Phản ánh đến Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Tấn Phong (ngụ huyện Cần Giờ) bức xúc khi hơn 5 năm qua ông phải "lên bờ, xuống ruộng", vẫn chưa sang tên đất ông mua trúng đấu giá tại Cần Giờ.
Không sang tên vì chênh lệch đất "ao" với "đầm tự nhiên"
Đầu tháng 7-2019, ông Phong mua thửa đất số 80-1, tờ bản đồ số 22, xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ, được UBND huyện Cần giờ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số Đ742585 ngày 21-6-2004. Thửa đất trên là của ông N.V.M., được cơ quan thi hành án bán thông qua đấu giá.
Sau khi hoàn tất thủ tục mua tài sản, ngày 4-7-2019, ông Phong nộp hồ sơ tại Chi nhánh Văn phòng Đăng ký (VPĐK) đất đai huyện Cần Giờ để cập nhật sang tên.
Đến ngày 17-7-2019, VPĐK có công văn trả lời rằng chưa có cơ sở giải quyết vì theo giấy chứng nhận (tại trang 2) thì thửa đất trên có mục đích sử dụng là "Ao", nhưng trang 3 thể hiện ký hiệu loại đất là "ĐTN" (đầm tự nhiên).
Tuy nhiên, VPĐK không thông báo cho ông Phong biết phải bổ sung thủ tục gì, liên hệ cơ quan nào giải quyết việc chênh lệch mục đích sử dụng trên giấy chứng nhận và sang tên đăng bộ. Vì vậy, ông Phong gửi đơn đến UBND huyện, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, VPĐK đề nghị tiếp ông để giải quyết triệt để.
Bởi theo ông Phong, việc có chênh lệch thông tin trên giấy chứng nhận không phải và không thể là do người dân. Trong khi ông là người mua đất hợp pháp, hợp lệ qua đấu giá.
Qua nhiều lần liên hệ và làm việc lại, VPĐK hướng dẫn ông Phong nộp bộ hồ sơ đính chính loại đất sử dụng là "đất ao", sau đó mới xử lý sang tên đăng bộ.
Xoay như chong chóng với các hướng dẫn
Sau thời gian gián đoạn do COVID-19, tháng 4-2022 ông Phong lại nộp hồ sơ cho VPĐK. Tháng 5-2022, VPĐK đề nghị ông Phong nhận lại hồ sơ và tiến hành đo đạc lại khu đất làm cơ sở giải quyết.
Sau khi hoàn tất công tác đo đạc, tháng 11-2023 ông Phong nộp hồ sơ lại cho VPĐK. Thế nhưng lần này (tháng 12-2023), VPĐK tiếp tục có công văn (7026) trả hồ sơ, yêu cầu phải điều chỉnh thống nhất loại đất, vì theo quy định trong các loại đất nông nghiệp không có loại đất ký hiệu "ĐTN". Đáng nói là công văn này lại phát hành cho ông N.V.M. là chủ đất cũ (!).
Khi đi nhận lại hồ sơ thì ông Phong mới biết được công văn 7026 của VPĐK, nên đã kiến nghị thu hồi công văn này vì ban hành trái pháp luật, sai nội dung nghiêm trọng.
Đến đầu tháng 3-2024, VPĐK làm việc với phía ông Phong và hướng dẫn ông liên hệ UBND xã Lý Nhơn để xác định lại loại đất. Vào ngày 18-3-2024, UBND xã Lý Nhơn có biên bản xác nhận hiện trạng khu đất là đất ao nuôi tôm, không có tranh chấp.
Từ đó, ông Phong nộp lại hồ sơ đính chính (kèm biên bản xác nhận) cho VPĐK. Oái ăm, đến đầu tháng 4-2024, VPĐK lại trả hồ sơ vì cho rằng khu đất trên vẫn đứng tên của ông N.V.M. chưa được thực hiện đăng ký chuyển nhượng sang cho ông Phong.
Bức xúc, ông Phong gửi đơn khiếu nại UBND huyện và VPĐK về việc từ chối đính chính và thực hiện thủ tục đăng bộ. Ngay sau đó, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện và VPĐK đã làm việc và hướng dẫn ông Phong nộp lại hồ sơ, không yêu cầu ông N.V.M. phải nộp hồ sơ nữa.
Tuy nhiên, sự oái ăm vẫn chưa dừng lại vì đến ngày 11-7-2024, Phó chủ tịch UBND huyện Trương Tiến Triển ký công văn số 5021 gửi cho ông N.V.M. (?) cho rằng yêu cầu đính chính loại đất là không có cơ sở do Nhà nước công nhận lần đầu khu đất trên là loại đất ĐTN.
Quá bức xúc, phía ông Phong lại làm đơn khiếu nại gửi đến chủ tịch huyện về công văn trả lời trên.
Huyện thu hồi công văn ký sai thẩm quyền
Mới đây, phía ông Phong nhận được công văn thông báo thu hồi, hủy bỏ công văn bị khiếu nại (công văn 5021) do Phó chủ tịch huyện Võ Hữu Thắng ký, với lý do công văn trên ký sai thẩm quyền.
Theo ông Thắng, từ ngày 10-7-2024 UBND TP.HCM đã có quyết định điều động, bổ nhiệm Phó chủ tịch UBND huyện Trương Tiến Triển sang vị trí phó trưởng Ban quản lý đầu tư và xây dựng khu đô thị mới Nam thành phố.
Đồng thời đề nghị phía ông Phong liên hệ bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của huyện để nộp lại hồ sơ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận