Mai này, ai đi hát xoan?

HOÀNG ĐIỆP - QUỐC HỘI 10/04/2011 04:04 GMT+7

TTCT - Truyền thuyết nói rằng hát xoan ở Việt Trì (Phú Thọ) ra đời từ thuở vua Hùng. Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay như mọi năm, hát xoan không bao giờ vắng ở cửa đình.

Những đêm hát xoan đời nay dường như vẫn ăm ắp đủ đầy ngần ấy, từ điệu hát mang tính lễ nghi tôn giáo đến diễn xướng các quả cách, hát lối, hát hội, giao duyên... như một sợi dây ràng buộc bền chặt giữa xưa và nay.

Phóng to
Phường xoan An Thái biểu diễn trong đình An Thái - Ảnh: Q. Hội

Trải qua cả ngàn năm, dù có lúc tưởng như đã biến mất khỏi đời sống, áo xống có thể đành xếp lại song điệu hát xoan vẫn không ngày nào thôi ngân nga. Và mùa xuân này, như những mùa xuân trước, những đêm hát xoan vẫn mở giữa vòng trong vòng ngoài người xem.

Thầy già, con hát trẻ ngân nga

Cuối tháng 2 âm lịch, dân khu 5, xã Kim Đức lại tập trung tại nhà ông Trùm Ngũ (Lê Xuân Ngũ) để ôn luyện các tiết mục chuẩn bị biểu diễn vào ngày giỗ Tổ 10-3. Đủ cả già trẻ gái trai tham gia học múa, lớn tuổi nhất như bà Ngọc đã 62 tuổi, trẻ nhất là cháu Đào Thị Thu Thủy, 11 tuổi, cô bé có đôi mắt trong vắt và gương mặt xinh xắn đáng yêu.

Thủy bé nhất, lại mới học hát xoan sáu tháng nhưng đã thuộc được mười điệu. Cô bé ngồi xem các bà múa hát mà chân thì nhịp nhịp theo tiếng trống, miệng lẩm nhẩm hát theo những câu hát cổ trúc trắc. “Hồi còn bé, bà cháu hay hát cho cháu nghe, chắc nghe nhiều nên cháu quen các giai điệu. Khi cháu 5 tuổi, mỗi khi đi ngủ vẫn được nghe bà hát. Thế nhưng phải học lên lớp 2 thì cháu mới sang học ông Ngũ” - Thủy giải thích cho tôi về sự yêu thích của cháu đối hát xoan.

Ông Trùm Ngũ dạy cả Thủy cùng những người bạn khác của cô bé cũng chỉ bằng một lối dạy xưa cũ là truyền miệng, như ông từng dạy cả trăm người khác. Phần “sách vở” duy nhất mà ông có chỉ là một cuốn sổ chép tay lời những bài hát xoan từ năm 1990, khi ông chính thức khôi phục CLB hát xoan Kim Đức (nay là phường xoan Phù Đức).

Bà Ngọc cho biết bà học hát xoan trước vì yêu thích, sau cũng là có thời gian. Ở cùng một nhà thì người nọ dạy người kia, nhưng việc học ấy thường không được đầy đủ bằng đến học với ông Trùm. Chức danh “ông Trùm phường xoan”, bà Ngọc giải thích theo cách của mình: ông ấy là người thuộc hết tất cả các làn điệu và cũng nắm vững nhất các nghi lễ hát múa trong những buổi biểu diễn tại đình làng và miếu thờ.

Ông Trùm Ngũ đã ngoài 60 tuổi, vẫn ở trong một ngôi nhà trình tường (*) cũ kỹ với nhiều rui mè đã mọt, mái nhà lợp lá cọ thủng lỗ chỗ dăm ba nơi, lọt cả ánh sáng trời vào. Thế nhưng trên bức tường đất lại treo đầy những giấy khen, bằng chứng nhận công lao trong việc duy trì và phục dựng hát xoan của Kim Đức.

Ông Ngũ bảo ông nội ông đã làm Trùm phường hát xoan, sang đời bố ông cũng thế. Bởi vậy, ngay từ nhỏ ông đã thuộc gần hết các làn điệu của hát xoan... Thời khó khăn, hát xoan tưởng như đã chết, bố ông vẫn dạy truyền miệng cho con, những điệu hát chỉ ghi lại bằng trí nhớ ấy lại theo ông, để đến một ngày ông Ngũ trở thành Trùm của phường xoan Phù Đức.

Phóng to
Cháu Đào Thị Thu Thủy (phải) say sưa xem các anh chị tập hát xoan - Ảnh: Hoàng Điệp

Đưa hát xoan vào trường học

Đầu năm 2010, khi các nhà nghiên cứu âm nhạc Việt Nam hoàn thiện hồ sơ về hát xoan để trình Unesco công nhận là di sản văn hóa phi vật thể, Phòng giáo dục thành phố Việt Trì cũng lên kế hoạch gìn giữ hát xoan bằng cách đưa vào trường học.

Đây chẳng phải là một việc đơn giản, vì hát xoan cổ có những làn điệu rất khó, lời hát cổ cũng rất khó học, khó hiểu. Đến như bà Nguyễn Thị Lịch, người đã được phong là nghệ nhân dân gian về hát xoan, khi được hỏi về ý nghĩa từng làn điệu cũng lúng túng. Không biết hát xoan lời cổ sẽ được dạy cho trẻ em trong trường thế nào, nhưng khi ý tưởng được đưa ra có đến 81 trường mẫu giáo, tiểu học và trung học cơ sở cử giáo viên tham gia học hát xoan do chính các nghệ nhân như bà Nguyễn Thị Lịch, ông Lê Xuân Ngũ... truyền dạy.

Mất chừng một tuần các giáo viên môn âm nhạc có thể học được một vài bài hát cổ, kèm một vài bài được biên lời mới phù hợp với đời sống ngày nay hơn, dễ học dễ thuộc hơn. Cô Nguyễn Thị Minh Thịnh - hiệu phó Trường tiểu học Thọ Sơn - cho biết học sinh của cô rất hào hứng với việc học hát xoan.

Trường cũng đề ra mục tiêu giản dị: giúp học sinh hiểu được giá trị, ý nghĩa và nguồn gốc của hát xoan Phú Thọ, bởi tương lai của hát xoan là ở nơi các cháu. Khi lớp học hát xoan được mở, trong 81 giáo viên các trường được cử đi học chỉ dăm người biết đến loại hình nghệ thuật này. Thế nhưng sau hơn nửa năm học, tất cả học sinh trong trường đều đã biết đến hát xoan. “Đấy mới chỉ là việc giáo dục phần ngọn, còn phần gốc thì rất lâu dài” - cô Thịnh ấp ủ.

Phóng to
Bà Trùm Lịch (áo trắng) cùng phường hát xoan An Thái - Ảnh: Xuân Xuân

Còn lắm gian nan

Sau khi quan họ và ca trù được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể, hát xoan cũng được chú ý đến nhiều hơn, nhưng việc đầu tư một cách nghiêm túc cho hát xoan vẫn chưa.

Bà Nguyễn Thị Lịch, Trùm phường xoan An Thái, vốn là người có nhiều công lao trong việc quảng bá hát xoan bằng nhiều hình thức, từ truyền dạy cho những người trẻ đến tham gia biểu diễn tại các chương trình văn hóa nghệ thuật quần chúng của tỉnh, viết lời mới cho xoan cũng như hướng dẫn lớp trẻ tham gia các cuộc thi hát dân ca.

Vậy mà nay bà Trùm Lịch cũng không khỏi ngậm ngùi cho biết phường xoan An Thái có tới 43 người, nhưng cả chục năm rồi kể từ khi tái lập phường, khoản đầu tư “lớn nhất” đối với phường xoan An Thái, cũng là khoản đầu tư duy nhất cho hát xoan Phú Thọ là 19 bộ quần áo cho các đào, kép. Với 19 bộ quần áo ấy, mỗi khi phường xoan biểu diễn, 43 người (cả già trẻ gái trai) chia nhau tuần tự, người này mặc ra biểu diễn xong thì vào cánh gà thay ra cho người khác mặc.

Phường xoan Phù Đức của ông Trùm Ngũ tự bỏ tiền may sắm trang phục và trang trải các chi phí khác khi đi biểu diễn. Tất cả vẫn chỉ nhờ nỗi mê xoan đăm đắm truyền lại từ đời tiên tổ nào... “Hiện nay ở Viện Âm nhạc Việt Nam vẫn còn lưu bản đĩa than thu tiếng hát của bố tôi từ những năm 1970. Tôi rất muốn được nghe lại xem tiếng hát của ông cụ những năm ấy thế nào” - ông Ngũ ao ước.

Đưa được xoan vào trường học, cô hiệu phó Thịnh cũng chỉ ao ước được ngành văn hóa đầu tư cho một ít trống để học sinh không phải học hát xoan “chay”. Lũ trẻ hào hứng học xoan, nhưng cả trường chỉ có một chiếc trống dành cho hát xoan.

Phóng to
Một buổi tập hát xoan tại sân nhà ông Trùm Ngũ - Ảnh: Hoàng Điệp

Nhạc sĩ Lương Nguyên, người tham gia làm hồ sơ về hát xoan trình UNESCO, cho biết: hầu hết lời hát xoan tại Việt Trì (Phú Thọ) được viết bằng chữ Nôm, hiện chỉ còn một bản gốc do nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Xương giữ, những bản chép tay bằng chữ quốc ngữ được ghi lại sau này từ trí nhớ của một số nghệ nhân già. Việc học hát xoan bằng chữ cổ khó tới mức các năm trước từng có cả những cuộc thi hát xoan đúng lời.

Nghệ nhân của bốn phường hát xoan (An Thái, Thét, Kim Đái và Phù Đức) hiện không ai có thể đọc được cuốn sách chữ Nôm ghi lời các làn điệu xoan. Dù đã thấy có độ sai lệch ca từ mà các phường xoan đang hát, nhưng chưa ai bỏ công nghiên cứu, chỉnh lại lời chuẩn.

“Thế nên việc cần thiết bây giờ các cấp chính quyền cần làm là dịch sách ấy rồi hiệu đính để mọi người khi hát hiểu từng câu hát có ý nghĩa thế nào. Hơn nữa, có khuyến khích được người trẻ học hát xoan và đắm say với hát xoan thì mới mong giữ lại được căn cốt của xoan” - nhạc sĩ Lương Nguyên mong muốn.

Điều đáng buồn nhất là nhiều người hiểu nhầm hát xoan là hát ghẹo. Nhưng xoan là xoan mà ghẹo là ghẹo. Hiện nay ở Phú Thọ chỉ có bốn phường hát xoan, còn hát ghẹo lại thuộc huyện Tam Nông. Trang phục hát xoan cũng khác, đào mặc áo dài nâu non (không có thắt lưng bao xanh), váy đen, chít khăn mỏ quạ; kép mặc áo the khăn đóng; trai làng mặc quần áo trắng, thắt lưng đỏ.

Nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan, người nghiên cứu và thực hiện hồ sơ hát xoan trình lên UNESCO, cho rằng hát xoan không rõ xuất hiện vào năm nào, thời kỳ nào. Tuy nhiên, dựa vào những động tác múa và âm hưởng của những bài hát xoan, đây có lẽ là một trong những điệu múa, lối hát cổ xưa nhất.

Truyền thuyết về sự ra đời của hát xoan, theo những phường xoan ở đây, từ thuở vua Hùng đi tìm đất để dựng kinh đô. Dọc đường đi, anh em vua dừng chân lại vùng có bốn thôn: An Thái, Thét, Kim Đái và Phù Đức... Thấy trẻ con đùa hát đồng dao vui chơi, vua sai tùy tùng gọi bọn trẻ đến hát cho vua nghe, vua lấy làm thích và dạy bọn trẻ những bài hát mà vua nghĩ ra. Sau cả bốn làng đều truyền nhau những điệu hát do vua Hùng dạy.

Tại nơi vua nghỉ chân và dạy trẻ hát sau này một ngôi miếu được dựng lên gọi là miếu Lãi Lèn (hiện không còn nữa) để cảm ơn vua đã dạy dân điệu hát hay như thế. Nghi lễ hát cúng dâng vua của cả bốn phường xoan đều diễn ra tại Lãi Lèn. Sau này, dân lập nên đình Thét để rước vua về mỗi khi mở hội hoặc hát cầu vua ban cho mùa màng bội thu, cảm ơn công đức vua đã dạy dân làm ruộng, trồng dâu, trồng đậu, nuôi tằm và dệt vải. Thông qua việc thờ cúng này, người dân Phú Thọ coi vua Hùng như một vị thần nông.

Cũng theo nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan, nghi lễ hát xoan diễn ra hai lần trong năm: từ ngày mồng 1 đến mồng 7 tết âm lịch (lễ xuống đồng), sau đó là ngày 10-3 âm lịch (xin vua cấp nước xuống đồng cho cây lúa trổ đòng).

Tất cả các làng tụ về miếu Lãi Lèn thờ vua và hát nghinh thần, sau đó các làng rước vua về đình làng mình và tiếp tục hát ở đấy cùng 12 quả cách (tràng mai cách, tứ dân thời cách, nhàn ngâm cách, hò chèo cách, đối dẫy cách, tứ đưa xoan cách, ngư tiều cách, xoan thời cách, hè mừng cách, mừng thu cách, đưa đông cách, hồi nghiên cách). Quả cách thứ 12 được gọi là đóng đám (kết thúc nghi lễ thờ cúng). Sau đó các đào, kép hát tỏa đi hát ở các nơi.

Ngoài ra, hát xoan kết hợp với dân ca địa phương tạo nên một loại hình sinh hoạt khá thú vị là hát bợm gái, còn gọi là hát giao duyên, hát múa bỏ bộ (có đến 60 bài), mời rượu, đúm, cài huê, xin huê, đố huê, đố chữ, mó cá. Trong cả ba chặng hát: nghinh thần, đón đào Đức Bác và bợm gái thì hát mó cá (khoảng 100 câu) trong chặng bợm gái được coi là thú vị nhất, bởi từ câu hát đến động tác múa đều mang đầy ý nghĩa của đời sống phồn thực.

Trong khi chặng hát nghinh thần có những câu trang nghiêm như: “Đôi tay tôi nâng cả đám làng / Trống tôi vỗ bên vông thờ vua thờ chúa / Trống tôi vỗ bên tầm thờ đức đại vương...” thì lối hát mó cá có lời hát vừa vui vẻ vừa da diết: “Đánh cá bóng giăng, đôi ta đánh cá bóng giăng, cá thời chẳng được dung dăng bắt đào. Đôi ta mò cá đầm đăng, cá thời không được tung tăng mò đào”...

__________

(*): Loại nhà đặc trưng của đồng bào vùng cao, tường bằng đất nện, mái lợp cọ hoặc rơm rạ.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận