08/01/2024 11:26 GMT+7

Lấy hóa đơn khi đổ xăng để chống gian lận thuế và buôn lậu xăng dầu

Theo quy định từ 1-1-2024 các cửa hàng bán lẻ xăng dầu phải xuất hóa đơn điện tử từng lần bán. Ghi nhận nhiều cây xăng còn thờ ơ, nhưng nhiều nơi đã bắt đầu quen.

Chị Trần Thúy Diễm được xuất hóa đơn bán lẻ sau khi đổ xăng ở Cà Mau - Ảnh: THANH HUYỀN

Chị Trần Thúy Diễm được xuất hóa đơn bán lẻ sau khi đổ xăng ở Cà Mau - Ảnh: THANH HUYỀN

Người dân cũng đã bắt đầu thấy lợi ích.

Vẫn nhiều cây xăng "chê"

Ngày 7-1, chạy xe máy vào mua xăng tại cây xăng ở đường Nguyễn Xí (quận Bình Thạnh, TP.HCM), khi hỏi "Anh ơi, đổ xăng 30.000 đồng có được xuất hóa đơn không?", nam nhân viên đổ xăng tại cửa hàng đáp "Đổ có 30.000 đồng không xuất được" rồi quay lưng đi. Tới cây xăng khác trên trục đường Nơ Trang Long (quận Bình Thạnh) hướng về quận Phú Nhuận, vẫn tình trạng cửa hàng bán xăng dầu thờ ơ với quy định xuất hóa đơn.

Tại một cửa hàng xăng dầu trên đường Nơ Trang Long, lúc 10h, chị Thùy Dương chạy xe máy vào đổ 20.000 đồng xăng, hỏi có thể xuất hóa đơn được không. Ngay lập tức, nhân viên thò tay ra sau trụ bơm, lấy tờ "hóa đơn bán lẻ". "Hóa đơn bán lẻ đâu phải hóa đơn điện tử, khó khai nhận với thuế, cơ quan từ chối trả chi phí", chị Dương thắc mắc.

Biết là có quy định xuất hóa đơn nhưng nhân viên cây xăng cho biết rất khó để thực hiện cho xe máy, còn ô tô vẫn xuất bình thường. Anh này bày cách: "Chị cứ đổ xăng và giữ hóa đơn lẻ. Tầm 15 ngày hoặc một tháng, tổng hợp hóa đơn quay lại đây sẽ xuất hóa đơn điện tử, cộng dồn số tiền".

Bắt đầu thành nếp tại nhiều nơi

Có mặt tại cây xăng Petrolimex số 8 trên đường Hoàng Văn Thụ (quận Phú Nhuận) vào chiều 7-1, bảng thông tin thông báo rõ Petrolimex phát hành hóa đơn ngay sau từng lần bán hàng. Anh Doanh, nhân viên cây xăng này, khẳng định việc xuất hóa đơn vẫn đang diễn ra cho mỗi lần bán. Khách yêu cầu là hóa đơn điện tử ra ngay, nam nhân viên này cho biết không gặp trở ngại gì.

Trong khi đó, ông Trương Thanh Nhân - giám đốc DNTN xăng dầu Hoàng Thương, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau - khẳng định ông đã xuất hóa đơn điện tử cho khách hơn một năm qua rồi chứ không đợi đến khi có quy định mới làm.

"Việc xuất hóa đơn điện tử này cũng dễ, chỉ cần cái điện thoại thông minh kết hợp với hệ thống máy in, bộ đo đếm là làm được, không tốn kém phức tạp lắm. Hiện những khách hàng lớn như ghe biển mới lấy hóa đơn. Sắp tới, chúng tôi sẽ xuất cho tất cả các khách hàng, dù họ có lấy hay không lấy", ông Nhân nói.

Một lãnh đạo Petrolimex tại miền Tây cho hay việc quy định xuất hóa đơn sau mỗi lần bán xăng dầu đã có từ năm 2020. Petrolimex đã bắt đầu thực hiện từ 1-7-2023 nên hiện nay đã cơ bản ổn. "Khi bơm xong xăng dầu cho khách hàng thì phải xuất hóa đơn điện tử gồm: tên, địa chỉ, mã số thuế, số tiền bao nhiêu... cho khách hàng nếu họ có nhu cầu. Còn khách hàng không cần thì cuối ngày vẫn hình thành hóa đơn điện tử chung để báo cáo thuế", vị này nói.

Người dân bắt đầu thấy lợi ích

Ông Nguyễn Hùng Cường, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau, nói về việc nhận hóa đơn khi mua xăng: "Đây là quy định tốt để tránh thất thoát thuế và dễ quản lý xăng dầu, nhất là xăng dầu nhập lậu", dù ông cho biết "không quan tâm lắm về vấn đề này".

Còn ông Trần Văn Tuấn (huyện U Minh) cho hay từ trước đến giờ, ông đổ xăng chỉ quan tâm đến giá xăng và có đủ số lượng không. Giờ nghe đổ xăng được xuất hóa đơn điện tử thấy cũng hay. "Đổ xong về nhà coi lại có chính xác số lượng mình mua không, giá cả thế nào. Dù quy định ra nhiều ngày nay rồi nhưng tôi vẫn chưa thấy cây xăng nào chủ động cung cấp hóa đơn điện tử cho khách", ông Tuấn nói.

Chị Trần Thúy Diễm, giáo viên ở xã Khánh An, huyện U Minh, nói: "Trước giờ đi công tác ra Cà Mau thường được khoán xăng xe, bất tiện, giờ được thanh toán thực tế do có hóa đơn điện tử, tôi thấy tiện lợi".

Qua trao đổi với người dân, theo một chuyên gia ngành xăng dầu, người dân bắt đầu thấy lợi ích của việc lấy hóa đơn. Thực tế việc xuất hóa đơn sẽ góp phần triệt hạ xăng dầu lậu, kém chất lượng. Bởi khi rõ đầu ra, đầu vào doanh nghiệp không thể nhập một ít từ đại lý chính thức, rồi nhập xăng dầu lậu được. Đây là lợi ích lâu dài mà người tiêu dùng cần ủng hộ vì lợi ích của chính mình.

Doanh nghiệp nhỏ kêu khó

Dù nhiều nơi nói chi phí không cao, nhưng lãnh đạo nhiều doanh nghiệp vẫn tính toán chi phí không nhỏ do mức độ đầu tư trước đó khác nhau.

Theo tính toán của Giám đốc Nguyễn Xuân Thắng - Công ty TNHH Hải Âu Phát, hoạt động bán lẻ xăng dầu, mỗi hóa đơn phát hành, doanh nghiệp bán lẻ phải mua với giá 400 - 500 đồng. Nhưng chiết khấu bán hàng tiếp tục ở ngưỡng chỉ 300 - 400 đồng/lít xăng dầu. Nếu khách mua xăng 20.000 đồng, chưa đến một lít, nhưng phải xuất một hóa đơn là doanh nghiệp lỗ.

Một ông lớn trong ngành xăng dầu tại Cần Thơ cho rằng việc áp dụng hóa đơn điện tử sau mỗi lần bán xăng dầu là một khó khăn lớn của các doanh nghiệp hiện nay, nhất là các doanh nghiệp xăng dầu nhỏ và vừa. Vì họ phải đầu tư phần mềm sử dụng hóa đơn điện tử nhưng lại chưa có phần mềm nào gọi là chuẩn theo đúng như quy định.

"Nghị định của Chính phủ đã ban hành lâu nhưng bây giờ bắt tay vào thời điểm này thì các doanh nghiệp đang gặp khó nhưng phải cố gắng xắn tay vào làm cho kịp", vị này nói.

Vị này khẳng định các doanh nghiệp đầu tư hóa đơn điện tử mới vào các trụ bơm xăng dầu ít nhất là 150 - 200 triệu đồng/trụ bơm. Các doanh nghiệp xăng dầu lớn thì ổn nhưng các doanh nghiệp nhỏ khó thực hiện. Tình hình kinh tế vẫn còn khó khăn nên khó thực hiện đồng bộ hết.

* PGS.TS Nguyễn Hữu Huân (Đại học Kinh tế TP.HCM):

Cần đẩy mạnh triển khai

Việc áp dụng xuất hóa đơn điện tử từng lần bán với xăng dầu cần đẩy mạnh triển khai. Ban đầu sẽ có ý kiến nói khó khăn nhưng dần dần vẫn có thể làm được.

Đương nhiên thời gian đầu cây xăng phải đầu tư nguồn lực, tốn kém chi phí. Nhưng nhìn góc độ lợi ích lâu dài, xuất hóa đơn từng lần sẽ giúp doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu kiểm soát, minh bạch được mua bán.

"Vướng đủ thứ"

Một số cửa hàng xăng dầu ở TP.HCM chỉ cấp cho khách hàng hóa đơn bán lẻ, không phải hóa đơn điện tử - Ảnh: CÔNG TRUNG

Một số cửa hàng xăng dầu ở TP.HCM chỉ cấp cho khách hàng hóa đơn bán lẻ, không phải hóa đơn điện tử - Ảnh: CÔNG TRUNG

Ông Phạm Văn Dũng - phó cục trưởng Cục Thuế tỉnh An Giang - cho biết hiện nay có trên 40% cửa hàng xăng dầu đã đăng ký thực hiện hóa đơn điện tử. Tuy nhiên, đó chỉ là số liệu đăng ký, còn thực hiện rất khó vì vướng mắc đủ thứ.

Cụ thể, các trụ bơm xăng ở vùng sâu, vùng xa đã cũ nên cần phải có tiền đầu tư mới để có thể gắn con chip (bộ đếm điện tử - PV); các nhà cung cấp cũng chưa có hàng để giao cho các doanh nghiệp xăng dầu.

"Chúng tôi đang phối hợp với các nhà cung cấp như Viettel, VNPT, MobiFone... để sớm cung cấp phần mềm cho các cửa hàng xăng dầu để thực hiện hóa đơn điện tử", ông Dũng nói.

"Do thời gian hơi gấp nên các doanh nghiệp cần có thời gian thay đổi thiết bị, có thêm tiền để đầu tư con chip, phần mềm nên khó nhanh được. Chúng tôi cố gắng vận động các cửa hàng xăng dầu thực hiện nghiêm theo nghị định của Chính phủ.

Tuy nhiên, một số công ty xăng dầu mở chi nhánh ở An Giang nên họ chỉ tập trung tại đơn vị chính (nằm ở các tỉnh khác - PV) của họ trước rồi mới đầu tư các tỉnh khác nên sẽ chậm", ông Dũng nói thêm.

Trả lời Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Nồng - phó cục trưởng Cục Thuế tỉnh Kiên Giang - cho hay Kiên Giang đã thành lập nhiều tổ công tác đến làm việc với các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu để khẩn trương thực hiện đúng quy định của Chính phủ về việc xuất hóa đơn điện tử sau mỗi lần bán xăng dầu.

"Trước mắt doanh nghiệp nào khó khăn sẽ cho họ sử dụng máy POS làm trước (máy như tính tiền có hóa đơn - PV). Đúng là làm hóa đơn điện tử thì các doanh nghiệp phải gánh thêm chi phí. Tuy nhiên, đây là nghị định của Chính phủ phải thực hiện chứ không thể dừng lại được. Chúng tôi đã có văn bản kiến nghị để hỗ trợ doanh nghiệp rồi", ông Nồng nói.

Ông Huỳnh Vũ Phong - cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Cà Mau - cho hay: "Do mới tiếp cận nên chúng tôi chưa tiến hành kiểm tra mà đang hoàn thiện các kế hoạch cụ thể để kiểm tra thực trạng này ở các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trong toàn tỉnh và sẽ xử phạt nghiêm nếu cơ sở nào trong thời gian tới không chấp hành quy định".

Xuất hóa đơn bán lẻ xăng dầu: Ngành thuế Xuất hóa đơn bán lẻ xăng dầu: Ngành thuế 'ấn', doanh nghiệp 'xoay'

Để có thể xuất hóa đơn bán lẻ xăng dầu, mỗi cửa hàng xăng dầu phải đầu tư từ 400 - 700 triệu đồng cho phần cứng, chưa nói đến phần mềm và các chi phí khác liên quan. Với mức hoa hồng chỉ có 500 - 600 đồng/lít, đầu tư hệ thống này sẽ cầm chắc lỗ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên