Phạm Thị Huế - Ảnh: FBNV
Đêm muộn ngày 2-4, nhiều bạn bè của Phạm Thị Huế đã chia sẻ trên trang cá nhân của cô thông tin Huế ra đi.
Gần 7 năm chiến đấu với ung thư, Huế vẫn kịp học hết THPT rồi học hết Đại học (Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội) với số điểm chỉ thiếu có chút là đạt giỏi, và dù đau đớn, Huế luôn đối diện với cuộc đời bằng nụ cười nhẹ tênh, nhẹ tênh trước cả cái chết.
Huế được nhiều người biết tới khi gần một năm cuối cuộc đời, cô tham gia dự án Momento Mori - Hãy nhớ, mi sẽ chết. Đây là một vở kịch với nhiều diễn viên là bệnh nhân ung thư, diễn ra gần suốt năm 2018 tại Hà Nội, TPHCM, Đà Lạt và Hội An.
Trong những ngày tham gia Momento Mori, có những lúc Huế bị đau, phải nằm tại chỗ, chỉ duy nhất một trạng thái là nằm ngửa, nghiêng trái, phải đều không được, đi vệ sinh tại chỗ...
Vậy mà 5 ngày sau kể từ khi bắt đầu đau, Huế đứng lên tập đi lại, chỉ đi loanh quanh được vài bước, lưng còng gập như một bà cụ, mỗi bước đi đều đau đớn. Cứ thế, đến ngày thứ 10 thì... đau ở mức chịu được, để vào vai Liên, một nhân vật của vở. Huế đã có những ngày sống trọn vẹn cùng Liên để kể cho mọi người về cái chết, điều mà cô không còn cảm thấy sợ hãi.
Tháng 2-2019, Huế và mẹ đã đến Trung tâm Điều phối hiến ghép mô tạng quốc gia đặt trong Bệnh viện Việt - Đức để cô đăng ký hiến tạng.
Theo đạo diễn Đặng Hoàng Giang, một trong những người chủ trì dự án Momento Mori, trong căn phòng nhỏ, Huế hỏi cô có thể hiến được những gì. Cô nhân viên trẻ của trung tâm không biết hoàn cảnh của Huế và giải thích về trường hợp chết não, do tai nạn giao thông hay đột quỵ, "mình không phải trường hợp này rồi" - Huế quay sang nói khẽ với mẹ.
Huế bắt đầu điền vào tờ khai, giữa cô và mẹ có một cuộc thảo luận nhỏ về việc ghi số điện thoại của ai. Cuối cùng Huế ghi số của mẹ trước, số của mình sau.
Cô đánh dấu vào ô giác mạc, cái duy nhất những người đã qua điều trị hóa chất có thể hiến.
Rồi Huế đứng lên để cô nhân viên chụp ảnh chân dung để in lên thẻ.
Anh Đặng Hoàng Giang, người đã đưa Huế đến Trung tâm, kể anh đã nhiều lần tới đây, nhưng lần này tiếng máy ảnh đặc biệt to và dứt khoát như tiếng sập của một cánh cửa.
Phạm Thị Huế rạng rõ ngày nhận bằng tốt nghiệp (cuối 2018) - Ảnh: FBNV
Năm phút sau, hai mẹ con chụm đầu nghiên cứu cái thẻ còn ấm. Mẹ Huế lấy ngón tay nhà nông nứt nẻ chỉ vào số điện thoại mà chị sẽ phải gọi khi "thời điểm đó" tới. "Hot-line" - chị nhắc lại, rồi cẩn thận cất cái thẻ và cái huy hiệu nhỏ được tặng kèm vào túi áo. Trên huy hiệu ghi dòng chữ: Cho đi là còn mãi.
Rồi "thời điểm đó" đã đến. Đêm qua 2-4, nhưng nguyện vọng cuối cùng ấy của Huế đã không thành, Huế bị viêm gan B và đồng nghĩa với việc không hiến được giác mạc. Anh Nguyễn Hữu Hoàng, giám đốc Ngân hàng Mắt, Bệnh viện Mắt T.Ư nói anh luôn nhớ về Huế như nhớ về một chiến binh, người đã sống trọn vẹn từng giây trong cuộc đời ngắn ngủi của cô, "một ngày sống cả trăm năm" như bài báo Tuổi Trẻ từng viết về cô.
Tháng 5 này là tròn 7 năm Huế chiến đấu với ung thư, Huế không đợi được đến tháng 5. Ba tháng trước khi mất, Huế rất yếu, bụng cô bị chướng to như người mang thai 5-6 tháng, cô luôn đau đớn đến mức không thể đi hay ngồi được. Nhưng cô vẫn cười, nụ cười nhẹ nhàng, nhẹ nhàng cả khi nói về cái chết của mình, ở tuổi 24...
Có một bộ phim tài liệu về câu chuyện của Huế, khác với Memento Mori, tựa phim này là "Hãy nhớ, bạn đang sống". Ở đó người ta nói chúng ta không thể tự do chọn hay không lựa chọn nếu gặp phải nghịch cảnh, nhưng chúng ta tự do khi chọn cách đối diện với nó. Huế đã chọn cách đối diện thật đặc biệt: sống hết mình mỗi giây cô có được, dù cô có không nhiều thời gian. Tạm biệt Huế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận