05/08/2016 09:20 GMT+7

Lễ tốt nghiệp thiếu... “màu của nắng”

VĨNH HÀ (chuhongvan@tuoitre.com.vn)
VĨNH HÀ (chuhongvan@tuoitre.com.vn)

TTO - Hôm nay (5-8), Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tổ chức lễ tốt nghiệp, thế nhưng cô tân cử nhân Vũ Thị Hồng Thúy lại không về dự được dù Thúy tốt nghiệp loại giỏi và được vinh danh trong buổi lễ này.

“Người khuyết tật vẫn có thể sống tốt và có ích” - Vũ Thị Hồng Thúy đã nói như thế khi hiện Thúy chỉ còn 20% thị lực - Ảnh: CHU HÀ LINH
“Người khuyết tật vẫn có thể sống tốt và có ích” - Vũ Thị Hồng Thúy đã nói như thế khi hiện Thúy chỉ còn 20% thị lực - Ảnh: CHU HÀ LINH

Những sinh viên như Thúy không chỉ là người tiếp thêm động lực cho các bạn khiếm thị vươn lên mà còn có tác động tích cực đến cộng đồng, để nhiều người hiểu rằng người khuyết tật vẫn có thể sống tốt và sống có ích

Thạc sĩ Hoàng Thị Nga (trưởng khoa giáo dục đặc biệt)

Trong danh sách tốt nghiệp loại giỏi ấy, đáng chú ý Thúy sinh năm 1989, trong khi những sinh viên cùng tốt nghiệp chỉ sinh năm 1994...

Vì sao một cô gái trẻ lại học trễ đến năm năm và tốt nghiệp loại giỏi ngành giáo dục đặc biệt? Câu hỏi ấy đã đưa chúng tôi về Nam Trực (Nam Định) tìm gặp Thúy và một câu chuyện khác lại mở ra...

Thế giới lạ

“Cái áo đỏ chấm bi em mặc, nhìn nó thế nào? Tôi làm quen với những câu hỏi như thế khi đến ở chung với các bé ở Mái ấm Huynh đệ như nghĩa (Q.Bình Tân, TP.HCM). Vì với các bé, tôi may mắn hơn khi còn từng biết đến những sắc màu”, Thúy kể về lần đầu đến với thế giới của những đứa trẻ khiếm thị, chưa từng biết đến ánh sáng.

Ở đây, Thúy đã trở thành “màu của nắng” trong hình dung của bọn trẻ, vì Thúy có thể giúp chúng hiểu về những sắc màu mà mình may mắn hơn khi còn nhìn thấy. Từ đây, Thúy cũng tìm thấy được nguồn sống mới cho mình.

Đang học năm thứ nhất Trường CĐ Sư phạm Nam Định, Thúy thấy mắt bị mờ dần. Nghĩ mình bị tăng độ cận nên Thúy đi khám và bàng hoàng khi bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh viêm màng bồ đào và bệnh glocom (thiên đầu thống). Sau một thời gian dài chạy chữa, thị lực của Thúy chỉ còn 20%. Mọi vật không còn nhìn rõ nét nữa cũng là lúc Thúy cảm thấy cuộc đời đóng sập cửa.

“Hồi đó tôi đóng cửa ở lì trong nhà. Bạn gọi điện thoại cũng không muốn nghe nữa. Chán nản, hoang mang, tôi đã nghĩ mọi thứ chấm hết”. Ông Vũ Quang Huy, bố của Thúy, nhớ lại: “Gia đình tôi đã làm hết sức nhưng vẫn phải chấp nhận tình trạng hiện tại của cháu. Chúng tôi gửi cháu vào Sài Gòn chỉ mong cháu có thể khuây khỏa, đâu dám nghĩ cháu còn có thể học hành”. Thúy đến mái ấm trong tình cảnh đó.

“Khi gặp tôi, nhiều bé ở lứa tuổi 15-16 hay hỏi “Chị thấy làn da em như thế nào?” hay “Trông em thế này có mập quá không?”. Có rất nhiều câu hỏi mong chờ tôi mô tả bằng khả năng thị lực còn lại và những điều tôi đã biết khi mắt còn nhìn thấy bình thường. Trong lúc cố gắng mô tả lại cho các em dễ hình dung nhất, tôi chợt nhận ra mình may mắn hơn các em ấy rất nhiều.

“Các em vẫn sống tốt, vậy thì tại sao tôi không thể sống. Các em ấy vẫn sống trong một thế giới mà thay vào việc nhìn thấy, các em có thể chạm vào, có thể cảm nhận. Tôi bước chân vào thế giới đó và làm quen với nó. Sau này khi tập làm người giúp đỡ các em khiếm thị, tôi cũng học được rất nhiều từ cách các em vượt qua khó khăn để sống” - Thúy hồi tưởng...

“Đầu không bao giờ ngừng suy nghĩ”

Hằng ngày Thúy đến mái ấm với các bé khiếm thị và bắt đầu học tin học dành cho người khiếm thị, học chữ nổi. Nhờ sự giúp đỡ của các xơ trong mái ấm, Thúy đăng ký vào học khoa giáo dục đặc biệt Trường đại học Sư phạm TP.HCM với suy nghĩ có thể làm được điều gì đó có ích cho những đứa trẻ mà giờ đây đã gần như cùng cảnh ngộ với mình.

Suy nghĩ của Thúy được gia đình và các xơ khuyến khích nhưng chỉ có Thúy mới hiểu phải cần nỗ lực như thế nào để vượt qua được chặng đường học tập gian khổ, khi mình phải đáp ứng yêu cầu học tập như các sinh viên bình thường.

“Sử dụng chữ nổi không theo kịp được các bài giảng của thầy cô nên tôi phải ghi âm lại bài giảng, hoặc nhờ bạn bè đọc lại bài các bạn ấy ghi chép để ghi âm và nghe lại, chắt lọc lấy những nội dung chính gõ vào máy tính” - Thúy cho biết.

“Kỳ thi đầu tiên ở trường tôi rất lo lắng, căng thẳng vì phải thi như các bạn sinh viên bình thường khác. Đề thi, thời gian làm bài thi giống các bạn. Trong khi khả năng đánh máy của mình chưa được nhanh, viết tay thì không được. Vì thế giáp ngày thi tôi dành toàn bộ thời gian vào việc luyện soạn thảo văn bản trên máy tính, luyện việc nghe file ghi âm rồi viết lại trên máy cho đúng.

Vậy mà khi đi thi, do căng thẳng nên tôi đã chép sai đề do giáo viên đọc. Trong khi các bạn đang làm bài rồi thì mình vẫn loay hoay chép lại đề”. Và ngay học kỳ đầu tiên, Thúy đạt điểm xuất sắc. Điều đó cho Thúy tự tin để tiếp tục nỗ lực vượt qua những học kỳ, khi số tín chỉ Thúy đăng ký nhiều hơn, nội dung chuyên ngành khó hơn.

Cô Hoàng Thị Nga, trưởng khoa giáo dục đặc biệt ĐH Sư phạm TP.HCM, nhận xét: “Ở những môn tôi dạy thì Thúy luôn là sinh viên số 1. Không chỉ chủ động tìm tài liệu mà em còn đến các cơ sở giáo dục học sinh đặc biệt để từ thực tiễn, tình huống giáo dục thực tế đưa ra những luận cứ thuyết phục. Thúy cứng cỏi và đặc biệt đó là sinh viên mà tôi thấy “đầu không bao giờ ngừng suy nghĩ”, kể cả khi làm bài tập hay nghiên cứu khoa học”.

Phải chậm lại một năm để chờ học những môn chuyên ngành giáo dục cho trẻ khiếm thị, Thúy vừa tốt nghiệp và trở thành thủ khoa ngành của trường với mức điểm trung bình cuối khóa học 8,24 (thang điểm 10). Các thầy, cô ở khoa đều nhắc đến Thúy như một tấm gương.

Tạo đồ dùng học tập cho người khiếm thị

Một trong những bộ dụng cụ được lắp ráp, người khiếm thị có thể sờ vào để hình dung ra cách làm bài tập hình học không gian - Ảnh: CHU HÀ LINH
Một trong những bộ dụng cụ được lắp ráp, người khiếm thị có thể sờ vào để hình dung ra cách làm bài tập hình học không gian - Ảnh: CHU HÀ LINH

Đó là bộ dụng cụ lắp ráp để hỗ trợ học hình học không gian dành cho người khiếm thị xuất phát từ ý tưởng của Thúy; sản phẩm nghiên cứu, chế tạo của Thúy cùng một sinh viên nữa đã nhận được giải nhất toàn khoa và giải nhì cấp trường. Thúy được chọn đi dự hội nghị nghiên cứu khoa học các trường sư phạm toàn quốc ở Đà Nẵng để thuyết trình về sản phẩm của mình.

“Đề tài liên quan tới ngành học, đối tượng mà tôi sẽ dạy học sau này, nhưng cũng xuất phát từ chính hoàn cảnh cá nhân và thực tế tiếp xúc với các em nhỏ khiếm thị. Trước đó tôi đã tìm hiểu thấy nhiều cơ sở dạy học cho trẻ khiếm thị chỉ có dụng cụ hỗ trợ dạy hình học phẳng mà chưa có dụng cụ hỗ trợ dạy hình học không gian. Vì thế tôi đã cố gắng thử làm” - Thúy nói.

Chặng đường còn xa...

Mong muốn của Thúy là có thể làm được nhiều việc hơn cho những người khiếm thị.

Nhưng khi trò chuyện với chúng tôi, Thúy không giấu vẻ âu lo: “Tâm huyết có lẽ chưa đủ, vì nhiều cơ sở cần giáo viên chuyên ngành giáo dục đặc biệt đều ưu tiên nhận những người mắt sáng. Tôi đã gửi hồ sơ xin việc nhiều nơi nhưng có nơi không trả lời, có nơi họ từ chối. Có lẽ vì họ ngại nhận một người chỉ còn 20% thị lực” - Thúy nói.

Tuy vậy, Thúy nói vẫn hi vọng và tin vào sự lựa chọn của mình. “So với lúc suy sụp, muốn đóng chặt cửa trong nhà, giờ đây tôi có thể sống bình thường, nói, cười nhiều hơn trước. Vì tôi tin mình có thể vượt qua được khó khăn để tiếp tục đi về phía trước” - Thúy tự tin nở nụ cười, nụ cười mang màu nắng.

Tuy là sinh viên tiêu biểu sẽ được tuyên dương tại lễ trao bằng tốt nghiệp ở Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, nhưng Thúy đã không thể về trường dự lễ vì chặng đường từ Nam Định quê Thúy đến trường quá xa...

VĨNH HÀ (chuhongvan@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên