21/11/2020 12:15 GMT+7

Nếu không phản ứng cấp bách, nhân loại có thể bước vào 'kỷ nguyên không có thuốc kháng sinh'

HOÀNG LỘC
HOÀNG LỘC

TTO - Đó là chia sẻ của TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu - giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, chủ tịch Liên chi hội truyền nhiễm TP.HCM - đặt ra tại hội thảo phòng chống kháng thuốc ngày 21-11.

Nếu không phản ứng cấp bách, nhân loại có thể bước vào kỷ nguyên không có thuốc kháng sinh - Ảnh 1.

TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu: "Lạm dụng kháng sinh lâu dài sẽ dẫn đến tình trạng kháng thuốc" - Ảnh: HOÀNG LỘC

Theo TS.BS Châu, hiện nay vấn đề kháng kháng sinh đang là thách thức rất lớn cho loài người và cần phải có hành động kịp thời để làm chậm quá trình kháng kháng sinh trên toàn cầu.

Ở Việt Nam, có các nguyên nhân cơ bản dẫn đến tính trạng kháng thuốc như mua bán, sử dụng thuốc không có hóa đơn (88% người dân sử dụng thuốc không cần kê toa); sử dụng thuốc kháng sinh không cần thiết, không đúng hướng dẫn của cán bộ y tế; kê đơn thuốc không hợp lý; lây truyền vi khuẩn kháng thuốc từ người sang người ở các cơ sở khám chữa bệnh; lây truyền từ vật nuôi qua người do sử dụng thuốc kháng sinh tùy tiện gây tồn dư thuốc.

Theo nghiên cứu từ năm 2008, tỉ lệ kháng kháng sinh ở Việt Nam chiếm 40%, đứng thứ 4 về tỉ lệ kháng thuốc ở các nước tại châu Á - Thái Bình Dương.

Mặc dù kháng kháng sinh đang trở thành vấn đề đáng báo động, tuy nhiên quá trình nghiên cứu, sử dụng kháng sinh hiện nay đang gặp nhiều khó khăn. Theo bác sĩ Châu, từ rất nhiều loại thuốc kháng sinh mới đến nay còn rất ít loại có thể đặc trị bệnh. Đặc biệt, với loại kháng sinh mạnh nhất hiện nay gần như đều hết tác dụng (kháng khoảng 80%).

Ngoài ra, điều đáng lo ngại là trong khi số lượng chủng virus kháng thuốc ngày càng cao thì số công ty dược duy trì chương trình sản xuất kháng sinh ngày một hạn chế. Cụ thể, từ 18 công ty trước đây đến năm 2010 chỉ còn 4 công ty.

Chưa kể số kháng sinh nghiên cứu mới ngày một giảm đáng kể, từ 19 loại kháng sinh (năm 1980) chỉ còn 6 loại kháng sinh (năm 2010). Và nếu như trước đây vòng đời kháng sinh kéo dài nhiều thập niên, nay vòng đời ngày càng ngắn, chỉ còn khoảng 5 năm và có xu thế ngày càng ngắn lại.

Với các nguy cơ này, bác sĩ Châu cảnh báo kháng thuốc đã, đang và sẽ để lại rất nhiều gánh nặng cho con người như điều trị không hiệu quả; thời gian, chi phí điều trị tốn kém và làm tăng nguy cơ tử vong. 

Nghiên cứu gần đây cảnh báo mỗi ngày trên thế giới có trung bình gần 2.000 người chết vì siêu vi khuẩn kháng thuốc. Và nếu không có sự thay đổi, trong tương lai (năm 2050) ước tính có khoảng 10 triệu người chết do kháng kháng sinh/năm.

"Trong tương lai các quốc gia có thể đối mặt với khả năng không có thuốc để điều trị hiệu quả các bệnh truyền nhiễm nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời. Do đó, phải có giải pháp cấp bách làm chậm lại quá trình kháng thuốc hiện nay để giúp nhân loại tránh khỏi nguy cơ quay lại thời kỳ chưa có kháng sinh", TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu khuyến cáo.

Các bệnh viện ở Việt Nam thiếu năng lực, chỉ định kháng sinh thiếu hợp lý

Dược sĩ Huỳnh Phương Thảo - trưởng khoa dược Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM - cho biết hiện nay ở Việt Nam có khoảng 50% thuốc sử dụng cho người là kháng sinh, phần lớn được bán tại nhà thuốc.

Có 1/3 bệnh nhân nội trú dùng kháng sinh thiếu chỉ định hợp lý. Điều này xuất phát từ nguyên nhân do các bệnh viện ở Việt Nam thiếu năng lực và thiếu nhân viên để phân lập và xác định nhạy cảm vi sinh.

Ngoài ra, phần lớn người bệnh có tâm lý tự điều trị hoặc điều trị tại phòng mạch tư rẻ hơn điều trị tại hệ thống công. Và vấn đề nhức nhối bấy lâu nay là có đến 90% kháng sinh được bán tại nhà thuốc không có hóa đơn.

Cảnh giác với 7 loại vi khuẩn kháng thuốc đáng sợ nhất hiện nay Cảnh giác với 7 loại vi khuẩn kháng thuốc đáng sợ nhất hiện nay

Vi khuẩn là những “chuyên gia” trong việc thích nghi nhanh chóng với các loại thuốc dùng để tiêu diệt chúng.

HOÀNG LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên