Đó là chia sẻ của bạn Phạm Được vừa gửi đến mục tâm sự Tuổi Trẻ Online. Nhằm góp thêm một góc nhìn, chúng tôi xin giới thiệu bài viết này.
"Tôi cũng như phần đông các ông chồng có vợ lắm lời đều coi đó là nỗi buồn, thậm chí có người còn coi đó là nỗi bất hạnh. Mỗi lần gặp nhau ở quán nhậu, các ông chồng đều đưa vợ mình ra nói xấu, kể tội. Nào là vợ suốt ngày càm ràm. Ngủ dậy trễ cằn nhằn, đi làm về muộn cằn nhằn, không phụ việc nhà cằn nhằn, không tắm cho con cằn nhằn, đi nhậu lại càng cằn nhằn...
Tóm lại, tâm trạng chung của các ông chồng có vợ lắm lời cơ bản là buồn ơi là sầu!
Cho dù tôi có đọc được đâu đó trên báo lời khuyên và sự lý giải của chuyên gia tâm lý về tật nói nhiều của các bà vợ. Theo các nhà tâm lý thì không có ông chồng nào, dù giàu sang hay nghèo hèn, đẹp trai hay xấu trai, uy quyền hay bình thường, thoát khỏi sự chê trách của vợ.
Ngày nay, dù thời đại bình đẳng nhưng hầu hết việc nhà vẫn rơi vào tay chị em, mà việc đó thì làm hoài cũng không hết. Chồng bày rồi đến con quăng, lăng xăng cả ngày còn chưa xong việc. Công bằng mà nói, gia đình nào có vợ đi vắng lâu ngày, giao ông chồng đảm đương nội trợ thì anh ta cũng nói nhiều không kém.
Thực ra, cằn nhằn là một cách biểu lộ tình cảm đặc biệt của người vợ. Vợ có yêu bạn, quan tâm đến bạn và biết lo toan cho gia đình thì mới nói nhiều như vậy. Bạn đến muộn, nàng nổi giận, đó là vì nàng lo lắng cho bạn, sợ bạn bị tai nạn.
Bạn hút thuốc, nàng cằn nhằn, vì nàng quan tâm đến sức khỏe của bạn. Bạn uống rượu, cô ấy tức bạn, đó là vì lo lắng sau khi uống say sẽ không có ai chăm sóc cho bạn, sợ bạn gặp chuyện không hay. Bạn không thích tắm cũng bị cằn nhằn, đó là vì nàng muốn tạo cho bạn thói quen sinh hoạt sạch sẽ, lành mạnh.
Bạn không làm việc nhà, không giặt giũ nấu cơm, nàng tức giận, đó là vì nàng muốn bạn vận động nhiều hơn một chút, thay vì ngồi lỳ trước màn hình tivi hoặc máy tính, hoặc nằm ườn trên giường ngủ nướng.
Nói chung phụ nữ thường có hàng tá lý do để cằn nhằn, nhưng cơ bản là họ muốn bạn tốt lên, muốn mối quan hệ giữa hai người được cải thiện. Vì vậy, các ông chồng đừng vội chán nản vì vợ hay cằn nhằn, hãy nghĩ vì sao nàng làm thế nhé!
Tuy vậy tôi vẫn không tin, vẫn ngờ rằng chỉ là “chém gió” cho vui chứ vợ lắm lời không sầu đời mới lạ. Cho đến khi một biến cố xảy ra thì tôi mới thay đổi suy nghĩ. Đó là khi vợ tôi bị tai nạn xe máy phải nằm viện điều trị cả tháng trời. Xui xẻo nhưng còn may là trúng dịp hè (vợ chồng tôi làm nghề giáo) nên tôi còn xoay xở được vì chỉ mỗi việc tập trung lo cho vợ con.
Thời gian đó tôi chạy qua chạy lại từ nhà đến viện, rồi từ viện về nhà như con thoi. Sáng sớm tôi dậy lúc 5 giờ tranh thủ bỏ đồ vào máy giặt, bắc nồi cháo cho con rồi chạy ù ra chợ mua đồ ăn. Về nhà cho hai nhóc ăn sáng xong, phơi đồ, chế biến đồ ăn bỏ tủ lạnh rồi nhờ ông nội giữ 2 cháu tôi chạy vô viện chăm vợ.
Đến 10h30 tôi lại chạy về nhà lo cho 2 đứa nhỏ ăn trưa, xong dỗ nó ngủ rồi lại chạy vô viện với vợ. 16h30 lại chạy về nhà tắm, nấu nướng và cho đứa nhỏ ăn, dỗ ngủ xong lại chạy vô viện với vợ rồi lại chạy về nhà....
Một tháng trời như thế tôi thay đổi hẳn. Từ một người điềm đạm, ít nói tôi trở nên nói nhiều, dễ cáu gắt, dễ “ra đòn” khi con mè nheo, biếng ăn hay nghịch phá... Tôi hiểu lý do vì sao mình trở nên như vậy nên thấy thương vợ nhiều hơn. Lâu nay mình đã không chia sẻ việc nhà với vợ, mọi việc đổ dồn lên đầu khiến cô ấy phải lắm lời.
Rút kinh nghiệm, sau khi vợ xuất viện tôi cùng chia sẻ việc nhà. Trong khi vợ nấu cơm, tôi vừa trò chuyện vừa phụ vợ nhặt rau, có hôm thì xắn tay thu dọn nhà cửa hoặc tắm cho con, vợ cho con ăn thì tôi chịu khó phơi đồ. Chỉ vậy thôi mà vợ vui ra mặt, không còn lắm lời, không còn chì chiết mà chỉ toàn lời ngon ngọt.
Lắm lúc tôi còn không tin “mụ vợ lắm lời” của mình lại có sự lột xác thành “vợ hiền như tiên” đầy ngoạn mục. (Thực ra thì thời gian qua, có đoạn tôi phải lo ăn uống và tắm giặt cho cả ba đứa con). Sự thay đổi của vợ khiến tôi nhớ đến lời của một chuyên gia: “Vợ như thế nào phần lớn là do chồng mà ra”. Vợ lắm lời, luộm thuộm là do chồng không biết chia sẻ việc nhà; vợ ngọt ngào xinh đẹp là do chồng yêu thương chia sẻ; vợ hư “ăn nem ăn chả” là do chồng ra ngoài “ăn phở”...
Giờ đây với trải nghiệm của người trong cuộc, tôi tự tin tuyên bố lấy được vợ lắm lời là một may mắn lớn trong đời. Bởi “người phụ nữ lắm lời là người sống có trách nhiệm, yêu thương chồng con và gia đình”. Từ may mắn của mình, tôi nhớ đến lời than vãn của anh bạn: “Ra đường sợ nhất công nông. Về nhà sợ nhất vợ không nói gì”. Hóa ra vợ lắm lời là hạnh phúc hơn nhiều so với vợ quá kiệm lời đó nhé!
Hãy lắng lại đôi chút trong cuộc sống hối hả này để chia sẻ những khoảnh khắc, những câu chuyện mà bạn nghe thấy, quan sát được xung quanh để chúng ta cùng thấy cuộc đời còn có rất nhiều mảnh ghép thú vị khác. Xin mời bạn gửi những sẻ chia, cảm nhận của mình về địa chỉ: dandt@tuoitre.com.vn hoặc tto@tuoitre.com.vn. Cảm ơn bạn! |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận