12/01/2012 07:42 GMT+7

Lê Văn Luyện có đồng phạm?

THÂN HOÀNG - TÂM LỤA
THÂN HOÀNG - TÂM LỤA

TT - Chiều tối 11-1, vụ án xét xử Lê Văn Luyện và các bị cáo liên quan tới vụ cướp tiệm vàng Ngọc Bích đã kết thúc sau hai ngày xét xử.

Thượng tôn pháp luật hay xử mạnh để răn đe?Xem tường thuật phiên tòaLê Văn Luyện: "Tôi không bị oan"Lê Văn Luyện lãnh 18 năm tù

1BvGHE4p.jpgPhóng to

Lê Văn Luyện đứng trước vành móng ngựa nghe tòa tuyên án - Ảnh: Thân Hoàng

Tòa tuyên phạt Lê Văn Luyện 18 năm tù vì tội giết người, 18 năm tù về tội cướp tài sản, 9 tháng tù về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Tổng hình phạt chung cho Luyện là 18 năm tù giam (mức hình phạt cao nhất dành cho bị cáo là trẻ em chưa đủ 18 tuổi).

Các bị cáo khác có liên quan tới vụ án gồm Lê Văn Miên (bố của Luyện) lãnh 48 tháng tù, Trương Thanh Hồng (anh họ của Luyện) 30 tháng tù, Lê Thị Định (cô ruột của Luyện) 15 tháng tù và Lê Thành Nghi (chồng Định, chú rể của Luyện) 15 tháng tù giam về tội che giấu tội phạm. Hai bị cáo Trương Văn Hợp (bác họ của Luyện) 12 tháng tù, Dương Thị Lược (vợ của Hợp) 9 tháng tù giam về tội không tố giác tội phạm.

Có dấu hiệu xuất hiện hung thủ thứ hai

Trong ngày xét xử thứ hai, luật sư bào chữa cho gia đình người bị hại đưa ra nhiều chi tiết và đặt câu hỏi có hay không đồng phạm cùng Luyện thực hiện vụ án? Luật sư Trần Chí Thanh cho rằng một mình Luyện khó đủ sức để chống cự và giết hại cả nhà anh Ngọc. Theo luật sư Thanh, trong lời khai của Lê Văn Luyện tại cơ quan điều tra có dấu hiệu xuất hiện hung thủ thứ hai. “Luyện khai sau khi đột nhập vào nhà thấy chuông báo động và camera, Luyện đã sập cầu dao để ngắt điện. Một lúc sau Luyện bật cầu dao thấy chuông báo động kêu nên lại tắt đi. Lời khai này còn nhiều mâu thuẫn, rất có thể có ai đó đã bật cầu dao điện” - luật sư Thanh trình bày quan điểm.

Trong phần xét hỏi các nhân chứng, đa số nhân chứng cho rằng lời khai của bé Bích trong hồ sơ của cơ quan điều tra còn chưa đầy đủ. Chị Trịnh Thị Hoa (chị gái của nạn nhân Trịnh Thành Ngọc) khai trước hội đồng xét xử: “Khi đưa bé Bích đến bệnh viện, chúng tôi hỏi, bé Bích nói là có hai thanh niên bắt bố mẹ cháu úp mặt vào tường”. Do yêu cầu của gia đình, trong phiên xét xử tòa không triệu tập bé Trịnh Ngọc Bích - nạn nhân duy nhất sống sót trong vụ án.

Tại phiên tòa, thẩm phán Thân Quốc Hùng - chủ tọa phiên tòa - công bố tóm tắt lời khai của bé Bích với cơ quan điều tra. Ngày 25-8-2011 tại Bệnh viện Việt Đức, bé Bích khai: “Ngoài chú cao to còn có một chú người nhỏ đầu trọc đằng sau tóc có đuôi, mặc áo sáng cộc tay và đi chân đất. Lúc đó trời tối, cháu cũng không nhìn rõ mặt”. Lời khai lần thứ hai ngày 31-8-2011 của bé Bích cũng tại Bệnh viện Việt Đức: “Cháu thấy chính xác một chú cao to đi vào giật điện thoại và chém cháu. Trong phòng không có điện, sáng mờ mờ nên cháu không nhìn rõ mặt”.

Gia đình nạn nhân bức xúc

Trong suốt hai ngày xét xử, Lê Văn Luyện đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình, khẳng định chỉ có một mình gây án. Trước tòa, Luyện bình thản trả lời các câu hỏi của hội đồng xét xử. Thái độ của Luyện càng làm gia đình nạn nhân thêm căm phẫn. Khi luật sư hỏi: Bây giờ đã đủ 18 tuổi, Luyện có đủ bản lĩnh xin phép tòa cho nói lời sâu thẳm với gia đình nạn nhân không, Luyện lạnh lùng trả lời: “Không!”. Đáng lưu ý, trong suốt hai ngày xét xử, Luyện không một lần rơi nước mắt.

Trước giờ nghị án, phần được nói lời sau cùng, Luyện chỉ nói ngắn gọn: “Bị cáo xin lỗi gia đình người bị hại, xin lỗi người nhà vì bị cáo mà liên lụy. Bị cáo xin được hưởng mức án cao nhất dành cho mình”.

Phiên tòa nhiều lần phải ngưng lại vì phản ứng của gia đình nạn nhân. Lực lượng an ninh phải đưa Luyện vào tạm lánh tại phòng của Viện kiểm sát trước khi tới giờ xét xử. Người nhà nạn nhân biết trước mức án dành cho Luyện cao nhất là 18 năm tù nên rất bức xúc.

Ngay sau khi hội đồng xét xử tuyên án đối với bị cáo Lê Văn Luyện, trao đổi với Tuổi Trẻ, luật sư Phạm Văn Huỳnh - văn phòng luật sư Tâm Đức, đại diện đoàn luật sư bảo vệ cho quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình bị hại và đại diện gia đình bị hại - cho biết sẽ kháng cáo gửi TAND tối cao đề nghị điều tra và xét xử lại. Theo luật sư Huỳnh, cáo trạng của Viện KSND tỉnh Bắc Giang có nhiều dấu hiệu lọt người và lọt tội. “Chúng tôi sẽ kháng cáo để cơ quan điều tra phải điều tra lại, tìm ra đồng phạm của Lê Văn Luyện” - luật sư Huỳnh nói.

Cáo trạng sai sót do lỗi đánh máy

Tại phiên tòa, luật sư Trần Chí Thanh và luật sư Phạm Văn Huỳnh, đại diện luật sư gia đình bị hại, cho rằng bản cáo trạng của Viện kiểm sát còn nhiều thiếu sót. Luật sư Thanh “tố”: khi tiếp xúc với hồ sơ vụ án, Viện kiểm sát luôn cáo bận và ra cáo trạng trước ngày xảy ra vụ án là ngày 29-7-2011. Theo các luật sư, Viện kiểm sát đã thiếu trách nhiệm khi cơ quan điều tra thực nghiệm hiện trường không báo cho luật sư biết, không có sự tham dự của nhiều nhân chứng, hung thủ không trực tiếp diễn lại hành vi gây án...

Đáp lại ý kiến của luật sư Thanh, đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố tại tòa thừa nhận trong thông báo văn bản cho luật sư có sơ suất sai ngày do lỗi đánh máy. Thực tế cáo trạng ra ngày 29-11-2011. Về việc luật sư cho rằng việc thực nghiệm điều tra không mời luật sư, không để Luyện diễn lại hành vi mà mời người đóng thế, đại diện Viện kiểm sát đưa ra quan điểm: theo Bộ luật hình sự, về nguyên tắc dựng lại hiện trường không cần phải có mặt người bị hại và bị cáo, cũng không phải diễn lại trực tiếp hành vi. Và biên bản thực nghiệm điều tra là có căn cứ.

THÂN HOÀNG - TÂM LỤA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên