16/08/2015 14:07 GMT+7

Lễ khai trường: quá hình thức và giả tạo

H.HG - THÁI LỘC ghi
H.HG - THÁI LỘC ghi

TTO - Bên cạnh những ý kiến của các em học sinh, các vị phụ huynh, thầy cô giáo, các nhà nghiên cứu cũng bày tỏ ý kiến về việc trả ngày khai giảng lại dành cho các em.

Cô Nguyễn Phương Hằng đang hướng dẫn học sinh lớp 1/1 cách đưa tay phát biểu trong ngày tựu trường ở Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, quận Tân Bình, TP.HCM vào sáng 11-8 - Ảnh tư liệu

Quá hình thức và giả tạo

“Tôi không thể hiểu nổi tại sao học sinh đã tựu trường, học chương trình chính thức hai tuần rồi lại khai giảng. Tôi tra từ điển tiếng Việt, từ “khai giảng” nghĩa là bắt đầu giảng dạy. Vậy là ngành GD-ĐT cả nước đã dùng sai từ?” - ông Từ Huy, phụ huynh ở quận 5, TP.HCM, hỏi. 

Ông Huy cho biết: “Năm lớp 1 con trai tôi còn vui vẻ đi dự khai giảng. Từ năm lớp 2 tới giờ cháu đều xin ba mẹ cho ở nhà. Có lẽ các cháu bây giờ không còn sự háo hức, hồi hộp trong ngày khai giảng năm học mới như nhà văn Thanh Tịnh từng viết nữa. Đã học hai tuần, quen hết với cô giáo, bạn bè... rồi thì làm sao háo hức được?”.

Ngay cả cô T. - giáo viên chủ nhiệm lớp 1 ở TP.HCM - cũng nhận định: “Trước đây, lễ khai giảng tạo cảm xúc cho nhiều học sinh vì được tổ chức vào ngày tựu trường. Học sinh các lớp 2, 3, 4, 5 rất vui mừng vì gặp lại bạn bè sau mấy tháng hè. Học sinh lớp 1 thì bỡ ngỡ, hồi hộp... 

Bây giờ, cảm giác đó chắc chắn không còn với học sinh. Buồn cười nhất là học sinh lớp 1: đã đi học hai tuần rồi, làm quen với trường, với lớp hết rồi, đến ngày khai giảng lại xếp hàng trước cổng và được đón vào trường - quá hình thức, giả tạo và không mang lại ấn tượng đối với học sinh”.

Lễ khai trường là của các trường

Tôi quan niệm lễ khai trường là của các nhà trường, vì thế tôi không gửi giấy mời lãnh đạo cấp trên nào dự lễ khai trường của chúng tôi. Hằng năm, chúng tôi tổ chức lễ khai trường nhẹ nhàng, trang trọng với ý nghĩa mong thầy trò của trường có một khởi đầu vui vẻ, hứng khởi để bước vào năm học mới.

Cũng có năm người ta ngỏ ý có lãnh đạo cấp trên về trường dự khai giảng. Họ muốn đến thì chúng tôi sẵn lòng đón tiếp. Tuy nhiên, chúng tôi không chạy theo lịch của lãnh đạo cấp trên mà phải dịch chuyển ngày giờ khai giảng của trường. 

Trong trường hợp được đề nghị dịch chuyển ngày giờ để vị khách mời nào đó có thể dự được lễ khai giảng của trường tôi thì tôi sẽ từ chối. Và thực tế tôi từng từ chối rồi.

(PGS VĂN NHƯ CƯƠNG, Hà Nội)

Đừng biến học sinh thành diễn viên

Ngày khai giảng là một kỷ niệm đẹp, khởi đầu một việc quan trọng trong một năm học và có khi là cả đời người, nhất là đối với những học sinh mới bước chân vào trường tiểu học. 

Những kỷ niệm đó rất sâu sắc. Để làm đúng ý nghĩa của ngày khai giảng thì cần phải chuẩn bị tổ chức buổi lễ sao cho thật trang nghiêm nhưng gọn gàng, đơn giản.

Nhưng hiện nay hầu hết các trường tổ chức ngày khai giảng rình rang, đặc biệt điều động học sinh đến trường trước để diễn tập lễ khai giảng, có trường tập suốt nhiều ngày. 

Gọi là khai giảng thử, chuẩn bị cho khai giảng thiệt. Khai giảng mà phải tập tành rồi diễn thử như một buổi biểu diễn là sao? 

Đó là biểu hiện của bệnh hình thức, nên không ý nghĩa cũng như mục đích ngày khai giảng. Việc diễn tập cũng sẽ làm mất hết cảm xúc của học sinh, thậm chí mệt mỏi, chán nản.

Xin đừng biến ngày khai giảng trở thành những ấn tượng xấu đối với học sinh. Xin đừng biến học sinh thành diễn viên.

(Nhà nghiên cứu văn hóa HỒ TẤN PHAN, Huế) 

Phải là ngày của học sinh

Thật ra, ý nghĩa của ngày khai trường chỉ gói gọn trong những điều khá đơn giản: là sự khởi đầu bước vào trường cho những học sinh bước vào cấp học mới, và là sự mở đầu một năm học mới đối với học sinh đã học những năm trước đó. Do đó buổi lễ này có sự nao nức của học sinh, và với các em học sinh tiểu học thì sự nao nức càng lớn.

Trước đây lễ khai trường chỉ gói gọn trong phạm vi nhà trường, đứng đầu là hiệu trưởng, tổ chức thật trang trọng, đầy cảm xúc. Ở buổi lễ ấy, hiệu trưởng có lời giáo huấn học sinh, nói về truyền thống, về kỷ luật và những phép tắc trong nhà trường... 

Buổi lễ này, các học sinh còn có sự hồi hộp đón nhận những thầy cô mới của lớp mình. Do đó ban giám hiệu thường xướng danh các thầy cô nào phụ trách lớp nào. Sau đó, học sinh tụm năm tụm ba bàn về thầy cô, các bộ môn, thời khóa biểu, số lượng giờ...

Ngày nay, tôi thấy các lễ khai trường thường có sự tham dự của nhiều quan chức. Theo tôi, điều này rất nên cân nhắc. Bởi vì các vị ấy không thể đi dự tất cả các trường, mà trường này thì vị có chức lớn hơn, trường kia vị chức nhỏ hơn đến dự. Điều đó rất dễ nảy sinh tâm lý có sự phân biệt trường công - trường tư, trường lớn - trường nhỏ... Tâm lý phân biệt đó nếu có thì rất không hay.

(Nhà nghiên cứu - nhà giáo BỬU Ý, Huế)

Cả nước cùng khai giảng một ngày, liệu có khả thi? 

rong điều kiện hiện nay: khi Bộ GD-ĐT cho phép học sinh tựu trường trong khoảng thời gian từ ngày 1 đến 25-8-2015 (như kế hoạch năm học 2015 - 2016) thì các trường sẽ tổ chức khai giảng vào ngày nào? Cả nước cùng khai giảng một ngày thì có khả thi không? 

Đa số hiệu trưởng trường tiểu học, THCS, THPT ở TP.HCM đều cho rằng không khả thi. Tốt nhất là tựu trường ngày nào thì khai giảng ngay ngày đó để tạo cảm xúc tươi mới, phấn khởi cho học trò.

Hiệu trưởng một trường THPT ở TP.HCM đề xuất: không nhất thiết cả nước phải tổ chức khai giảng vào cùng một ngày. 

Tùy theo tình hình của các địa phương, các trường, Bộ GD-ĐT nên quy định các trường tổ chức khai giảng trong những ngày nhất định để các trường chủ động thực hiện. Khai giảng là dành cho học sinh, hơn ai hết nhà trường sẽ biết mình cần làm vào ngày nào là phù hợp nhất với học sinh.

* Mời bạn đọc ý kiến của các em học sinh về ngày khai giảng. Bạn cũng có thể khuyến khích con em mình cũng như chính bạn chia sẻ những mong mỏi, chờ đợi về một ngày khai giảng như ý ở phần Ý kiến bạn đọc ngay dưới bài viết.

H.HG - THÁI LỘC ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên