05/12/2023 10:10 GMT+7

Mỗi trụ bơm xăng tốn 30 triệu làm hóa đơn điện tử, doanh nghiệp than khó

Các doanh nghiệp đề xuất cần có lộ trình 1-2 năm để đầu tư chuyển đổi, áp dụng hóa đơn điện tử tại cửa hàng bán lẻ xăng dầu.

Nhân viên cửa hàng Petrolimex xuất hóa đơn giấy từ hệ thống hóa đơn điện tử cho khách hàng tại cửa hàng xăng dầu ở Hà Nội  - Ảnh: N.KH.

Nhân viên cửa hàng Petrolimex xuất hóa đơn giấy từ hệ thống hóa đơn điện tử cho khách hàng tại cửa hàng xăng dầu ở Hà Nội - Ảnh: N.KH.

Hiệp hội Dầu khí Đồng Nai đã có văn bản gửi các cơ quan chức năng bày tỏ những khó khăn trong việc áp dụng xuất hóa đơn điện tử bán lẻ cho người mua trước yêu cầu thực hiện nghiêm về hóa đơn điện tử. 

Theo các doanh nghiệp dầu khí, kinh doanh xăng dầu tại Đồng Nai, việc xuất hóa đơn bán lẻ ở trạm xăng dầu để chống thất thu là cần thiết. Tuy nhiên, do đặc thù của ngành xăng dầu, các doanh nghiệp cho rằng cần phải có lộ trình để đầu tư hạng mục cần thiết. 

Đặc biệt trong bối cảnh trải qua hai năm đại dịch COVID 19, cộng thêm giá cả biến động khiến doanh nghiệp xăng dầu không có lợi nhuận, lãi vay ngân hàng cao chót vót, kinh tế chậm phát triển. Vì vậy, doanh nghiệp xăng dầu gặp rất nhiều khó khăn, thua lỗ kéo dài. Thực tế, nhiều doanh nghiệp không trụ nổi dẫn đến bán trạm xăng dầu hoặc cho thuê mặt bằng kinh doanh. 

Tại Đồng Nai, hiệp hội này cho biết do đặc thù địa hình khác nhau nên việc đầu tư không đồng bộ nên cùng lúc đòi hỏi doanh nghiệp phải thực hiện sẽ rất khó. Dẫn chứng tại một trạm xăng dầu, mỗi trụ bơm sẽ phải đầu tư cho hệ thống xuất hóa đơn điện tử tốn khoảng 30 triệu đồng. 

Theo tính toán, toàn tỉnh có khoảng 500 doanh nghiệp với khoảng 2.000 trụ bơm, số tiền đầu tư sẽ khoảng 60 tỉ đồng. Chưa kể nhân lực điều hành cần được đào tạo, hệ thống phần cứng, phần mềm. Trong khi mức chiết khấu cho mỗi lít xăng rất thấp, có lúc giá 0 đồng nên sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp. 

Cũng theo hiệp hội này, việc xuất hóa đơn cho khách hàng khi có yêu cầu đều thực hiện, song nếu thực hiện hóa đơn điện tử, với chi phí mỗi tờ hóa đơn là 300-500 đồng, sẽ khiến chi phí chung đội lên quá lớn. 

Ngoài ra hiệp hội nêu khó khăn là với một bộ phận doanh nghiệp đầu tư vào những năm 1985 - 1995 đến nay công nghệ đã lạc hậu, muốn thực hiện được hóa đơn điện tử phải đầu tư lại toàn bộ gây tốn kém. 

Chưa kể tại khu vực vùng sâu vùng xa, đường truyền tải mạng không ổn định, hạ tầng công nghệ yếu sẽ khó thực hiện. 

"Đề xuất các cơ quan chức năng cho phép chúng tôi vận động doanh nghiệp chuyển đổi từng phần có lộ trình từ 1-2 năm. Do xăng dầu có đặc thù riêng nên cần có lộ trình và thời gian để thực hiện trên tinh thần thượng tôn pháp luật và tự nguyện bỏ tiền đầu tư cho phù hợp" - hiệp hội nêu. 

Trước đó Tổng cục Thuế có yêu cầu các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu thực hiện đúng quy định về quản lý, sử dụng hóa đơn, chứng từ, đặc biệt là quy định về hóa đơn điện tử nhằm ngăn chặn hành vi bán hàng không xuất hóa đơn, gây thất thu ngân sách. 

Đầu tháng 12, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng yêu cầu tăng cường công tác quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu. Trong đó, các đơn vị kinh doanh xăng dầu phải lập hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu và kết nối dữ liệu với cơ quan thuế theo quy định; hoàn thành trong tháng 12-2023.

Hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin đối với hóa đơn điện tử, đảm bảo việc tiếp nhận, kết nối thông tin hóa đơn điện tử của cơ quan thuế được thông suốt, thuận lợi, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế; hoàn thành chậm nhất trong quý 1-2024. 

Xử lý nghiêm cây xăng không lập hóa đơn điện tửXử lý nghiêm cây xăng không lập hóa đơn điện tử

Thủ tướng chỉ đạo triển khai ngay giải pháp phù hợp, khả thi, hiệu quả để giám sát việc phát hành và sử dụng hóa đơn điện tử, đặc biệt là việc lập hóa đơn điện tử tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu cho khách theo từng lần bán.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên