Ông Cường bị ung thư tuyến giáp xâm lấn rộng. Ông kể: "Khi ấy bác sĩ nói tôi mổ cũng chết mà không mổ cũng chết, nếu phẫu thuật sẽ không lấy được hết u, đồng thời có nhiều biến chứng nguy hiểm gây tàn phế nặng hoặc tử vong". Trong lúc tuyệt vọng, ông Cường được một người quen giới thiệu đến bệnh viện khác điều trị.
Dù biết cơ hội sống không phải là 100%, nhưng bệnh nhân Cường và gia đình đã quyết định tin tưởng để chúng tôi thực hiện ca mổ.
BS Phan Văn Thái
Ca phẫu thuật nhiều rủi ro
Bác sĩ Phan Văn Thái, trưởng khoa ngoại tổng quát Bệnh viện FV, nhận định bệnh nhân Cường bị ung thư tuyến giáp với khối u rất lớn, thòng sâu xuống lồng ngực, di căn nhiều hạch cổ 2 bên. U và hạch tạo thành khối u to, cứng, nhiều thùy, xâm lấn nhiều cơ quan quan trọng vùng cổ - ngực như cột sống, thực quản làm méo lệch và chèn ép đường thở, gây khó thở, đồng thời làm xẹp gần như toàn bộ tĩnh mạch cảnh trái.
Theo bác sĩ Thái, thông thường với những trường hợp khối u đã xâm lấn rộng vào nhiều cơ quan trọng yếu trong cơ thể như ông Cường thì việc phẫu thuật sẽ phức tạp, tiềm ẩn rủi ro cao nên nhiều bệnh viện không triển khai mổ cũng là điều dễ hiểu.
"Điểm khác ở bệnh viện của chúng tôi là chúng tôi có đủ thời gian để xem xét thông qua chẩn đoán hình ảnh, tính toán kỹ lưỡng từng chi tiết, thậm chí từng mạch máu và đã tìm thấy cơ hội để cứu sống bệnh nhân bằng phẫu trị dù mong manh. Nếu không mổ thì trong vài tháng sau đó, bệnh nhân sẽ có nguy cơ tử vong do khối u phát triển quá nhanh, gây tắc khí quản", bác sĩ Thái chia sẻ.
Mang lại nụ cười hạnh phúc
Để phẫu thuật cho ca bệnh rất phức tạp này, bác sĩ Thái cùng êkip của mình gồm các bác sĩ ngoại tổng quát đã phối hợp với nhiều chuyên gia của 2 chuyên khoa phẫu thuật mạch máu và tai mũi họng.
Do khối u lớn, đã xâm lấn vào nhiều cơ quan trọng yếu lân cận nên êkip phẫu thuật đã tỉ mẩn bóc tách hàng chục khối u lớn, nhỏ ra khỏi những cơ quan bị xâm lấn, như khí quản, thực quản, để lấy được hết khối u mà không làm thủng các cơ quan này. Đồng thời các bác sĩ cần tách u ra khỏi cột sống cổ để không chèn ép các dây thần kinh, tránh gây liệt tay.
Thử thách lớn nhất trong quá trình bóc tách khối u là những khối u tạo thành chuỗi chằng chịt, phải cắt bỏ khối hạch di căn lớn ra khỏi tĩnh mạch cảnh bên trái, chỉ cần sơ suất nhỏ sẽ cắt trúng tĩnh mạch, làm mất dẫn lưu máu giữa não và tim, gây phù não, yếu liệt, thậm chí tử vong.
"Vì rủi ro lớn nên êkip mổ cũng đã tiên lượng luôn cả phương án ghép thay thế tĩnh mạch cảnh. Nhờ đó, chúng tôi đã vét sạch khối u sau ca mổ kéo dài 11 tiếng đồng hồ mà không gây tai biến", bác sĩ Thái nói.
Điều kỳ diệu là chỉ một ngày sau mổ, bệnh nhân đã nói chuyện được, sang ngày thứ ba, bệnh nhân đã ăn được cháo mà không bị sặc. "Đây là niềm vui lớn và bất ngờ của gia đình tôi", vợ ông Cường nói. Còn ông Cường cảm thấy như được hồi sinh và cảm giác khó thở đã biến mất.
"Sau phẫu thuật, cổ của tôi trống trải quá, không quen", ông Cường nói nửa đùa nửa thật sau ca mổ sinh tử. Theo liệu trình chung áp dụng cho bệnh nhân bị u tuyến giáp, ông Cường sẽ được xem xét điều trị tiếp tục bằng iode phóng xạ.
Bác sĩ Thái cho biết ông đã từng phẫu thuật trên 500 bệnh nhân ung thư tuyến giáp, bao gồm rất nhiều ca khó, chẳng hạn như không chỉ mổ khối u ở cổ mà phải chẻ cả xương ức ở ngực để lấy khối u vì đã xâm lấn xuống ngực. Nhưng trường hợp của ông Cường được bác sĩ Thái nhận xét là một trong những ca bệnh khó nhất mà bác sĩ từng gặp.
Bác sĩ Thái khuyến cáo những trường hợp như bệnh nhân Cường cần tìm đến bệnh viện kiểm tra sớm lúc khối u bắt đầu khởi phát, khi đó các bác sĩ sẽ dễ dàng điều trị và hiệu quả điều trị chắc chắn sẽ tốt hơn.
Theo BS Phan Văn Thái, những bệnh nhân ung thư tuyến giáp đến khám sớm khi kích thước u còn nhỏ, được mổ cắt trọn tuyến giáp, cơ hội sống như người bình thường trên 95%. Tuy nhiên trường hợp bệnh nhân đến muộn, u đã di căn hoặc xâm lấn rộng, mổ cắt bỏ được toàn bộ u xâm lấn và hạch di căn vẫn là phương pháp điều trị tốt nhất, sẽ có 50% cơ hội sống trên 5 năm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận