Nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Long nói về việc vì sao phải bảo tồn nguyên gốc một trong những di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Vì mê hát xoan mà ông bỏ tiền bạc và công sức để thực hiện dự án Giới thiệu di sản âm nhạc hát xoan trong hai năm trời, rồi phổ biến miễn phí trên kênh YouTube Dân ca & Nhạc cổ truyền.
Sao cứ phải trend?
Dự án giới thiệu 16 bài xoan cổ, được thu mộc đúng kiểu của ông cha ngày xưa, gồm ba bài thuộc chặng hát thờ và 13 bài thuộc chặng quả cách - chặng trung tâm, quan trọng nhất của hát xoan.
Ê kíp còn sản xuất một clip có tên Về đất Tổ nghe xoan ghi lại cuộc trò chuyện với các nghệ nhân phường xoan Thét - một trong bốn phường xoan gốc (thuộc xã Kim Đức, TP Việt Trì) của tỉnh Phú Thọ.
Đây là lần đầu tiên trọn bộ 13 quả cách do một phường thể hiện được giới thiệu rộng rãi.
Thời gian qua, đã có không ít dự án kết hợp truyền thống và đương đại để tiếp cận đối tượng khán giả trẻ.
Sao không chọn một cách thức hấp dẫn hơn, trend hơn? Xoan mà được rap hóa thì sao?
Nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Long bảo anh muốn lưu lại những phần thể hiện tốt nhất ở hiện tại cho bài bản xoan đó, ở phường xoan đó. Điều này sẽ rất giá trị khi 10 năm sau quay trở lại.
"Tôi quan tâm nhất vẫn là giá trị di sản thay vì bề nổi, đám đông", anh nói. Đã có nhiều người tạo trend trên hay thậm chí còn tạo ra cả những trào lưu trong âm nhạc. Sự xuất hiện của anh và cộng sự vào trào lưu đó cũng chẳng góp thêm gì tốt đẹp hay cần thiết.
Trong khi đó, những bài bản cổ lại đang rất cần sự tham gia của những người như anh góp sức.
Giới thiệu di sản âm nhạc hát xoan mang đến những tác phẩm chân thực nhất có thể, mộc mạc nhất có thể, như chính các nghệ nhân đang thể hiện tại đình làng quê của họ.
"Giữa thời choáng ngợp bởi những xu hướng điện tử có sự can thiệp sâu của công nghệ thì một sản phẩm chân chất, mộc mạc, đáng yêu vang lên, tôi nghĩ cũng không kém phần thú vị", anh Nguyễn Quang Long chia sẻ.
Cảm động nhất là sự tiếp nối
11 năm trước, anh Nguyễn Quang Long đã có duyên thực hiện hai DVD Hát xoan Phú Thọ - 26 bài xoan cổ do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch sản xuất, Nhà xuất bản Âm Nhạc (Dihavina) thực hiện.
Từ đó, anh Long bị cái dung dị, cái thần của xoan chinh phục. Sau này, thỉnh thoảng anh vẫn về miền xoan để nghe những nghệ nhân mặc áo the, áo tứ thân hát xoan cho đỡ nhớ.
Hai năm thực hiện Giới thiệu Di sản âm nhạc hát xoan, anh Long điền dã về Phú Thọ như cơm bữa. Điều khiến anh cảm động chính là việc chứng kiến các nghệ nhân nối tiếp nhau bảo vệ xoan.
Ở đây, họ có một lòng yêu xoan thuần khiết. Các nghệ nhân già tích cực truyền dạy cho lứa mầm xoan mới.
Chẳng hạn ở phường xoan Thét, người trong phường xoan mưu sinh bằng nhiều nghề khác nhau.
Có người làm bảo vệ (ông Nguyễn Văn Thuyết), tài xế taxi (anh Nguyễn Văn Tuấn), chủ tiệm spa (chị Nguyễn Thị Hoa)...
Nhưng khi phường "điều động gấp", có hôm đang chở khách, nhận được cuộc gọi của phường xoan, anh Tuấn phải đánh xe về ngay đình làng bởi "thông cảm, cho tôi về làng hát xoan". Còn chị Hoa dù đang có khách cũng phải đóng tiệm spa về làm đào hát.
Trong đợt ghi hình dự án lần này, có em Cao Minh Trí (sinh năm 2005), đứng bên cạnh các "bô lão" của phường xoan, làm kép trống và dẫn cách rất thuần thục, có nhịp và hát có phong cách riêng. Thật là một hình ảnh rất đẹp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận