20/04/2021 06:26 GMT+7

Lao vào đám cháy, nhường bình dưỡng khí cứu người mắc kẹt

HÀ THANH
HÀ THANH

TTO - Khi trung sĩ Đông cùng đồng đội tiếp cận nạn nhân, chưa kịp đưa người xuống thì nạn nhân có dấu hiệu bất tỉnh, mất ý thức, khoảnh khắc đó anh lính trẻ đã nhường chiếc bình dưỡng khí duy nhất cho nạn nhân.

Lao vào đám cháy, nhường bình dưỡng khí cứu người mắc kẹt - Ảnh 1.

Giây phút nghỉ ngơi hiếm hoi của trung sĩ Tống Văn Đông (trái) sau khi chữa cháy, cứu hộ cứu nạn - Ảnh: HOÀNG ĐÔNG

"Trong tình huống đó, bản thân tôi đã được học tập, rèn luyện qua chuyên môn, có thể không cần dùng bình dưỡng khí vẫn giữ được an toàn, còn nạn nhân đang trong tình trạng nguy kịch" - trung sĩ Tống Văn Đông, 21 tuổi, chiến sĩ nghĩa vụ Đội Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ khu vực 1, Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh Thanh Hóa, nhớ lại khoảnh khắc chữa cháy đêm 16-1-2020.

Bản thân tôi cũng như đồng đội chỉ nghĩ là làm sao cứu được toàn bộ người mắc kẹt ra ngoài an toàn. Lúc ấy, chúng tôi chẳng nghĩ gì nhiều đến sự sống - chết.

Trung sĩ TỐNG VĂN ĐÔNG

Ánh sáng cầu cứu từ chiếc điện thoại

Trong hàng trăm cán bộ, chiến sĩ chữa cháy đêm hôm đó, anh lính cứu hỏa Tống Văn Đông đã dũng cảm lao vào đám cháy giải cứu người bị nạn. Trong lúc tích cực giải cứu nạn nhân, Đông cùng 2 chiến sĩ khác bị ngạt khí, sốc nhiệt nhẹ và nhanh chóng được đồng đội đưa đến bệnh viện.

Khoảng 18h15 ngày 16-1-2020, tại khu vực tầng 2 tòa nhà dầu khí trên đại lộ Lê Lợi (Thanh Hóa) bất ngờ bốc cháy dữ dội, nhanh chóng lan rộng, nhiều người mắc kẹt trong đám cháy. Nhận tin báo, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn Công an tỉnh Thanh Hóa có mặt tại hiện trường.

Đêm đó, nhiệm vụ của Đông và các đồng đội là nhanh chóng dập lửa, khẩn trương giải cứu những người bị mắc kẹt. 

"Lửa bao trùm từ tầng 2, khói bốc lên. Lên đến tầng 4, tôi cùng một đồng đội di chuyển được người đầu tiên xuống phía dưới và quay lên phía trên tìm kiếm. Sau 3-4 lần di chuyển, chúng tôi đưa được nạn nhân xuống phía dưới an toàn. Lúc xuống, có người báo trên tầng 8 còn người, tôi cùng đồng đội tiếp tục lên tìm kiếm, đến nơi nhìn thấy người bị nạn còn tỉnh, đang dùng ánh đèn điện thoại cầu cứu", trung sĩ Đông nhớ lại.

Ngay lập tức, Đông cùng đồng đội tiếp cận được nạn nhân, chưa kịp đưa người xuống thì nạn nhân có dấu hiệu bất tỉnh, mất ý thức. Trong tình huống khẩn cấp, người lính cứu hỏa đã nhường bình dưỡng khí duy nhất trên người mình cho nạn nhân và dùng áo ướt che miệng, mũi của mình để thở.

Họ dìu nhau xuống nhưng lửa bốc lên dữ dội, Đông chạm tay vào dọc hành lang nhưng sức nóng phả lên, họ đành di chuyển nạn nhân quay lên phía trên và báo cáo tình hình cho đơn vị xin hỗ trợ. Không còn bình dưỡng khí, Đông hít phải khói độc, cậu cố gắng nhịn thở, cúi sát người men theo bờ tường tìm đến nhà vệ sinh, dấp nước vào quần áo trùm lên đầu đợi đồng đội ứng cứu. 

"Khói dày đặc, hơn 2 phút sau tôi bất tỉnh. Lúc tỉnh dậy thì đang ở trên giường bệnh rồi", trung sĩ Đông hồi tưởng.

Trong đám cháy đêm đó, chiến sĩ Tống Văn Đông cùng đồng đội đã giải cứu được 13 nạn nhân bị mắc kẹt xuống nơi an toàn. Sau vụ việc, nạn nhân được Đông nhường mặt nạ dưỡng khí đã được cứu chữa, đã tìm đến đơn vị hỏi thăm, cảm ơn người lính trẻ đã dũng cảm cứu người trong đám cháy. Còn anh trung sĩ trẻ khiêm tốn nói "đó là nhiệm vụ của lính cứu hỏa, gặp lại người mình cứu sống vui lắm".

Vì nhân dân quên mình

Ngày nhỏ thường mê mẩn xem những bộ phim về lính cứu hỏa lao mình vào đám cháy cứu người, anh nuôi ước mơ sau này lớn lên sẽ tham gia vào công tác phòng cháy chữa cháy. Trong suy nghĩ của anh Đông, hình ảnh anh lính cứu hỏa sẽ "chữa được cháy, được nhiều người yêu quý",

Tốt nghiệp THPT, sau một thời gian đi làm Tống Văn Đông xin tham gia tòng quân, thực hiện nghĩa vụ công an nhân dân. Tháng 2-2019, anh trúng tuyển và được đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy và được phân về Đội Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ khu vực 1.

Suốt 2 năm tham gia công tác phòng cháy chữa cháy, trung sĩ Đông không nhớ hết số lần mình cùng đồng đội dập tắt đám cháy, tham gia cứu nạn cứu hộ. Khó khăn nhất có lẽ là những đám cháy xảy đến trong thời tiết xấu hoặc vào ban đêm gây nhiều khó khăn cho công tác chữa cháy. Sau mỗi lần chữa cháy về, những anh lính trẻ như Đông sẽ ngồi lại chỉ ra những gì bản thân còn thiếu sót để cố gắng hoàn thiện, sửa chữa, chỉ ra những điểm mạnh để học hỏi nhau và cố gắng phát huy hơn nữa.

Nhớ lại câu chuyện đám cháy năm 2020, trung sĩ Đông nói chưa một lần hối hận với quyết định ở thời điểm ấy. "Bản thân tôi đã được học tập, rèn luyện qua chuyên môn, trong tình huống đó có thể không cần dùng bình dưỡng khí, còn nạn nhân rất cần bình dưỡng khí để xuống nơi an toàn. Tôi và đồng đội luôn tâm niệm dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải thể hiện bản lĩnh của người chiến sĩ công an nhân dân "vì nhân dân quên mình", trung sĩ Đông quả quyết.

Đơn vị như là mái nhà thứ hai, đồng đội như những người anh em, anh bộc bạch niềm vui lớn nhân lên là có thể giúp đỡ được nhiều người, giải cứu kịp thời nạn nhân, cứu được tài sản của nhân dân, không để đám cháy lan sang các khu vực khác.

"Khi được phân công nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn trong đám cháy, bản thân tôi cũng như đồng đội chỉ nghĩ là làm sao hoàn thành tốt nhất, cứu được toàn bộ người mắc kẹt ra ngoài an toàn. Lúc ấy, chúng tôi chẳng nghĩ gì nhiều đến sự sống - chết", trung sĩ Tống Văn Đông tâm niệm.

Anh lính trẻ cho biết sau khi hoàn thành thời gian nghĩa vụ công an nhân dân, mong muốn của anh là được ở lại phục vụ trong công an, đặc biệt tham gia lực lượng phòng cháy chữa cháy để giúp đỡ được nhiều người hơn nữa.

Với hành động dũng cảm cứu người trong đám cháy, năm 2020 trung sĩ Tống Văn Đông được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, huy hiệu "Tuổi trẻ dũng cảm" do Trung ương Đoàn trao tặng. Mới đây, anh được vào top 10 gương mặt trẻ Việt Nam triển vọng năm 2020.

Gương mặt điển trai, nụ cười hiền khô và hễ ai nhắc đến hành động dũng cảm trong đám cháy hôm đó là anh lính cứu hỏa chỉ bẽn lẽn cười. Đồng đội nhận xét anh là "nói ít làm nhiều", thể hiện bằng hành động, do đó trong công việc cũng như trong cuộc sống luôn được đồng đội tin yêu.

"Chúng tôi nhận thấy ở thời điểm nguy hiểm như thế, trung sĩ Đông đã nêu cao tinh thần của người công an sẵn sàng vì nhân dân phục vụ, dũng cảm nhường mặt nạ dưỡng khí cho người dân. Đây là hành động đáng được biểu dương, lan tỏa, nêu gương tận tụy phục vụ nhân dân trong lực lượng công an nói riêng và tuổi trẻ nói chung", thượng úy Bùi Văn Hợp, phó bí thư Đoàn thanh niên Công an tỉnh Thanh Hóa, chia sẻ.

Khổ luyện để cứu người Khổ luyện để cứu người

TT0 - Những đám cháy dữ dội, những dòng nước chảy siết, hiện trường những vụ tai nạn thảm khốc là nơi ai cũng muốn thoát thân ra ngoài.

HÀ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên