07/04/2019 12:00 GMT+7

Lê Dương Thể Hạnh: Có một mặt trời không bao giờ tắt

VŨ THỦY
VŨ THỦY

TTO - Tự nhận mình là dấu gạch nối giữa hai miền sáng tối, Lê Dương Thể Hạnh - cô gái đã bước từ thế giới của ánh sáng sang thế giới bóng tối của những người mù lòa - đã nỗ lực sống cuộc đời của một cây đàn đứt dây...

Lê Dương Thể Hạnh: Có một mặt trời không bao giờ tắt - Ảnh 1.

Thể Hạnh làm hầu hết mọi việc với chiếc máy tính có phần mềm hỗ trợ bằng giọng nói - Ảnh: VŨ THỦY

Cuộc sống không bao giờ hoàn hảo cả nên tôi học cách chấp nhận những điều xảy đến trong đời. Tôi nghĩ về mọi thứ đã qua như một cơn mưa đến rồi đi. Tôi nhận ra rằng nơi nào có yêu thương, nơi đó có hạnh phúc.

LÊ DƯƠNG THỂ HẠNH

Cây đàn đứt dây như Hạnh nói thì “dù chỉ còn một dây cuối cùng vẫn rung lên những thanh âm đẹp đẽ”.

Hạnh vừa ra mắt quyển sách thứ ba là phiên bản tiếng Anh của cuốn tiểu thuyết Có một mặt trời không bao giờ tắt xuất bản năm 2015, kể về hành trình của chính cô - một con người sống trong ánh sáng suốt 27 năm cuộc đời đã vĩnh viễn không còn bao giờ nhìn thấy mặt trời sau một biến cố mang tên u não.

Hài hước về chính mình

Gặp Thể Hạnh trong căn nhà của ba mẹ cô ở quận 7, TP.HCM. Cô từ trong phòng lần dò từng chút theo bức tường, mép bàn ngồi xuống ghế. 12 năm đã trôi qua, Thể Hạnh - trợ lý phiên dịch tiếng Nhật kiêm thư ký tổng giám đốc người Nhật ưa nhìn năm nào nay sống cuộc sống của một người "mắt mù, miệng méo, mập mũm mĩm" như cô hài hước tự giới thiệu. 

Nhưng Hạnh nói nhiều, cười nhiều, hay tếu táo trêu đùa người khác và vì mất hẳn thính lực bên tai trái nên Hạnh nói khá to. Cô không tránh né bất cứ từ ngữ nào khi nói về bản thân hiện tại.

Cô bảo cả ba cuốn sách đều được cô viết ở "cuộc đời thứ hai" - "phiên bản Hạnh người mù" như một cách để cô kể chiêm nghiệm của mình về cuộc sống với mọi người, về sức mạnh của yêu thương đã giúp cô đứng dậy tiếp tục bước đi trong bóng tối. 

Sau cuốn đầu tiên Có một mặt trời không bao giờ tắt, Hạnh tiếp tục viết Bình yên sau dông bão và hiện tại là cuốn sách thứ ba - Mặt trời yêu thương. Đây là bản tiếng Anh rút gọn của cuốn thứ nhất đã được cô tự dịch suốt hơn một năm qua và đã lên kệ sách của NXB Phụ Nữ.

Cứ đi rồi sẽ đến

Năm 2007, Hạnh phát hiện mình bị u não. Xạ trị thất bại không chỉ khiến Hạnh bị mù mà cả cơ miệng cũng lệch khiến cô không nói được suốt vài năm đầu, tai trái cũng không nghe được, phần thân bên trái bị liệt khiến cô phải ngồi xe lăn nhiều năm trời. Cô cũng mất cảm nhận nóng - lạnh, no - đói và có thể ngồi ăn liên tục không thấy no nên cơ thể ngày càng mập mạp.

Từ một cô gái trẻ khỏe mạnh, năng động làm một công việc đầy triển vọng và chẳng bao lâu sẽ làm cô dâu trong một đám cưới đã được lên kế hoạch, Thể Hạnh đã bước sang một cuộc đời vô cùng xa lạ với chính cô: không nhìn được, không nói được, không đi được, tai chỉ nghe tiếng được tiếng mất và khuôn mặt biến dạng do lệch cơ mặt. 

Cô cũng chủ động rời xa vị hôn phu của mình để không làm khổ anh. Tất cả những điều đó tưởng như đã dìm Thể Hạnh 27 tuổi xuống vực sâu.

Hạnh tếu táo rằng mình là người "mù đểu", cái gì cũng không biết, không biết chữ nổi, không biết dùng phần mềm máy tính cho người mù, không biết dò đường đi lại. 

Nhưng Hạnh "mù đểu" đã bắt đầu lại tất cả như một em bé: học nói, tập vật lý trị liệu để cử động chân tay, tập đọc chữ nổi, cài phần mềm giọng nói cho người mù trên máy tính, tập nhắn những tin ngắn trên điện thoại "cục gạch" thay vì quẹt quẹt trên smart-phone.

Và rồi mọi thứ bắt đầu thay đổi: Hạnh tham gia làm các dự án cộng đồng cho người mù, làm thư viện chữ nổi Việt - Nhật, Hạnh mở lớp dạy tiếng Anh, tiếng Nhật online trên Skype cho người mù, Hạnh viết sách. 

Một người "mù đểu" tai nghễnh ngãng viết sách bằng laptop với một phần mềm chỉ dẫn bằng giọng nói, một người mù với vốn tiếng Anh khởi điểm lõm bõm đã dịch được sách của mình sang tiếng Anh. Chẳng có điều gì là dễ dàng với Hạnh nhưng cô đã làm được vì cô luôn có niềm tin rằng "cứ đi rồi sẽ tới, cứ cố gắng sẽ có kết quả".

Tìm được lối đi

Thể Hạnh kể niềm vui mỗi ngày bây giờ của cô là tối tối xoa bóp chân cho mẹ, nghe tiếng nói của ba mẹ, lên Facebook "chém gió" với bạn bè, tối tối dạy học tiếng Anh, tiếng Nhật, dịp lễ tết thì cùng câu lạc bộ thiện nguyện Sắc màu hi vọng tổ chức vui chơi, ăn uống cho các bạn nhỏ khiếm thị.

"38 tuổi rồi nhưng tôi lúc nào cũng là em bé, sống trong tình thương của mọi người" - Hạnh nói vui. 12 năm trôi qua, Hạnh tự nhận ra để có Thể Hạnh ngày hôm nay, chỉ có 20% nỗ lực bản thân mà tới 80% là tình yêu thương của mọi người. Đó là lý do mà cô đặt tựa cuốn sách tiếng Anh của mình là The sun of love - Mặt trời yêu thương.

"Nếu cuộc đời Thể Hạnh cứ phẳng lặng, cứ màu hồng như vậy thì tôi đã không nhận ra được rằng mình được yêu thương nhiều đến vậy. Kể từ sau khi bị mù, quanh tôi là bóng tối nhưng tôi có yêu thương của rất nhiều người soi sáng. Tôi hi vọng mọi người cũng sẽ ít nhiều tìm được lối ra trước những bất trắc có thể xảy đến trong cuộc đời".

Người yêu thương mà Hạnh nhắc tới là cha mẹ, "năm người chị, một người anh, năm người anh rể, một người chị dâu và một đàn cháu", là bạn bè thân thiết, thầy cô, đồng nghiệp cũ, những bạn bè đồng tật.

"Mẹ đã một lần sinh ra tôi, chăm bẵm, nuôi lớn để rồi gần 30 năm sau tôi lại một lần nữa quay về thời mặc tã, tập nói, tập đi. Ba mẹ đã bán nhà lớn, nhà nhỏ để chữa trị cho tôi. Sinh mạng của tôi giờ là của gia đình tôi" - Thể Hạnh bảo.

Người trẻ trên 16 tuổi đang đọc gì? Người trẻ trên 16 tuổi đang đọc gì?

TTO - Một năm sau khi ra mắt dòng sách dành riêng cho độc giả trẻ trên 16 tuổi, những người làm sách ở NXB Kim Đồng 'vỡ' ra nhiều điều về độc giả trẻ hôm nay.

VŨ THỦY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên