Chứng "mù đường" và cách chữa

TRỌNG NHÂN 09/05/2024 06:27 GMT+7

TTCT - Khoa học nhìn nhận "chứng bịnh" mù phương hướng này thế nào, và có cách gì để chữa?

Chứng "mù đường" và cách chữa- Ảnh 1.

"Mù đường" là cách nói (đôi khi tự trào) chỉ những người dù cách gì cũng dễ mất phương hướng, ai chỉ đường đi nước bước tận tình đến đâu thì cuối cùng cũng lạc lối, phải xin quyền trợ giúp từ GPS hay Google Maps. Khoa học nhìn nhận "chứng bịnh" này thế nào, và có cách gì để chữa?

Năm 13 tuổi, David Uttal từng bị lạc tới 2 ngày rưỡi khi đi bộ đường dài trong chuyến hướng đạo sinh. Có lẽ chính cậu thiếu niên ngày ấy cũng không ngờ sau này mình sẽ thành nhà nghiên cứu về nhận thức, chủ trì nhiều dự án nghiêm túc về "mù đường", đúng hơn là phân tích cách con người định hướng đường đi theo khoa học.

Phụ nữ, trẻ con vẫn có thể rành đường

Thế giới có hai loại người: một siêu giỏi phương hướng, một mù tịt. Muốn kiểm tra rất dễ. Giả dụ đang đứng ở quận 1, TP.HCM, hãy yêu cầu họ chỉ tay về phía Cần Giờ. Ai đúng ai sai biết ngay. Nhưng tại sao?

Năm 2020, nhà tâm lý học Margherita Malanchini ở Đại học Queen Mary (Anh) và đồng nghiệp so sánh khả năng nhớ đường của hơn 2.600 cặp song sinh trong môi trường ảo. Nhóm nhận thấy, dù là sinh đôi, vẫn có rất nhiều trường hợp người này giỏi nhớ đường, người kia thì không. Nghĩa là khả năng nhớ đường không do di truyền hay bẩm sinh.

Năm 2016, Hugo Spiers, nhà thần kinh học nhận thức tại Đại học College London (Anh), kết hợp với Công ty viễn thông T-Mobile thực hiện thí nghiệm quy mô lớn. Họ tạo ra Sea Hero Quest, một trò chơi điện thoại di động, trong đó người chơi điều hướng một con thuyền đi qua một loạt trạm kiểm soát giả lập. Game này yêu cầu người dùng cung cấp một số dữ liệu nhân khẩu học cơ bản. Có đến gần 4 triệu người trên toàn thế giới đã tham gia.

Mục đích sau cùng của dự án là xem mối liên hệ giữa khả năng nhớ đường và đặc điểm nhân khẩu học. Kết quả: nhóm của Spiers nhận thấy một số yếu tố văn hóa thật sự có liên quan đến kỹ năng tìm đường.

Chẳng hạn, người dân từ các nước Bắc Âu có xu hướng nhớ đường tốt hơn vì ở xứ này, các môn "thể thao định hướng" kết hợp chạy với sử dụng la bàn và bản đồ, khá phổ biến. Những người sống ở các thành phố có mạng lưới đường sá "hỗn loạn", nhiều hẻm hóc như những khu phố cũ châu Âu thường nhớ đường tốt hơn cư dân ở các thành phố được quy hoạch hiện đại như Chicago.

Nhóm nghiên cứu kết luận khả năng nhớ đường gắn liền với trải nghiệm học hỏi ở mỗi người. Một số quan niệm phổ biến như phụ nữ nhớ đường kém hơn nam giới, suy cho cùng cũng xuất phát từ gốc rễ là trải nghiệm.

Ảnh: OutsideOnline

Ảnh: OutsideOnline

Ở các nước Bắc Âu, nơi có chỉ số bình đẳng giới cao nhất, khả năng nhớ đường giữa nam và nữ hầu như không có sự khác biệt. Ngược lại, khả năng nhớ đường của nam giới lại vượt xa phụ nữ ở những nơi mà phụ nữ bị hạn chế ra đường như ở một số nước Trung Đông.

Cùng với trải nghiệm là yếu tố văn hóa. Nhà nhân chủng học Helen Elizabeth Davis ở Đại học bang Arizona đặt thiết bị theo dõi GPS trên 305 người trưởng thành trong cộng đồng bản địa Tsimane ở Bolivia để đo chuyển động hằng ngày của họ trong 3 ngày. Cô không tìm thấy sự khác biệt nào về số liệu khoảng cách di chuyển giữa nam và nữ, thậm chí giữa người lớn và trẻ nhỏ.

Trình bày kết quả trên tập san Topics in Cognitive Science hồi tháng 2-2022, Davis cho biết: đàn ông và phụ nữ cũng thành thạo như nhau trong việc chỉ ra những địa điểm khuất tầm nhìn và khả năng nhớ đường của trẻ em cũng rất tài tình, bởi văn hóa Tsimane khuyến khích trẻ em tự do đi lại khám phá rừng rậm.

Ngoài trải nghiệm và văn hóa, một nguyên nhân nữa là tính cách, theo Uttal, hiện là giáo sư tâm lý học và giáo dục tại Đại học Northwestern. "Để có thể định hướng tốt, bạn phải sẵn sàng khám phá. Một số người không thích trải nghiệm lang thang, trong khi nhiều người khác lại rất thích" - ông nói với tạp chí Knowable.

Đồng quan điểm, nhà tâm lý học Mary Hegarty ở Đại học California cho rằng những người thích các hoạt động ngoài trời như đi bộ đường dài, đạp xe có khả năng định hướng tốt hơn. Tương tự, những người thích chơi game đòi hỏi phải di chuyển nhiều trong không gian ảo cũng nhớ đường tốt hơn.

Những bằng chứng trên cho thấy người rành đường và người mù đường khác nhau có lẽ là do trải nghiệm liên quan đến khám phá khác nhau. Những người không thích các hoạt động đòi hỏi phải định hướng, khám phá có khi là do bản tính, cũng có khi trước đó đã từng có trải nghiệm tồi tệ, Uttal lưu ý.

Có thể thông cảm cho họ, nhưng không may là với "mù đường", càng sợ, "bệnh" càng nặng.

Muốn giỏi phải học

Theo nhà tâm lý học nhận thức Nora Newcombe tại Đại học Temple (Anh), trình độ nhớ đường của một người có thể phân thành 3 nhóm: Một nhóm không chỉ nhớ đường từ A đến B mà còn giỏi nhớ cả những địa điểm C, D, E… ở giữa. Họ dễ dàng phác họa một bản đồ sinh động trong đầu về cả một không gian giữa A và B. Nhóm thứ hai chỉ đường từ A tới B mà không giỏi nhớ C, D, E… Nhóm còn lại không giỏi gì hết.

Phân loại như trên có cơ sở định tính hẳn hoi. Chuyên gia về địa lý Dan Montello ở Đại học California kể với Knowable, học trò của ông từng làm một thí nghiệm đặc biệt khoảng 20 năm trước. Mỗi tuần một lần, trong suốt 10 tuần, sinh viên này chở 24 tình nguyện viên đi qua 2 tuyến đường xa lạ, ngoằn ngoèo trong một khu dân cư ở Santa Barbara.

Sau đó, anh kiểm tra khả năng nhớ đường của các tình nguyện viên. Kết quả, hầu hết mọi người có thể nhớ được đoạn đường và ước chừng đại khái khoảng cách di chuyển. Nhưng không phải tình nguyện viên nào cũng có thể xác định được vị trí tương quan của các địa điểm trên tuyến đường. Khi được yêu cầu vẽ biểu đồ 2 tuyến đường, nhiều người vẽ quá sai lệch so với thực tế.

Điều quan trọng rút ra từ nghiên cứu trên là chuyện nhớ đường dù ít dù nhiều hoàn toàn có thể học thông qua trải nghiệm. Mary Hegarty, trưởng phòng thí nghiệm tư duy không gian tại Đại học California, chỉ một cách luyện tập đơn giản là để ý đến những gì xung quanh bạn, mã hóa các "điểm mốc" quan trọng trong vùng. Ví dụ ở Santa Barbara có một dãy núi phía bắc thành phố - một gợi ý trực quan quan trọng để định hướng mỗi khi di chuyển.

Biết các hướng đông, tây, nam, bắc cũng là một lợi thế. Một trong những quy tắc vô cùng cơ bản là mặt trời mọc hướng đông và lặn hướng tây. Ở các nước ôn đới, rêu thường mọc ở phía bắc của cây cối.

Ngoài ra, một người có thể tự tạo cho mình những điểm mốc để nhớ đường, chẳng hạn một tượng đài hoặc thứ gì đó nổi bật với bạn trong khu phố như một tòa nhà cao tầng, quán ăn ở ngã tư. Kết nối những điểm mốc này là bạn đã có thể chữa được phần nào bệnh "mù đường".

Chứng "mù đường" và cách chữa- Ảnh 3.

Mary Hegarty lưu ý các cư dân nên tìm hiểu các quy tắc phân bố nhà cửa, đường sá đặc trưng của địa phương mình sinh sống. Chẳng hạn khi Hegarty chuyển đến New York, bố của cô - người lớn lên ở đây - đã thông báo một quy tắc hữu ích, rằng giao thông trên những con phố số chẵn sẽ đều xuôi về phương đông. 

Ở Manhattan, các tòa nhà số chẵn cũng thường nằm ở phía nam hoặc phía trung tâm thành phố. Có điều bố con cô sẽ phải bối rối nếu mang bí quyết này đến vài con đường ở Sài Gòn, như Phan Xích Long ở quận Phú Nhuận chẳng hạn.

Nói với BBC, nhà triết học và nhà khoa học nhận thức Pablo Fernandez-Velasco (Đại học York) cho rằng một phần vấn đề của những người "mù đường" là thiếu tự tin hoặc chủ động né những tình huống phải định hướng không gian. 

Giống như câu chuyện "con gà và quả trứng", tâm lý này dẫn tới những phản hồi tiêu cực trong não bộ khiến họ lại lúng túng khi tìm đường, từ đó họ tiếp tục tin rằng mình là loại người "mù đường" và trở về tâm lý thiếu tự tin.

Pablo Fernandez-Velasco cho rằng hãy tin bộ não của mình có thể học hỏi và tạo điều kiện cho nó có thể tự học. Càng đi nhiều, bạn càng rành đường. Tuy nhiên, khái niệm đi nhiều ở đây cần phải loại bỏ những công cụ hỗ trợ, trong đó có GPS.

Năm 2020, hai nhà thần kinh học Louisa Dahmani và Véronique Bohbot của Đại học McGill (Canada) yêu cầu các tình nguyện viên quen dùng GPS khi lái xe tham gia một bài kiểm tra định vị trong một không gian ảo mà không cần GPS. Kết quả: ai ngày thường càng phụ thuộc hệ thống dẫn đường thì có kết quả kiểm tra càng tệ.

Nhóm cũng theo dõi 13 tình nguyện viên khác trong 3 năm và nhận thấy những người dùng GPS nhiều nhất trong khoảng thời gian này sẽ suy sút nhiều hơn về khả năng nhớ đường mà không có GPS. Tóm lại, việc phụ thuộc vào GPS khiến các kỹ năng nhớ đường bị giảm sút thấy rõ, theo công bố trên Scientific Reports.

Dữ liệu người chơi Sea Hero Quest còn là tư liệu nghiên cứu quý giá cho các nhà khoa học. Bằng cách phân tích cách chơi của khoảng 400.000 người trong số 4 triệu người đã chơi, các nhà nghiên cứu chỉ ra một số người chọn đường kém có mang gene ApoE4, vốn làm tăng nguy cơ mắc Alzheimer lên đến 12 lần, theo Đại học Y khoa Washington.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận