Phóng to |
Ông Giáp - Ảnh: Lâm Hoài |
Lão nông đó là Lê Đức Giáp, 60 tuổi, ở làng Bồi Thọ, xã Cao Viên, huyện Thanh Oai (Hà Nội) - một trong mười công dân ưu tú của thủ đô vừa được vinh danh vì có nhiều đóng góp cho cộng đồng.
Buổi lạc đường của số phận...
"Ông Giáp là người có công đầu trong việc phát triển nghề trồng cam ở Cao Viên, không chỉ làm giàu cho mình, ông còn là “bà đỡ” cho rất nhiều bà con trong vùng và các tỉnh lân cận phát triển kinh tế" |
Gia đình ông Giáp có bốn anh em thì anh cả còi cọc, đau yếu, anh thứ hai là thương binh, anh thứ ba là liệt sĩ, tất cả gánh nặng đè xuống một mình lão.
Những năm 1994-1995, lão sắm chiếc xe đạp thồ gia nhập đội quân bán trái cây dạo. Sáng dậy đạp xe ra chợ đầu mối chất đầy hàng rồi rong ruổi khắp Hà Nội, có khi qua tận Bắc Ninh, lên Bắc Giang, Hải Dương bán kiếm lời. Năm 1999, lão đãng trí đạp xe đi lạc xuống tận vùng Văn Giang (Hưng Yên) nổi tiếng chuyên canh cây ăn quả. Nhìn những khoảnh ruộng cam trĩu quả lão mê tít, quyết định ở lại học lỏm bí quyết trồng, chiết cây, cách chăm bón. Lận lưng chút ít kinh nghiệm, lão quay về quê bàn với vợ bán đàn lợn rồi gom tiền tức tốc quay lại Hưng Yên mua cây cam giống.
Lão cười hề hề nói với tôi: “Đi lạc đường mà hóa ra lại đúng đường chú ạ”.
Vực dậy quê nghèo
Lão hăm hở mang cam về làng thì người làng cười khẩy bảo lão làm chuyện ngược đời. “Người ta nói có lý vì cam chỉ thích hợp ở vùng đất cát, tơi xốp, đằng này tôi lại mang cây về trồng ở vùng đất thịt” - lão nhớ lại.
Đầu tiên lão thuê lại ruộng của mấy người trong thôn với giá gấp đôi giá trị thu hoạch của lúa rồi cải tạo đất, đặt 100 gốc cam. Sau một thời gian chăm bẵm lứa cam cho quả sai trĩu. Lão mừng rơi nước mắt, dồn hết tiền mở rộng vườn cam. Giờ đây lão sở hữu hai vườn cam ăn quả và cam giống, cam cảnh rộng 10.000m2, mỗi năm cho doanh thu cả tỉ đồng.
Thấy làm ăn hiệu quả lão rủ thêm người thân, hàng xóm cùng làm, những thửa ruộng kém năng suất được cải tạo chuyển hết sang trồng cam. Hiện hội trồng cam ở Bồi Thọ do lão lập ra đã lên tới gần 60 người. Chỉ tay về cánh đồng mênh mông nằm dọc triền đê, lão cho hay ngày trước là vùng ruộng trũng bỏ hoang nhưng giờ đây bạt ngàn cây ăn quả xanh mướt, trù phú.
Sau khi khu ruộng cam của ông Giáp cho thu hoạch lớn, chính quyền xã thấy vậy nên không ngần ngại cho chuyển đổi 50ha đất kém năng suất trong xã thành vùng chuyên canh cây ăn quả. Dù ra đời sau nhưng vùng cam này giờ đây nức tiếng, được chứng nhận thương hiệu và cấp mã vạch riêng. Xã Cao Viên ngày xưa xơ xác bao nhiêu thì nay đường ngang ngõ dọc thênh thang bấy nhiêu. Nhà cao tầng, biệt thự mọc san sát, ôtô chạy đầu làng cuối xóm. Trong sự khấm khá lên đó của xóm làng có bóng dáng âm thầm phía sau của lão.
Có trong tay tiền tỉ nhưng cuộc sống của lão rất đỗi giản dị. Ngôi nhà lão tá túc vẫn là căn nhà cấp bốn xập xệ các cụ để lại, mái ngói cũ kỹ, tường lở lói, nứt nẻ, trong nhà chỉ kê vài bộ bàn ghế, cái giường, cái tủ, còn đồ đạc tiện nghi chả có gì. Vươn lên từ nghèo khổ và hiểu giá trị của đồng tiền nên lão bảo chả sắm sanh làm gì, để tiền cho bà con nghèo mượn làm ăn.
Mười năm nay lão đã cho hàng chục người mượn tiền làm ăn, người ít vài triệu đồng, người nhiều cả trăm triệu. Lão không hề lấy lãi cũng chẳng ra thời hạn. “Ngoài giúp tiền, ông Giáp còn cho bà con các nơi mua nợ hàng nghìn cây giống, nhiều người mãi nhiều năm sau mới mang tiền đến trả nhưng ông vẫn vui vẻ” - anh Nguyễn Hải Đăng - nông dân ở Yên Nghĩa (Hà Đông), một trong những người mang ơn lão, kể lại.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận