Người dân tập trung tại hiện trường nơi xảy ra vụ đuối nước thương tâm ở hồ Soài Chek - Ảnh: BẢO ÂN
Tối 13-9, thượng tá Nguyễn Thành Cỡ - phó Công an huyện Tri Tôn, An Giang - cho biết đã xác định được danh tính 3 trẻ đuối nước vào chiều 13-9.
Các nạn nhân đều đang theo học tại Trường tiểu học A An Tức, xã An Tức, huyện Tri Tôn, gồm Chau Ga Vin, 11 tuổi, học sinh lớp 5; Chau Tiên, 11 tuổi, học sinh lớp 4 và Chau Chết, học sinh lớp 5.
Theo kết quả điều tra ban đầu, trước đó có 8 em học sinh lẻn vào khu vực lòng hồ Soài Chek chơi, tắm hồ. Đến khoảng 15h ngày 13-9, các em truy hô mất tích 3 em.
Theo lời kể của các học sinh, nhóm 8 em tới khu vực lòng hồ Soài Chek tắm nhưng chia làm 2 nhóm: 5 em tắm ở khu vực lòng hồ có mực nước cao từ 0,5-1m và 3 em tắm ở khu vực lòng hồ kế bên (cũng thuộc hồ Soài Chek) có độ sâu từ 3-3,5m.
Lát sau phát hiện 3 em tắm ở hồ sâu 3-3,5m mất tích nên các em vội truy hô nhờ các công nhân đang thi công nạo vét hồ Soài Chek cứu.
Hiện trường nơi 3 trẻ bị đuối nước là một phần của hồ Soài Chek - nơi giáp chân núi Tô - Ảnh: BẢO ÂN
"Những em này không rành tiếng Việt nên ban đầu các công nhân không rõ chuyện gì, các em mới kéo tay hai công nhân chạy tới vị trí những em bị đuối nước để cứu. Khi vớt lên thì các em đã chết đuối rồi", thượng tá Cỡ nói.
Lãnh đạo UBND huyện Tri Tôn cho biết trước mắt địa phương đã bàn giao thi thể các em cho thân nhân gia đình. Hiện vụ việc đang được điều tra làm rõ.
Theo đại diện đơn vị thi công nạo vét, nâng cấp hồ Soài Chek, các em học sinh đi từ vách núi ngược ra hồ để tắm nên anh em công nhân thi công nạo vét hồ Soài Chek không phát hiện. Đến khi nghe tiếng truy hô thì cứu không kịp.
"Sau vụ này, chúng tôi sẽ cho rào chắn lại xung quanh hồ để đảm bảo an toàn trong quá trình thi công", vị này cho hay.
Hồ Soài Chek đang được thi công nạo vét để trữ nước và phục vụ du lịch nhưng lại thiếu rào chắn để cảnh báo trẻ em - Ảnh: BỬU ĐẤU
Hồ Soài Check nằm dưới chân núi Tô, có tổng diện tích khoảng 50ha. Nơi này được UBND huyện Tri Tôn mời gọi đầu tư nâng cấp, mở rộng vừa tích nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt cho bà con Khmer trong vùng, vừa tô điểm để trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn của huyện.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận