08/12/2017 10:50 GMT+7

Hát xoan ra khỏi danh sách bảo vệ khẩn cấp, là di sản nhân loại

VŨ VIẾT TUÂN
VŨ VIẾT TUÂN

TTO - Hát xoan Phú Thọ được đưa ra khỏi danh sách cần bảo vệ khẩn cấp và công nhận là sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Hát xoan ra khỏi danh sách bảo vệ khẩn cấp, là di sản nhân loại - Ảnh 1.

Điệu hát bắt cá kết hợp cả bốn phường hát xoan Kim Đái, xã Kim Đức. Đây là điệu hát múa đề cao vẻ đẹp tập thể trong sinh hoạt dân gian - ẢNH: VIỆT THANH

Lúc 8h52 (giờ Việt Nam) ngày 8-12, tại Phiên họp lần thứ 12 của Ủy ban liên chính phủ Công ước 2003 của UNESCO diễn ra tại Jeju, Hàn Quốc, di sản hát xoan Phú Thọ đã chính thức rút khỏi danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp và ghi danh tại danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Đây là lần đầu tiên, Ủy ban liên chính phủ quyết định rút một di sản ra khỏi danh sách cần bảo vệ khẩn cấp để chuyển sang danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Hát xoan ra khỏi danh sách bảo vệ khẩn cấp, là di sản nhân loại - Ảnh 2.

Chủ tọa phiên họp gõ búa ghi danh hát xoan Phú Thọ của Việt Nam vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loạI - Ảnh: Cục Di sản văn hóa

Hát xoan bắt nguồn từ thời Hùng Vương

Theo thông tin từ Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch, hát xoan là di sản thuộc loại hình nghệ thuật trình diễn. Hát xoan của tỉnh Phú Thọ bao gồm hát, múa, gõ trống và phách.

Hát xoan gắn liền với việc thờ cúng Hùng Vương, một tín ngưỡng bắt nguồn từ việc thực hành thờ cúng tổ tiên của người Việt.

Tương truyền một lần vào mùa xuân, ba anh em Hùng Vương đi tìm đất dựng thành, nhân lúc nghỉ chân ở ven rừng, vua trông thấy lũ trẻ chăn trâu đùa nghịch và hát đồng dao. Vua cho gọi chúng đến trò chuyện và bảo chúng hát cho nghe.

Nghe xong, vua truyền dạy cho lũ trẻ những điệu hát múa của người Lạc Việt trên đất Văn Lang. Để tưởng nhớ ơn vua, nhân dân quanh vùng đã dựng ngôi miếu trên đất đó để thờ vua, tục gọi là miếu Lãi Lèn. Miếu ấy nay ở xã Kim Đức, thành phố Việt Trì, Phú Thọ.

Từ khi có miếu Lãi Lèn, cứ đến ngày 30 tháng chạp hằng năm, dân các làng lại làm cỗ cúng vua. Từ sáng mùng 1 đến hết mùng 5 tháng giêng, dân làng tiếp tục tổ chức những canh hát nghi lễ để thờ vua - trình diễn lại những điệu hát múa được vua trao truyền, với mục đích cầu mong vua giáng phúc cho dân làng một năm an hòa.

Nghệ thuật hát xoan bắt nguồn từ đó. Xưa kia, hát xoan được gọi là hát xuân, sau từ xuân được đổi thành từ xoan.

Những người lưu giữ và thực hành hình thành nên bốn phường xoan, trong đó trùm nam và nữ đóng vai trò quan trọng nhất: họ giữ gìn các bài hát, lựa chọn đệ tử, truyền dạy phong cách hát và các tiết mục và tổ chức thực hành.

Là một nghệ thuật trình diễn cộng đồng, hát xoan nuôi dưỡng sự hiểu biết văn hóa, sự gắn kết cộng đồng và tôn trọng lẫn nhau.

Hiện nay, Viện Âm nhạc Việt Nam đã sưu tầm được 31 bài hát xoan và nhờ sự nỗ lực của một số nghệ nhân, nhiều phường xoan đã được thành lập. Có 33 câu lạc bộ hát xoan hiện đang sinh hoạt, các hội thảo được tổ chức để mở rộng kiến ​​thức về hát xoan.

Hát xoan ra khỏi danh sách bảo vệ khẩn cấp, là di sản nhân loại - Ảnh 3.

Thiếu niên phường xoan Phù Đức (Phú Thọ) trình diễn tại Lễ hội đền Hùng năm 2010 - Ảnh: Quốc Hội

Hát xoan tạo cảm giác gắn kết, hòa hợp

Theo kết quả báo cáo định kỳ quốc gia năm 2016 về tình trạng của hát xoan Phú Thọ, Ủy ban liên chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể đã kết luận di sản này không còn đáp ứng tiêu chí cần bảo vệ khẩn cấp.

Những nỗ lực gần đây của cộng đồng địa phương và Chính phủ đã khôi phục đáng kể khả năng tồn tại của hát xoan. Tuy nhiên, một số thách thức vẫn còn tồn tại như những người trẻ tuổi vẫn rời bỏ làng nghề để tìm kiếm việc làm và học tập nên mất đi cơ hội để học hát xoan.

Một trong những tiêu chí quan trọng để hát xoan Phú Thọ được UNESCO ghi danh là bởi những thực hành xoan liên quan đến âm nhạc và ca hát như là một cách thờ cúng và bày tỏ lòng biết ơn đối với các vị vua Hùng.

Trước đó, ngày 24-11-2011, UNESCO đã chính thức công nhận hát xoan Phú Thọ là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại.

Là một hình thức nghệ thuật trình diễn diễn cộng đồng, hát xoan làm cho cư dân tỉnh Phú Thọ cảm giác gắn kết, hòa hợp, tôn trọng lẫn nhau, thể hiện sự kế tục của di sản qua việc kết nối di sản sống với nhu cầu thực hành ngày nay. Không có yếu tố nào của hát xoan không tương thích với các văn kiện quốc tế về quyền con người hoặc cản trở sự phát triển bền vững

Thông tin từ Cục Di sản văn hóa

VŨ VIẾT TUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên