![]() |
Tận diệt rừng ở Indonesia (ảnh chụp trong một cuộc khảo sát của Tổ chức môi trường Hòa Bình Xanh ngày 16-10-2010 ở tỉnh Nam Sumatra) - Ảnh: AFP |
Chương trình “Giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng và chống suy thoái rừng” được cho là điểm sáng hiếm hoi giữa một rừng giải pháp đối phó với việc thải ra khí gây hiệu ứng nhà kính trên toàn cầu.
Theo kế hoạch, Indonesia sẽ không cấp phép khai thác 64 triệu ha rừng nguyên sinh và vùng than bùn giàu cacbon trong hai năm nhằm thực hiện đúng cam kết mà nước này ký với một quỹ tài trợ Na Uy năm 2010.
Lệnh cấm khai thác rừng được quảng bá là biện pháp quan trọng để đối phó với biến đổi khí hậu. Giữ được rừng sẽ giúp giảm gần 20% khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu.
Thế nhưng, kế hoạch này đã bị các nhà môi trường phản đối, bởi theo họ, kế hoạch này còn có quá nhiều kẽ hở để các ngành công nghiệp, cụ thể là các công ty sản xuất dầu cọ và bột giấy, có thể lợi dụng để xin cơ chế phá rừng hợp pháp ở những khu vực sinh thái quan trọng. Và họ đã cố tìm cách trì hoãn trong nhiều tháng liền lệnh cấm khai thác rừng, được dự kiến đưa ra vào tháng 1, và kêu gọi chính quyền tăng thêm diện tích rừng cần bảo vệ.
Họ vạch rõ lệnh cấm phá rừng, như chính phủ đưa ra, không ảnh hưởng đến những chương trình khai thác rừng đang có hiệu lực triển khai và còn cho phép nhiều dự án khoáng sản, nông nghiệp được triển khai trong rừng nguyên sinh với lý do “chúng phục vụ lợi ích quốc gia”!?
Do vậy, biện pháp “ngoài đánh trong xoa” này khiến các nhà môi trường không mấy hài lòng.
Trong khi đó, chính quyền còn cố biện luận sự nhân nhượng giữa các bên là rất cần thiết để đảo ngược “thành tích không mấy đẹp đẽ” của Indonesia là đã thả nổi cho nạn phá rừng tràn lan. Nhiều quan chức chính phủ cũng nhảy ra can ngăn để tìm cách xoa dịu những bất đồng này.
“Tôi cho rằng mỗi người đều có kỳ vọng của riêng họ. Các tổ chức phi chính phủ muốn tất cả lệnh khai thác rừng phải bị đình chỉ. Nhưng điều đó không thể được. Cái chính là chúng ta quyết tâm bảo vệ những cánh rừng tự nhiên, những khu rừng tự nó còn trong tình trạng tốt, chưa bị tác động của con người” - ông Agus Purnomo, cố vấn về biến đổi khí hậu của Tổng thống Yudhoyono, biện bạch.
Theo ông Purnomo, lệnh cấm phá rừng mới ban hành chỉ là bước đi đầu tiên của Indonesia để đạt tới mục tiêu cắt giảm khí gây hiệu ứng nhà kính xuống 26% vào năm 2020. Indonesia là nước đứng hàng đầu thế giới về phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính. Những biện pháp khác, như hỗ trợ tài chính cho những dự án chống phá rừng và giám sát nỗ lực giảm khí gây hiệu ứng nhà kính, hiện vẫn đang còn là dự thảo.
Aida Greenbury - giám đốc điều hành Công ty giấy và bột giấy Asia Pulp & Paper, một trong những công ty giấy lớn nhất Indonesia - cũng tìm cách đấu dịu khi tuyên bố: “Chương trình này là một bước tiến”.
Thế nhưng, Công ty Asia Pulp & Paper bị các nhà bảo vệ môi trường chỉ trích là một trong những thủ phạm chính ngốn sạch rừng xanh. Tổ chức môi trường Hòa Bình Xanh cho rằng lệnh cấm phá rừng cho thấy Indonesia quyết tâm bảo tồn những khu rừng giàu có của mình, nhưng lệnh cấm mới ban hành lại không cho thấy cam kết đó. Ngược lại, có vẻ như rừng đang bị bán cho những ngành công nghiệp “ăn” cây xanh có ảnh hưởng lớn như công nghiệp sản xuất dầu cọ và bột giấy. Ở Indonesia hiện nay vẫn chưa có định nghĩa có tính pháp lý chung thế nào là rừng nguyên sinh và thế nào là đất suy thoái có giá trị môi trường không đáng kể. Kẽ hở này đủ rộng để các công ty có thể lợi dụng.
“Thú thật, nó khiến người ta thất vọng. Dĩ nhiên chỉ có những ngành công nghiệp là hoan hỉ vì nó là một phần kết quả các chiến dịch vận động hành lang mạnh mẽ của họ” - Bustar Maitar, nhà bảo vệ rừng của Tổ chức Hòa Bình Xanh, khẳng định.
Còn quá sớm để nói rằng bên nào, các nhà bảo vệ môi trường hay phía các ngành công nghiệp, là người chiến thắng với lệnh cấm mang tính thỏa hiệp này.
Nguy cơ rừng thành giấy, hổ mất rừng Đầu tháng 5-2011, Quỹ Thiên nhiên hoang dã (WWF) Indonesia công bố 12 bức ảnh (không rõ thời điểm) của loài hổ Sumatra quý hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng, hiện chỉ còn 400 con trong tự nhiên tại Bukit Tigapuluh. Những hình ảnh chụp được từ một máy quay tự động được lắp đặt sẵn trong rừng Bukit Tigapuluh ở trung tâm đảo Sumatra, nơi những cánh rừng đang bị thay thế bằng các nhà máy sản xuất dầu cọ và trở thành nguyên liệu chế biến giấy. Karmila Parakkasi, trưởng nhóm nghiên cứu về hổ của WWF ở Sumatra, cho biết: “Điều băn khoăn là có phải vì chúng tôi đặt camera ở một vị trí tốt hay vì địa bàn sinh sống của loài hổ đã bị mất đi nhanh chóng khiến chúng phải chia sẻ một diện tích rừng nhỏ hẹp với nhau”. Trong khi Chính phủ Indonesia nói quyết tâm bảo vệ khu vực này thì khu rừng nơi loài hổ Sumatra sinh sống lại nằm bên trong một khu đất quy hoạch cho phép một công ty giấy khai thác. “Ngay khi chính quyền cho phép, công ty có thể sẽ xóa sổ cả khu rừng để lấy nguyên liệu làm giấy cung cấp cho Công ty Asia Pulp & Paper của Tập đoàn Sinar Mas” - WWF cho biết. Trong vòng 50 năm qua, loài hổ Bali và hổ Java đã hoàn toàn biến mất ở Indonesia. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận