Lấy lại tiền thuế cho dân là yêu cầu của số đông người dân các nước - Ảnh: Reuters |
Những ngày qua, vụ rò rỉ “Tài liệu Panama” chiếm trọn sự chú ý của báo chí và dư luận các nước phương Tây, đẩy tất cả những tin tức khác, kể cả nguy cơ khủng bố và khủng hoảng tị nạn, xuống hàng thứ yếu. Thậm chí như Đài truyền hình France 2 của Pháp hôm 5-4 đã làm một việc khác thường là đưa nội dung dài tới hai tiếng rưỡi về vụ việc này.
Dân ghét bọn trốn thuế
Sự quan tâm cao độ này cũng dễ hiểu vì tại các nước phát triển phương Tây, tội trốn thuế bị xem là nặng hơn cả tội giết người do ảnh hưởng tới cả xã hội. Các cá nhân hay tổ chức trốn thuế bị coi là tội phạm kinh tế. Hành vi trốn thuế của doanh nghiệp không chỉ tạo ra sự bất bình đẳng trong cạnh tranh mà còn là vấn đề đạo đức trong kinh doanh.
Vì thế cũng giống những lần báo chí tung hồ sơ trốn thuế lớn vào năm 2013 và 2015 tại các nước phương Tây đã bùng lên những cuộc tranh luận chính trị gay gắt, dẫn tới một số thay đổi về luật thuế.
Cách trốn thuế của đường dây Panama khá đơn giản nhưng hữu hiệu và khó bị phát hiện hơn là mở trương mục tại một ngân hàng Thụy Sĩ nổi tiếng giữ bí mật thân phận khách hàng.
Thí dụ như một người Đan Mạch muốn tránh đóng thuế thu nhập trên tài sản của mình tại đây sẽ mở một công ty bình phong ở Panama và chuyển tiền vào đó. Công ty Mossack Fonseca sẽ tìm từ 3-5 người, đứng tên giám đốc cho công ty này nhưng toàn bộ quyền điều hành vẫn trong tay người chủ Đan Mạch.
Như vậy nhà chức trách Panama không biết gì về người chủ thật sự, còn cơ quan thuế vụ Đan Mạch cũng không thể truy ra anh ta có bao nhiêu tiền trong công ty bình phong tại Panama. Công ty này không phải đóng thuế tại Panama nếu không có hoạt động gì tại đây và cũng không có nghĩa vụ phải nộp báo cáo thuế (vì tiền sẽ được đầu tư tại nơi khác, Mỹ hay châu Âu chẳng hạn). Người chủ sở hữu sẽ thông qua một ngân hàng chuyển tiền từ công ty ẩn về quê nhà của người chủ đích thực.
Tâm lý của những người có tiền nói chung là nộp thuế càng ít càng tốt. Không ít người có thu nhập cao đã chọn cách đến sang sinh sống tại những nơi có thuế suất thấp hơn quê nhà.
Đơn cử như cây vợt Đan Mạch Caroline Wozniacki chuyển nhà tới Monaco hay Alain Delon, huyền thoại điện ảnh Pháp, mang quốc tịch Thụy Sĩ từ năm 1999. Tuy nhiên cách này vẫn nằm trong khuôn khổ của pháp luật nên không bị xem là trốn thuế mà chỉ là “né thuế”.
Trong những năm gần đây, do sức ép của các nước lên các ngân hàng tại châu Âu, nhiều cá nhân hay tổ chức đã tìm đến những nước nhỏ hay lãnh thổ như quần đảo Cayman, đảo Guernsey (thuộc Anh), công quốc Liechtenstein, Malta...
Một so sánh dễ thấy: trung tâm tài chính London có 14.000 doanh nghiệp đăng ký nhưng tại quần đảo Cayman (thuộc Anh) có tới 70.000 công ty đăng ký, trong đó có 8.000 ngân hàng, công ty bảo hiểm và quỹ đầu tư!
Chật vật tìm giải pháp
Nhằm ngăn chặn tình trạng trốn thuế, trong năm năm trở lại đây Chính phủ Đan Mạch đã siết chặt luật thuế. Theo luật mới (sẽ sớm được đưa vào áp dụng) hằng năm, các ngân hàng tại các “thiên đường tài chính”, thí dụ như ngân hàng Thụy Sĩ, sẽ phải báo cáo cho Cục Thuế Đan Mạch về tình hình tài chính của các công dân Đan Mạch có tài khoản tại đó. Các ngân hàng Thụy Sĩ cũng sẽ phải có bổn phận tìm hiểu ai là người chủ thật sự khi có một công ty muốn mở một tài khoản.
Khối Liên minh châu Âu (EU) cũng đang rất quyết tâm thực hiện các biện pháp chống trốn thuế. Trong cuộc họp của các bộ trưởng tài chính khối G20 diễn ra tại Washington ngày 15-4 (bên lề cuộc họp thường niên của Quỹ Tiền tệ quốc tế và Ngân hàng Thế giới), câu chuyện chống trốn thuế một lần nữa là chủ đề chính trong thời điểm nóng bỏng của vụ “Tài liệu Panama”.
Ba nước Đức, Pháp và Ý đang cổ súy cho việc buộc phải thể hiện rõ tên người thụ hưởng thật sự của các công ty bình phong ở những nơi được cho là “thiên đường tài chính”.
Bộ trưởng Tài chính Pháp Michel Sapin thậm chí trình bày bộ giải pháp 13 điểm để chống mọi hình thức gian lận, trốn thuế, né thuế... Các bộ trưởng cũng sẽ nêu vấn đề lập danh sách đen những “thiên đường tài chính” chung cho các nước, nhưng các nhà quan sát cho rằng bản danh sách này sẽ khó được thực hiện.
Với giải pháp trao đổi thông tin tài chính tự động cấp toàn cầu thì đang vướng phải hai ông lớn là Trung Quốc và Mỹ.
Một quan chức cấp cao ở Washington giải thích rằng Trung Quốc vẫn cho rằng tại nước mình không có tình trạng trốn thuế ở nước ngoài chi cả và Trung Quốc lại đang là chủ tịch G20 năm nay nên mọi việc thông qua các văn bản liên quan vấn đề này sẽ khó.
Mỹ vẫn giữ thái độ kẻ cả như mọi khi khi tuyên bố rằng luật Fatca của mình trong lĩnh vực trao đổi thông tin tự động vẫn đang hữu hiệu nên không cần bàn thêm.
Cũng vị quan chức giấu tên trên bình luận: “Lâu nay phía Mỹ chỉ toàn yêu cầu được cung cấp thông tin, còn ngược lại họ chẳng thèm cung cấp thông tin cho ai”.
Lấy lại tiền giúp dân giúp nước EU bị thiệt hại từ 50-70 tỉ euro tiền thuế mỗi năm nên 88% người dân trong khối ủng hộ các quy định khắt khe hơn về thuế. Mà thật sự thì theo như tính toán của Đài France 2 của Pháp, nhờ thông tin từ “Tài liệu Panama”, bên sở thuế có thể lấy về được thêm 2 tỉ euro sau khi điều chỉnh luật nghiêm ngặt khiến các trường hợp lâu nay “gửi tiền ra nước ngoài” (thống kê ở Pháp vào khoảng 46.000 trường hợp) phải quay về “quy hồi”. Còn tính từ năm 2013 đến nay, bên thuế của Pháp đã đưa số tài sản 26,7 tỉ euro từ những trường hợp trốn ra các “thiên đường tài chính” về nước để từ đó thu được 4,55 tỉ euro cho ngân sách quốc gia. Còn theo Tổ chức DANIDA của Đan Mạch, một số nước châu Phi như Rwanda, Tanzania, Burundi..., đã cải thiện được hệ thống thu thuế và chống trốn thuế từ bên ngoài nên như Burundi thu được thuế tăng gấp bốn lần sau sáu năm, từ 124 triệu USD năm 2009 lên 466 triệu USD năm 2015. Chính phủ các nước này vì thế có nhiều tiền hơn cho giáo dục và y tế, bớt lệ thuộc vào viện trợ của nước ngoài. |
__________
Kỳ tới: Họ đã làm điều đó như thế nào?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận