07/11/2021 10:25 GMT+7

Lập 'quỹ bảo hiểm' cho nhân loại

TRẦN LÂM
TRẦN LÂM

TTO - Đại dịch COVID-19 dường như là sự thức tỉnh với nhân loại rằng những khủng hoảng quy mô toàn cầu có thể xảy đến bất cứ lúc nào và bao giờ cũng vậy, lúng túng thường xảy ra khi không có sự chuẩn bị nhất định.

Lập quỹ bảo hiểm cho nhân loại - Ảnh 1.

Với hành xử có trách nhiệm trong hôm nay, chúng ta sẽ giảm bớt gánh nặng của những hệ lụy có thể dồn lên vai các thế hệ tương lai - Ảnh (minh họa): VOX

Founders Pledge - tổ chức tư vấn cho doanh nhân về cam kết đóng góp một phần thu nhập cho các quỹ thiện nguyện hiệu quả - vừa phát động sáng kiến có tên Patient Philanthropy Fund (PPF), tức Quỹ thiện nguyện kiên nhẫn, nhằm bảo vệ tương lai cho nhân loại. PPF là quỹ thiện nguyện đầu tiên trên thế giới hoạt động theo cách này.

Từ một chuyện đùa

Nhà toán học người Pháp ở thế kỷ 18 Charles-Joseph Mathon de la Cour từng gửi thư trêu chọc chính sách kinh tế của chính trị gia Mỹ Benjamin Franklin (1706 - 1790) khi nói đùa là cách làm của ông Franklin thật kỳ quái, kiểu như ông di chúc lại tiền bạc cho từ thiện, nhưng lại yêu cầu phải giữ đó lấy lãi cả trăm năm nữa rồi mới được tiêu vậy.

Dĩ nhiên ông Benjamin Franklin biết mình bị chọc, nhưng ông thấy đó thật sự là ý tưởng thông minh. Năm 1785, ông viết thư cảm ơn nhà toán học Pháp vì đã có gợi ý đầy cảm hứng. Sau đó, ông di chúc lại cho hai thành phố Boston và Philadelphia mỗi nơi 1.000 bảng Anh (1.349 USD), nhưng ghi rõ đó là số tiền đầu tư cho 100 năm. Sau một thế kỷ, khoản tiền này mới được phép chi và giải ngân toàn bộ trong 200 năm.

Kế hoạch của ông Benjamin Franklin sau đó được triển khai rất tuyệt. Vào những năm 1990, Boston nhận được khoảng 5 triệu USD, Philadelphia được 2,3 triệu USD. Tất cả dùng cho từ thiện.

Thử nghiệm của Franklin được xem như ví dụ sớm nhất của cái mà giới thiện nguyện hôm nay gọi là "đầu tư để cho đi", trong đó mọi người đầu tư tiền vào để sinh lời (thay vì cho tiền luôn) và tạo ra tác động lớn lao hơn về lâu dài.

Rõ ràng đây là cách "cho đi" không thường thấy, và hẳn còn nhiều tranh luận, song từ tiền lệ của Franklin, có thể thấy sáng kiến đó có tiềm năng tạo nên tác động "cấp số nhân" nếu thực hiện đúng.

Học theo Franklin, Tổ chức Founders Pledge đã phát động sáng kiến PPF, chỉ khác ở chỗ, thay vì cho các thành phố, PPF muốn "dệt tấm lưới an toàn" cho tương lai nhân loại.

Lúc lành dành lúc dữ

PPF khởi động với 1 triệu USD đóng góp của các nhà hảo tâm, trong đó có ông Jaan Tallinn, đồng sáng lập Công ty Skype. Mục tiêu của quỹ là đạt 100 triệu USD trong 10 năm tới và sẽ chi lâu dài trong tổ chức từ thiện của chính quỹ này.

PPF đang tiếp nhận các khoản tiền đóng góp theo dạng thức đầu tư trong vài chục năm hay vài trăm năm, giữ lại sinh lời cho tới lúc ban quản lý quỹ quyết định phải chi vì nhân loại đang cần số tiền ấy nhất.

Nhưng làm sao PPF biết nhân loại đã chạm mức "phải tiêu tiền"? "Khoản quỹ rốt cuộc sẽ phát huy tác dụng tốt nhất vào những lúc hoặc có một nhu cầu tăng vọt bất thường, hoặc khi một số nguồn quỹ quan trọng khác không còn" - ông Philip Trammell, nhà kinh tế học tại ĐH Oxford, là người khuyến khích thành lập PPF, chia sẻ với tạp chí Vox.

Ông Trammell giải thích nhu cầu ngân sách tăng vọt có thể xảy đến nếu xuất hiện một đại dịch khác có thể còn tồi tệ hơn cả COVID-19, một cuộc chiến tranh lớn, hay thiên thạch va chạm với Trái đất... Cùng với đó, trong tương lai, nếu các quỹ lớn dành cho những mục đích thiết yếu như an toàn AI hay an ninh sinh học bị giảm hoặc xóa sổ, ông Philip Trammell hy vọng khi đó PPF đã sẵn sàng chu cấp.

Cũng có nhiều người cho rằng thay vì nghĩ quá xa, hãy tập trung nguồn lực vào các vấn đề hiện tại như nghèo đói toàn cầu hay sức khỏe, hạnh phúc của nhân loại. Nhưng ông Trammell cho rằng việc này nên được bình thường hóa như chuyện mua bảo hiểm của mỗi người. 

"Rốt cuộc thì trong viễn cảnh lạc quan nhất của tôi, việc này (quỹ PPF - PV) sẽ trở thành một điều bình thường với mọi người. Nó cũng giống như cách chúng ta vẫn làm, dành một phần nhỏ thu nhập để mua bảo hiểm", ông nói.

Chúng ta nợ gì thế hệ tương lai?

Thế hệ tương lai sẽ đối mặt những nguy cơ cực đoan mà ngay lúc này đã thấy phần nào như biến đổi khí hậu, dịch bệnh và trí tuệ nhân tạo.

Năm 2015, 21 bạn trẻ Mỹ nộp đơn kiện chính phủ vì cho rằng việc họ không thể ngăn biến đổi khí hậu sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho thế hệ hiện tại và tương lai.

Năm 2019, 15 trẻ em Canada cũng nộp đơn kiện tương tự. Cùng năm đó, Tòa tối cao Hà Lan lệnh cho chính phủ phải cắt giảm khí nhà kính, căn cứ trên trách nhiệm chăm lo của chính phủ với thế hệ hiện tại và tương lai.

Tháng 4 năm ngoái, Tòa hiến pháp liên bang Đức khẳng định các biện pháp chống biến đổi khí hậu hiện nay của chính phủ chưa đủ để bảo vệ thế hệ tương lai, ra hạn cho họ tới năm 2022 phải cải thiện các mục tiêu phát thải khí carbon.

Một vài nước cũng đã lập ra cơ quan chính phủ phụ trách các chính sách về lâu dài như Thụy Điển có Bộ Tương lai, Xứ Wales và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất cũng có bộ tương tự.

Công nghệ mRNA, cứu tinh của nhân loại? Công nghệ mRNA, cứu tinh của nhân loại?

TTO - Với những thành tựu ấn tượng vừa công bố, hai hãng dược Moderna và Pfizer được truyền thông Mỹ ca ngợi đã góp công 'phát minh lại' vắcxin với việc vận dụng thành công công nghệ mới mRNA.

TRẦN LÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên