01/01/2009 15:39 GMT+7

Lều cỏ nơi cánh đồng hoang - Kỳ cuối: Tia nắng ấm mái lều

NGUYỄN THỊ THU HƯƠNG
NGUYỄN THỊ THU HƯƠNG

TTO - Trong những lần trò chuyện với những "cư dân lều cỏ", tôi luôn nghe họ nhắc "ông chú" với tất cả lòng mến yêu và nể trọng. Tôi đã kiên nhẫn trở đi trở lại, chờ đợi nhiều ngày nhiều giờ để được gặp ông. Và tôi hiểu ra: khi thương yêu con người ta bỗng làm được nhiều điều vượt khả năng của giới hạn bình thường...

Chân dung "Ông chú"

Là một người đàn ông rắn rỏi, người Bắc, tuổi ngoài năm mươi. Quả thật rất khó tiếp xúc với ông nếu bạn không phải là người sinh sống nơi lều cỏ. “Chị phải tìm cách nào mà gặp chú, chứ chú dứt khoát không dây dưa với cánh báo chí truyền thông gì ráo”, lần đầu cậu Thiện đã bảo tôi như thế.

Tôi đã phải tim mọi cách để biết được ít nhiều về người đàn ông ấy. "Anh ấy ở TP.HCM đấy, nhưng tự nguyện sống ở đây, cũng đã năm năm rồi chứ đâu có ít ỏi", người chị gái dẫn dường cho tôi tới lều cỏ, sau nhiều lần biết tôi tới đó với sự thật lòng, bắt đầu hé lộ về người đàn ông bí ẩn. Thì ra anh là một người Công Giáo, hồi trẻ thường tham gia những công việc bác ái ở nhà thờ. Anh đã từng lên mạn Nam Cát Tiên thăm những khu xứ đạo heo hút khó khăn, đã từng tìm đến những cơ sở từ thiện xa xôi. Rồi như là định mệnh, anh gắn bó với những nơi này và toàn vơ về mình những việc nặng nhọc như đóng đất, vượt thổ đào ao… Lúc nào anh cũng làm băng băng đến mức người ta bảo anh là một “tay thợ đấu cự phách”.

Trong những hội đoàn từ thiện ấy, có một người nhận ra cái tố chất đặc biệt của anh: yêu người hơn bản thân, không nề hà những việc khó nhọc. Thế là họ cùng anh bàn nhau và đi về nơi heo hút này, mượn đất và dựng lên lều cỏ… Từ ấy, con người ấy bắt đầu cuộc hành trình mới: đến với những người bị cuộc đời chối bỏ.

93EKtPF2.jpgPhóng to
"Ông chú", ân nhân của các cư dân lều cỏ - Ảnh: Thu Hương

Đêm, từng đêm, trên cái xe đặc biệt tự chế, anh đi khắp những con đường, sân ga, vỉa hè, công viên, xó chợ, gầm cầu, tiếp cận với những hình hài dặt dẹo, đưa họ về lều cỏ chăm sóc, dưỡng nuôi.

Thông tin ngầm nhưng có lan rất nhanh, giới bụi đời lang thang biết có một nơi dành cho họ: lều cỏ. Có kẻ sau cả một đời phá phách lăn lộn, trường trại ra vô như cơm bữa, bỗng một ngày bị tuyên án: nhiễm HIV, gia đình khinh ghét, ruồng rẫy phải dạt ra vỉa hè, nơi họ tìm đến là lều cỏ. Lại có người, như Nương chẳng hạn, nghiện ngập, đi trại Phú Văn năm năm, khi ra trại nhiễm HIV, đổ bệnh, teo tóp, đành gửi con lại và tìm về lều cỏ.

Những thành viên của lều cỏ kể cho tôi nghe về cái xe đặc biệt của ông chú: trên cái sườn của chiếc cha-ly cũ, anh tự chế thành một cái xe đa năng, hàn thêm khung sắt phía sau đuôi, lại cắt thêm miếng gỗ phía đằng trước… Chiếc xe ấy theo anh rong ruổi khắp hang cùng góc hẻm. Có đêm trên chiếc xe ấy anh đã chất đến 6 bệnh nhân, vượt mấy chục cây số, băng cánh đồng hoang về lều cỏ.

Hàng ngày, như một người mẹ, “ông chú” lại sục sạo ngang chợ của tỉnh B, mua rau cỏ, đồ ăn, thức uống về nuôi cư dân lều cỏ. Và trong đêm, nếu có anh em từ biệt cõi đời thì khung sắt, miếng gỗ trên con ngựa sắt lại bật ra, mang người đi. Có đêm, hai, ba người ra đi cùng lúc, thì con ngựa sắt cũng trân mình đưa anh em ra lộ. Đến lò thiêu.

Sau này, khi đã trở nên quen thuộc với khu lều cỏ, có lần gặp anh đi chợ về, tôi đã được chứng kiến một cảnh cực kỳ ấn tượng: đang ngồi ngáp vặt tán dóc, mấy bệnh nhân đồng thanh kêu; “Ông chú về, ông chú về đó…”. Tôi lấy làm lạ vì chẳng thấy ai, cũng không nghe tiếng gì, bệnh nhân liền giải thích: “Chị cứ nhìn theo bầy chó sẽ biết”.

Quả thật, bốn con chó xù đồng loạt lao ra phía rừng bạch đàn. Khi bầy chó vừa lao đến đầu con đường mòn thì có tiếng xe bành bạch và “ông chú” xuất hiện. Đằng sau, đằng trước và hai bên hông chiếc xe đặc biệt của “ông chú” đều chặt ních những bọc những bao, nào là cá hấp, rau, nào là bịch chôm chôm, bao tải gạo... Đàn chó không sủa, chúng quây quanh “ông chú” thành vòng tròn, rồi chạy giật lùi, ngoáy tít đuôi hướng đầu về phía chủ. Chỉ có đón ông chú, thì bọn chó mới trình diễn “vũ khúc” này thôi, còn khách khứa vào đây chúng chỉ lừ lừ đi ra sủa váng mấy tiếng rồi lừ lừ quay lại dẫn người ta vô lều cỏ. “Còn với bọn em - một bệnh nhân kể - chúng nó chỉ ló ra vài mét rồi quay vào luôn”.

Tường thành quanh lều cỏ

Làm quen với anh, tôi như chạm tới bức tường thành. Hôm đầu tiên, khi đến, tôi lấy máy ảnh bấm một phô, ngay lập tức ba bốn cậu bệnh nhân quây lấy tôi tỏ ra tức giận, nói như hét lên: “Ngừng ngay, nếu chụp hình thì đừng có đến đây, ông chú không cho phép đâu”. Lần khác, khi tôi và vài người bạn xin phép gặp “ông chú”, gửi một chút tiền gọi là đóng góp, anh không nhận, từ chối thẳng băng với một ánh mắt lạnh lùng như muốn đuổi thẳng chúng tôi. Khi về, có một bệnh nhân lấp ló ở rừng bạch đàn, em ngập ngừng: "Chị cho em xin vài ngàn mua nước đá. - và em nói thật nhanh - Nếu chị là báo chí thì đừng bao giờ đến đây nữa nhé".

- Thế nếu chị không phải là báo chí, và thực lòng quan tâm đến mấy em?

- Thì chị hãy làm như chị nói thì ông chú mới tin, mới tiếp chị.

Lần khác tôi đến, đi cùng các em sinh viên, có lẽ vì xã giao, anh ra gặp nói vài câu cho có lệ, và anh giao hẹn như là thách thức: "Lần sau nếu có lòng tới thì cùng sinh hoạt với anh em, tôi không nhận tiền của quí vị".

Tôi quay lại và nói với anh rành rọt:

- Tôi sẽ quay lại nơi này một mình và tôi cam kết với anh tôi không phải là nhà báo.

Anh nhìn tôi ánh mắt có vẻ dịu đi.

- Vậy thì cô cứ tới.

Nhiều lần sau đó tôi vẫn đến nơi ấy nhưng vẫn chưa cách gì trò chuyện được. Trong một buổi nọ tôi đến vào đúng hôm lều cỏ quá đỗi đau buồn: đêm trước có bốn người đồng loạt ra đi. Tôi ngồi đó chia nỗi buồn đau với họ, một bệnh nhân nhận ra tôi là mẹ “bé thủy tinh” và tôi đã tặng cho em cuốn “Hành trình xương thủy tinh”.

Em bảo tôi:

- Chú Ng. không ghét chị đâu, em cho chị số điện thoại của chú nè.

Tôi gọi tới lần thứ ba, anh mới bắt máy, bảo: "Cô về đi kẻo tối, đừng đợi tôi, tôi phải đợi lấy cốt xong mới về, trễ lắm. Hôm nào cô ghé chơi". Tôi hiểu rằng cửa đã mở. Cuối cùng anh cũng tiếp tôi.

- Anh ghét báo chí lắm sao?

- Ghét bỏ gì, chỉ là không chấp nhận…

- Sao vậy, anh?

- Tôi nhớ hồi đầu thập niên 90, khi bệnh HIV mới xuất hiện ở Việt Nam, báo chí tuyên truyền tạo ra nỗi kinh hoàng gớm ghê trong dân chúng, khiến người người ghê sợ, khinh rẻ bệnh nhân HIV, coi bệnh nhân như một tội đồ. Đến bây giờ cám giác ấy vẫn chưa thể xóa bỏ.

Nói thật với cô, năm năm qua nơi lều cỏ này, tôi không cho phép ai tới đây viết lách khai thác chi hết, bởi tôi đã chứng kiến nhiều người đến nhìn ngó anh em như đi trong vườn bách thú vậy. Cái khoảng cách giữa con người làm anh em đau lắm. Tôi không chịu được nếu ai đó làm bệnh nhân phải đau thêm…

- Sao anh không nghĩ tới mặt tích cực của truyền thông, khi có thông tin nêu ra, rất có thể anh bớt đi gánh nặng?

- Tôi có thấy nặng nhọc gì đâu, tôi cần người có lòng, ví như cô hiểu và thương anh em, cô lại động viên bạn bè của cô đến, vì thương mến chứ không phải vì hiếu kỳ, vì vẽ phấn tô hồng làm từ thiện. Với lại, mỗi khi báo chí đăng tải, người ta kéo tới, xáo động, chưa hẳn là đã tốt. Tôi thấy chạm vào tiền bạc vật chất, với những hoàn cảnh này chưa hẳn đã hay... Họ sẽ mất đi sự bình an, có thể lại xảy ra những điều không tốt. Tôi cho rằng bình an là cần thiết nhất cho họ và cả những người ngoài đời kia…

GTvHVdMS.jpgPhóng to
Bình an và niềm vui là những gì cần thiết nhất cho bệnh nhân AISD. Và ở lều cỏ này có nắng... - Ảnh: Thu Hương

Một ngày của những thương yêu

Tôi đến nơi lều cỏ ấy khi đã được sự tin tưởng của anh và đã tận mắt chứng kiến cảnh anh sống “ba cùng” với những bệnh nhân: anh kê giường bố nằm ngay cạnh những bệnh nhân nặng nhất trong lều. Anh chàng “máy xay sinh tố” được chăm sóc rất đặc biệt, có lúc thấy anh bón từng thìa cháo, thỉnh thoảng lại nựng yêu. “Máy xay sinh tố” không nói nổi chỉ cười khèn khẹt nơi cổ họng.

Hết cho bệnh nhân ăn uống, anh lại nhóm lửa, nấu nước sôi, anh nấu từng ấm và trữ đầy sáu cái bình thủy cho cả lều dùng trong cả ngày, “họ bị bệnh mà, phải kỹ lưỡng thôi, họ dễ mắc thêm những bệnh nhiễm trùng cô ạ…”. Trời vừa hửng nắng, anh lại soạn mớ chăn mang ra phơi. Anh bảo tôi, khi đến không nên cho bệnh nhân bạc tiền, chỉ nên mua đồ ăn nấu nướng rồi túm lại đàn hát. Niềm vui cần thiết hơn cả.

Tuấn, một bệnh nhân, thủ thỉ với tôi: "Nếu mai mà chết, thế gian này em nhớ nhất ông chú thôi, chị ạ". Một cô bệnh nhân nữ thì bảo: "Chú Ng. coi như sinh con ra lần thứ hai, không có chú chắc giờ này con rục xương nơi xó xỉnh nào rồi chứ còn đâu mà được ở đây, có cái mặc cái ăn, có một chỗ ngả lưng và lại có bạn bè đồng cảnh"…

Khi chúng tôi đang trò chuyện, thì anh biến mất đâu. Các bệnh nhân bảo, ông chú lại lội ra đường dầu (đường nhựa) mua đồ khô cho chúng em rồi, chứ mưa gió mỗi lần ra đường mỗi cực.

Tôi tự hỏi, anh lấy đâu ra sức lực mà một ngày làm lụng quần quật lo cả cái sống lẫn cái chết cho mấy chục con người, chẳng khác nào bà mẹ của một bầy con nhiều lúc trái tính trở người, bệnh tật, và có cả những khi... bất trị. Hỏi, thì anh nói: “Cứ thương thì sẽ làm được! Tôi sống thế này thấy bằng lòng lắm”. Thế còn hạnh phúc riêng tư? “Tôi bỏ họ cho ai đây… “. Anh chỉ nói có thế rồi lại hì hục quay lại với công việc bộn bề: một mớ ốc vít, cờ lê để sửa lại con ngựa sắt, mấy hôm trời mưa này nó đã rã rời bởi bùn sình lầy lội.

Anh ngồi đó, trong ngôi lều cỏ, tỷ mẩn với những công việc không tuổi không tên. Có lẽ nơi chốn đồng hoang lều cỏ này, với nhóm người bệnh đặc biệt này, anh chính là tia nắng, tia hy vọng.

Một tia nắng thật ấm, thật bền bỉ sưởi ấm cho từng ấy con người, liệu có đủ không? Tôi bỗng thấy nao lòng, và ước mong có nhiều người cùng tới đây góp nắng cùng anh, anh Ng. ạ…

............................................

Ý kiến bạn đọc:

* Đọc phóng sự “ Lều cỏ nơi cánh đồng hoang” của Nguyễn Thị Thu Hương đăng trên TTO, tôi cảm thấy khâm phục sự dũng cảm của tác giả. Nói thật không ít người trong chúng ta có cái nhìn không mấy thiện cảm với những người nghiện, người bị nhiễm HIV và rất ngại tiếp xúc với họ. Thế nhưng Nguyễn Thị Thu Hương, tác giả bài phóng sự đã thâm nhập vào tận “sào huyệt”, phải nói là sống cùng với họ để mang đến cho độc giả một bài báo hay, và hữu ích rất nhiều, giúp cho người đọc thấy được tác hại của ma túy, của lối sống bồng bột của tuổi trẻ để tránh những sai lầm.

Cái nhìn đầy cảm thông, giàu tính nhân văn của tác giả chắc chắn sẽ tác động tới tình cảm của nhiều người, và sẽ có nhiều tấm lòng nhân ái, nhiều cánh tay chìa ra giúp đỡ và chia sẻ với những người lỡ lầm đường lạc lối. Những bệnh nhân HIV sống những ngày cuối đời, đùm bọc yêu thương nhau nơi đồng hoang cô quạnh khiến không ít người rơi nước mắt. Qua trang viết thấm đẫm tình thương yêu của tác giả, người đọc hiểu ra rằng họ rất đáng được cảm thông và chia sẻ. Đó chính là giá trị của bài báo.

Làm báo, viết báo là phải như thế. Phải giàu chất liệu của thực tế cuộc sống, thế mới có sức cuốn hút và lay động con tim khối óc độc giả. Hiện nay, có không ít nhà báo lười đi, lười suy nghĩ và ngồi ở nhà viết những bài báo nhàn nhạt, vô thưởng vô phạt đăng tải trên khá nhiều tờ báo khiến độc giả rất chán. Riêng với Tuổi Trẻ, tôi và rất nhiều người tâm đắc nhất chính là những bài viết, những phóng sự luôn giàu chất liệu của thực tế cuộc sống, mà phóng sự “Lều cỏ nơi cánh đồng hoang” của Nguyễn Thị Thu Hương là một trong số đó. Hay như loạt bài “Vắt sức lao động trẻ em” của phóng viên Quốc Việt (khởi đăng trên Tuổi Trẻ từ ngày 27-12) cũng rất giàu chất liệu của thực tế cuộc sống, đã gây xúc động mạnh trong lòng độc giả.

Ý nghĩa của bài báo không chỉ là tiếng nói nhân văn, mà đáng nói hơn là bài báo đã buộc những người có trách nhiệm phải nhìn lại và có những việc làm để cứu lấy các em, mở ra cho các em một tương lai tươi sáng hơn. Để có những bài báo hay tác động tới con tim và khối óc của độc giả đòi hỏi người cầm bút phải lao động, phải thâm nhập vào thực tế cuộc sống, phải trung thực, dũng cảm. Làm báo là phải như thế.

NGUYỄN THỊ THU HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên