Điều kỳ diệu của "tắt rồi mở lại"

TRÚC ANH 19/05/2024 08:15 GMT+7

TTCT - Cách hiệu quả nhất để khắc phục các vấn đề kỹ thuật hoàn toàn không thay đổi mấy chục năm qua: cứ tắt đi mở lại mà xem.

Poster chọc nhân viên IT của thương hiệu Nerd Shizzle.

Poster chọc nhân viên IT của thương hiệu Nerd Shizzle.

Khi ai đó bên hỗ trợ kỹ thuật bảo bạn tắt mở lại khi thiết bị nào đó đang giở chứng - màn hình đen thui, máy tính treo, máy in không hoạt động - họ không phải lười biếng mà đang ứng dụng "kỹ thuật khắc phục sự cố lâu đời và thô sơ nhất của kỹ sư điện". 

Lối mô tả này là của David A. Mindell, giáo sư hàng không và du hành vũ trụ của MIT, khi ông chép lại cách xử lý tình huống sống còn của tàu vũ trụ Apollo 14 trong chuyến thám hiểm mặt trăng thứ 8 của Mỹ hồi năm 1971.

Số là khi chuẩn bị đổ bộ, radar hạ cánh trên Apollo 14 không thể lấy nét bề mặt mặt trăng nên chưa thể hạ cánh, theo tư liệu lưu trữ của NASA. Lúc này người ở trung tâm điều phối nhiệm vụ đã yêu cầu các phi hành gia tái khởi động bộ ngắt mạch trên ăng ten của radar. 

"Đấy là kỹ thuật khắc phục sự cố lâu đời và thô sơ nhất của kỹ sư điện nhưng là một chiêu thường xuyên hiệu quả với các thiết bị khó chịu" - Mindell viết trong quyển Digital Apollo (2008), từ lời kể của các phi hành gia.

Một khoảnh khắc im lặng căng thẳng trôi qua, tất cả hướng mắt về đèn tín hiệu trên radar. Cuối cùng là nó đã nhấp nháy. Bí thuật "tắt rồi mở lại" đã hiệu nghiệm, thêm một lần nữa, ngay cả khi ứng dụng bên ngoài Trái đất. Chẳng trách các nhân viên IT, tổng đài viên hỗ trợ kỹ thuật tới giờ vẫn lấy đó làm câu hướng dẫn đầu môi.

Có một cách ví von đơn giản để giải thích vì sao cách làm này hiệu quả: bạn đang trên đường đi từ A đến B, theo lộ trình đã biết trước, nhưng đi giữa đường chẳng may rẽ nhầm sang lối khác, và cuối cùng bị lạc. Bạn không tài nào tìm được cách đến B, nhưng nếu đúng lúc đó, được đưa trở về điểm xuất phát, bạn sẽ dễ dàng tới đích. 

"Đó là cách tắt và mở lại một thiết bị như smartphone, máy tính hay smart TV hoạt động. Tắt một thiết bị nghĩa là đưa nó "về nhà", trở lại điểm xuất phát, lúc đó nó sẽ biết phải làm gì" - trang tin công nghệ TechWiser giải thích.

Thứ thực sự đi lại và lạc lối trong mỗi thiết bị là dòng điện. Các nhân viên IT sau khi yêu cầu tắt thiết bị cũng thường khuyên chờ vài chục giây hay 1 phút sau hãy mở lại. Lý do là để các tụ điện bên trong "quên" dòng điện lúc trước đi, để mọi thứ thực sự bắt đầu lại từ con số 0, giúp thiết bị hoạt động trơn tru.

Một nguyên nhân khác khiến thiết bị giở chứng là lỗi rò rỉ bộ nhớ (memory leak), thường xảy ra khi các ứng dụng gặp lỗi lập trình, khiến hệ thống chung bị quá tải. Hệ quả là máy chạy chậm, treo hoặc sập nguồn. Khi tắt thiết bị, các ứng dụng và tiến trình chạy ngầm sẽ bị tạm dừng, giúp "bịt" chỗ rò rỉ - chính xác là dọn dẹp bộ nhớ tạm thời (RAM) của thiết bị đó. 

"Quá trình này giống như bạn ngả lưng chợp mắt một tí khi thấy quá tải. Khi tỉnh dậy, bạn sẽ thấy tươi mới và giải quyết các vấn đề hiệu quả hơn" - Aaron Grady, quản lý dự án với các đối tác Windows tại Microsoft, nói với Wall Street Journal. Theo tờ này, "tắt rồi mở lại" đang hữu ích và phổ biến hơn bao giờ hết, vì cái gì ngày nay cũng có hệ thống máy tính bên trong, từ đồ gia dụng tới xe cộ, máy bay, tàu lửa.

Jason Cerezo, chủ doanh nghiệp thiết kế đồ họa và làm web ở Champaign (bang Illinois, Mỹ), vừa ổn định chỗ ngồi trên một chuyến bay công tác thì nghe cơ trưởng thông báo máy bay đang gặp sự cố, cần khởi động lại. 

Là người trong ngành, Cerezo hiểu ngay vấn đề và bật cười, dù cũng phải cùng các hành khách khác xuống máy bay rồi quay lại. "Mọi thứ đều chạy trên nền máy tính và tắt máy bay mở lại hoàn toàn hợp lý; tôi cũng sẽ làm thế đầu tiên nếu phải sửa một cái máy bay" - ông nói.

Gurpiar Gill, lái xe tải cho một công ty xây dựng ở Saskatchewan, Canada. Hai năm trước anh được giao một chiếc Ford F-150 đời 2021 hiện đại, nhưng mới chạy hai tuần đã thấy màn hình bảng điều khiển điện tử tối đen. 

Hoảng hốt, Gill đọc không sót chữ nào trong tập tài liệu hướng dẫn sử dụng, lục tung các diễn đàn xe cộ mà vẫn không biết làm sao. Hết cách, anh bèn tắt hệ thống trên xe, đợi vài phút rồi mở lại, và "Tôi quá ngạc nhiên. Công nghệ đã tiến xa tới cỡ nào rồi mà cái chiêu đơn giản tôi vẫn dùng khi có router WiFi đầu tiên hồi đầu thập niên 2000 tới giờ vẫn xài được" - anh nói.

Kenny Chan, phụ trách công nghệ cho một công ty tiếp thị ở San Francisco, kể tuần nào cũng có 2-4 cuộc gọi nhờ ông hỗ trợ vì "những vấn đề mà chỉ cần khởi động lại là xong". Có người nói đã tự tắt mở lại rồi mà chẳng thấy gì nên mới gọi ông. Điều lạ lùng là khi ông tới nơi, cũng chính tay người đó bấm nút tắt thiết bị rồi mở lại, thì đâu lại vào đấy. 

Ngón tay nhân viên kỹ thuật khác tay người phàm chúng ta, máy móc sợ thầy thợ, hay đời cứ phải thế mới là đời? Cái này mới là bí ẩn chưa giải thích được, tin rằng bạn cũng thấy nó quen quen.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận