27/01/2021 21:39 GMT+7

Lao động nữ di cư đến thành phố, khu công nghiệp rất cần nhà ở

ĐỨC BÌNH
ĐỨC BÌNH

TTO - Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) Việt Nam Hà Thị Nga nhấn mạnh như vậy khi tham luận cuối buổi chiều ngày thứ hai (27-1) Đại hội XIII của Đảng.

Lao động nữ di cư đến thành phố, khu công nghiệp rất cần nhà ở - Ảnh 1.

Bà Hà Thị Nga, chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam - Ảnh: TR.LƯU

Khẳng định phụ nữ là nguồn nhân lực quan trọng của đất nước (chiếm trên 50% dân số), chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cho biết tỉ lệ tham gia lực lượng lao động của phụ nữ trong độ tuổi lao động lên đến hơn 66%, cao hơn hẳn so với phần lớn các quốc gia trên thế giới.

Tạo cơ hội việc làm cho phụ nữ

Theo bà Nga, lực lượng lao động nữ chưa qua đào tạo chiếm số lượng lớn, trình độ chuyên môn, kỹ thuật, kỹ năng, thể lực và tác phong lao động công nghiệp còn hạn chế so với yêu cầu cao của thị trường lao động. Có gần 80% lao động nữ trong độ tuổi lao động chưa qua đào tạo. Tỉ lệ thất nghiệp ở nữ cao hơn bình quân chung của cả nước, việc làm bấp bênh, thu nhập thấp.

"Để giúp lao động nữ có cơ hội có việc làm, Nhà nước cần đảm bảo lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong quá trình xây dựng và thực thi các chính sách đào tạo nghề, có chính sách đào tạo nghề riêng cho phụ nữ, có các giải pháp hỗ trợ, bảo đảm cho nữ có cơ hội lựa chọn ngành nghề đúng với năng lực, sở trường. 

Có như vậy mới góp phần tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao như văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra", bà Nga bày tỏ mong muốn.

Đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở đối với lao động nữ di cư

Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cho biết kết quả điều tra gần đây cho thấy 13,6% dân số cả nước là người di cư. Trong đó, nữ giới chiếm 55,5%. Hầu hết họ di cư đến làm việc trong các khu công nghiệp, đến thành phố làm các công việc ở khu vực phi chính thức.

"Với những người lao động di cư, nhà ở là vấn đề hết sức bức thiết. Thống kê cho thấy khoảng 80% công nhân đang phải thuê nhà ở trong các khu nhà trọ xung quanh các khu công nghiệp. Còn đối với nữ lao động di cư (công nhân, người bán hàng rong, lao động ở các chợ đầu mối, giúp việc gia đình, chăm sóc người ốm...) hầu hết chị em đều phải thuê nhà trọ. 

Thậm chí, để giảm chi phí, nhiều người chấp nhận ở chung, phòng trọ rất tạm bợ, chật hẹp. Tình trạng sống chung khác giới, sống chung như vợ chồng cũng đã diễn ra ở nhiều khu nhà trọ, gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội", bà Nga nói.

Theo bà Nga, để đảm bảo quyền có nơi ở, chỗ ở cho mọi người dân, Nhà nước cần coi vấn đề nhà ở là phúc lợi của người dân để có chính sách đầu tư thỏa đáng, từng bước giải quyết về vấn đề nhà ở, trước mắt là cho các gia đình chính sách, người khuyết tật, người có hoàn cảnh khó khăn, người dân tộc thiểu số, người di cư...

Đồng thời tạo cơ hội tiếp cận dịch vụ công về giáo dục, y tế cho con em và gia đình phụ nữ khó khăn, lao động nữ di cư.

Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cũng đề nghị Đảng, Nhà nước cần có chính sách đảm bảo an sinh xã hội cho phụ nữ khi mang thai, sinh con, bởi trong số hơn 65% dân cư nước ta sống ở nông thôn thì có đến gần 50% là lao động nữ. Đảm bảo an sinh xã hội cho phụ nữ nuôi con nhỏ, trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ...

'Dân là gốc, phải tôn trọng và bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của dân'

TTO - Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn mở đầu ngày làm việc chính thức thứ hai của Đại hội Đảng XIII sáng 27-1.

ĐỨC BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên