Ngày 2-10, bác sĩ Nguyễn Minh Hảo Hớn, trưởng khoa mũi xoang, Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM, cho biết Bệnh viện Tai Mũi Họng vừa phẫu thuật nội soi vá bít lại lỗ thủng sàn sọ, dưới sự hướng dẫn của hệ thống định vị IGS cho bé trai này.
Ê kíp mổ đã lấy mỡ bụng của em để lấp vào vị trí tổn thương, bơm keo sinh học để gia cố, giúp việc bít lỗ rò cho chắc chắn hơn. Đây là kỹ thuật vá lỗ thủng sàn sọ đã được bệnh viện triển khai trong 5 năm qua.
Bé trai 3 tuổi là bệnh nhân nhỏ tuổi nhất được áp dụng kỹ thuật này tại bệnh viện. Theo các bác sĩ, nếu không được mổ kịp thời, em sẽ bị nhiễm trùng nặng, viêm màng não tái phát, áp xe não, có thể dẫn đến tử vong...
Theo lời người nhà kể lại, khi gặp sự cố hôm 11-8, bé đã tự rút cây đũa ra khỏi mũi. Mũi trái bị chảy máu, nhưng do sau đó máu tự cầm nên người nhà không đưa bé đi khám.
Hai ngày sau, em bị sốt. Lúc này gia đình mới đưa em đến một bác sĩ tư điều trị nhưng tình trạng không giảm nên đã đưa đến bệnh viện tỉnh điều trị.
Tại đây, bé được chẩn đoán viêm màng não và được điều trị trong hai tuần sau đó. Tuy nhiên, khi về nhà, bé vẫn bị chảy dịch mũi trong ở mũi trái.
Người nhà đưa bé đến khám lại nhưng bác sĩ chỉ nói bị viêm mũi xuất tiết. Người nhà lo lắng nên đưa em đến Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM khám.
Tại Bệnh viện Tai Mũi Họng, bệnh nhi được chẩn đoán bị rò dịch não tủy mũi trái sau chấn thương, bị viêm màng não và hiện đã điều trị ổn.
Bệnh viện Tai Mũi Họng đã mời bác sĩ khoa ngoại thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 2 hội chẩn trước khi quyết định phẫu thuật.
Sau mổ, bé tỉnh táo, chạy chơi, không nhức đầu, không còn chảy dịch mũi trong bên trái, dự kiến xuất viện vài ngày tới.
Các bác sĩ lưu ý cha mẹ nên tránh cho trẻ cầm những vật nhọn như cây đũa, cây bút để phòng ngừa những sự cố đáng tiếc. Việc chọc đũa vào mũi có thể gây đứt động mạch, tụ máu nội sọ, tổn thương ổ mắt, tổn thương thần kinh thị giác gây mù mắt...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận