tâm Orontes, địa điểm trung tâm của các cuộc biểu tình chống Tổng thống Bashar al-Assad, sau khi đã bắn phá dữ dội khu vực quận al-Hader. Các tổ chức nhân quyền khẳng định tính từ ngày 31-7 đến nay, tổng cộng đã có hơn 135 người thiệt mạng ở Hama. Dù vậy, các cuộc biểu tình vẫn tiếp tục bùng nổ ở nhiều thành phố lớn tại Syria.
Theo AFP, sau ba ngày đàm phán căng thẳng, ngày 3-8 Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ đã ra tuyên bố “lên án những hành vi vi phạm nhân quyền và việc chính quyền Syria sử dụng vũ lực đàn áp thường dân”. Tổng thư ký LHQ Ban Ki Moon mô tả tuyên bố của HĐBA là “thông điệp rõ ràng” của cộng đồng quốc tế đối với Tổng thống Assad.
Dưới sức ép của các nước phương Tây, HĐBA thoạt đầu muốn đưa ra một nghị quyết lên án Syria, có sức nặng hơn một tuyên bố. Tuy nhiên, Nga và Trung Quốc đe dọa phủ quyết nghị quyết này. Các thành viên không thường trực HĐBA như Brazil, Ấn Độ và Nam Phi cũng không ủng hộ. Nga tuyên bố không muốn HĐBA thông qua một nghị quyết tương tự như nghị quyết ngày 17-3 dẫn đến việc phương Tây không kích Libya. Tuy nhiên, tình trạng bạo lực leo thang ở Hama đã buộc Nga và các nước khác phải thông qua tuyên bố khá mạnh mẽ như trên.
Reuters dẫn lời một số nhà quan sát nhận định diễn biến đó cũng cho thấy giới hạn của sự ủng hộ mà Matxcơva dành cho Damascus, đặc biệt là trong bối cảnh số người thiệt mạng đã vọt lên con số 1.600 kể từ khi bạo lực bùng phát ở Syria, theo ước tính của LHQ. Ngoại trưởng Pháp Alain Juppé đánh giá tuyên bố của HĐBA là “bước ngoặt trong thái độ của cộng đồng quốc tế” và nhấn mạnh từ nay Damascus “phải chấm dứt việc sử dụng vũ lực để chống lại những người biểu tình hòa bình và đưa ra những cải cách”.
Ngoại trưởng Anh William Hague khẳng định tuyên bố của HĐBA cho thấy “Tổng thống Assad đang ngày càng bị cô lập”. Tại Washington, Nhà Trắng cũng cho rằng Tổng thống Assad “không còn cần thiết” cho sự ổn định của khu vực, Mỹ “chẳng còn gì chờ đợi” để ủng hộ ông ta tiếp tục nắm giữ quyền lực và sẽ tìm kiếm những biện pháp mới để gây sức ép đối với chế độ của ông Assad. Thổ Nhĩ Kỳ, một đồng minh rất thân cận của Syria, cũng đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ ông Assad.
Tuy vậy, bản tuyên bố không có những điều khoản cho phép cấm vận hoặc thực hiện các biện pháp trừng phạt khác đối với chính quyền Syria. Nó cũng không kêu gọi đưa các nhà lãnh đạo Syria ra Tòa án hình sự quốc tế như mong muốn của các tổ chức nhân quyền và một số nước phương Tây. Hành động duy nhất mà tuyên bố đề ra là đề nghị Tổng thư ký Ban Ki Moon báo cáo tình hình Syria cho HĐBA trong vòng bảy ngày tới. Reuters dẫn lời đại sứ Anh Mark Lyall Grant cho biết HĐBA “sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình và xem xét thực hiện hành động khác nếu cần thiết”.
Vụ thảm sát ở Hama diễn ra cùng thời điểm với một sự kiện gây chấn động khác trong thế giới Ả Rập. Đó là phiên tòa xét xử cựu tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak. Giới quan sát nhận định đó là lời nhắc nhở với Tổng thống Assad và các “ông vua” khác trong khu vực rằng kể cả quyền lực vô biên cũng có giới hạn và cái giá riêng của nó. “Hôm nay Mubarak phải ra tòa vì tội đàn áp người biểu tình, ngày mai các quan chức chế độ Assad cũng sẽ chịu chung số phận - báo New York Times dẫn lời một lãnh đạo phe đối lập ở Damascus - Thế giới sẽ không lãng quên những gì đang xảy ra”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận