26/01/2021 05:30 GMT+7

Văn kiện Đại hội XIII kết tinh trí tuệ toàn Đảng, toàn dân

ĐỨC BÌNH - TIẾN LONG - VIỄN SỰ
ĐỨC BÌNH - TIẾN LONG - VIỄN SỰ

TTO - 8h sáng 26-1, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng chính thức khai mạc tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, thủ đô Hà Nội với sự tham dự của 1.587 đại biểu chính thức, đại diện cho 5,1 triệu đảng viên trên toàn quốc.

Văn kiện Đại hội XIII kết tinh trí tuệ toàn Đảng, toàn dân - Ảnh 1.

Đoàn chủ tịch Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng - Ảnh: MINH LINH

Dự khai mạc có Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn và gần 1.600 đại biểu.

Trước khi đại hội làm lễ chào cờ, ban tổ chức đại hội thông báo tại phiên trù bị sáng 25-1, đại hội đã bầu Đoàn chủ tịch đại hội gồm 17 thành viên, gồm các ủy viên Bộ Chính trị khóa XII: Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; Phó chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng; Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Bí thư Trung ương Đảng, trưởng Ban Tổ chức trung ương Phạm Minh Chính; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo trung ương Võ Văn Thưởng; Bí thư Trung ương Đảng, trưởng Ban Dân vận trung ương Trương Thị Mai; Bí thư Trung ương Đảng, trưởng Ban Kinh tế trung ương Nguyễn Văn Bình; Phó thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh; Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch; Bộ trưởng Công an Tô Lâm; Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ; trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân; phó trưởng bộ phận thường trực chuyên trách Tiểu ban văn kiện Đại hội XIII Hoàng Trung Hải; và Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn.

Ông Trần Quốc Vượng, thường trực Ban bí thư, phát biểu chào mừng đại hội. Thay mặt Đoàn chủ tịch, ông Trần Quốc Vượng chào mừng các khách mời là các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bà mẹ Việt nam Anh hùng và đại diện xuất sắc của các tầng lớp nhân dân.

Văn kiện Đại hội XIII kết tinh trí tuệ toàn Đảng, toàn dân - Ảnh 3.

Thường trực Ban bí thư Trần Quốc Vượng phát biểu chào mừng đại hội - Ảnh: NK

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thay mặt Bộ Chính trị điều hành phiên khai mạc. 

Văn kiện Đại hội XIII kết tinh trí tuệ toàn Đảng, toàn dân - Ảnh 4.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại khai mạc - Ảnh: MINH LINH

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đọc diễn văn khai mạc đại hội.

Văn kiện Đại hội XIII kết tinh trí tuệ toàn Đảng, toàn dân - Ảnh 5.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc Đại hội - Ảnh: N.K.

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thay mặt Ban chấp hành Trung ương khóa XII đọc báo cáo về văn kiện Đại hội XIII.

Văn kiện Đại hội XIII kết tinh trí tuệ toàn Đảng, toàn dân - Ảnh 6.

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đọc báo cáo về văn kiện Đại hội XIII - Ảnh: N.K.

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là sự kiện chính trị trọng đại của toàn Đảng, toàn dân, có ý nghĩa quyết định với sự phát triển, hội nhập của đất nước. 

"Nhân dân tin tưởng, kỳ vọng vào những quyết sách đúng đắn của đại hội", Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.

Đại hội XIII có nhiệm vụ đánh giá báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030; Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Xác định mục tiêu phương hướng đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng và tầm nhìn đến năm 2045 là kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Chuẩn bị văn kiện công phu, chu đáo, bài bản

Về quá trình chuẩn bị các văn kiện đại hội, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết nhận thức ý nghĩa, tầm quan trọng, Bộ Chính trị đã có kế hoạch rất sớm, từ hội nghị lần 8 năm 2018 đã quyết định thành lập các tiểu ban văn kiện, nhân sự. Ban Bí thư cũng thành lập ban biên tập và các tổ giúp việc. 

Trong hơn 2 năm qua, các tiểu ban phối hợp chặt chẽ các cơ quan nghiên cứu từ trung ương, đến địa phương, tổ chức 60 hội thảo và lập 50 đoàn đi nắm tình hình thực tế, gặp gỡ lấy ý kiến các vị lão thành, các chuyên gia, đi nước ngoài để học tập mô hình, kinh nghiệm. Các báo cáo được nghiên cứu, chắt lọc, tiếp thu các ý kiến xác đáng để đưa vào văn kiện. Các tiểu ban thường xuyên phối hợp để đảm bảo sự thống nhất các văn kiện. 

"Bộ Chính trị họp nhiều lần cho ý kiến để có đề cương trình Ban chấp hành trung ương tại 4 hội nghị, vì thế có những văn kiện sửa đi sửa lại hơn 30 lần trước khi công bố công khai toàn văn các dự thảo văn kiện để lắng nghe ý kiến đóng góp của nhân dân. Hàng triệu ý kiến đã gửi về trung ương...", Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói.

"Có thể khẳng định việc chuẩn bị văn kiện rất công phu, chu đáo, bài bản qua nhiều vòng, nhiều lần, có đổi mới về tư duy, phương pháp, áp dụng cả lý luận và thực tiễn, giữa kế thừa và phát triển trên cơ sở phát huy dân chủ rộng rãi. Đại hội xin chân thành cảm ơn sự đóng góp quý báu, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao với Đảng, với nhân dân, với đất nước của các tầng lớp nhân dân".

Văn kiện Đại hội XIII kết tinh trí tuệ toàn Đảng, toàn dân - Ảnh 7.

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đọc báo cáo về văn kiện Đại hội XIII - Ảnh: VIỄN SỰ

Nỗ lực phấn đấu bền bỉ qua nhiều nhiệm kỳ

Theo Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được đặc biệt coi trọng. Nhiều vấn đề đặt ra từ những năm trước và nhiệm kỳ này có kết quả tích cực, cụ thể, rõ rệt. Nhiều vụ án tham nhũng lớn được phát hiện, xử lý nghiêm minh, có tính răn đe nên được nhân dân tin tưởng, đánh giá cao. Tình hình tham nhũng, tha hóa từng bước được kiềm chế, ngăn chặn.

"Trước tình hình, diễn biến trên thế giới có những phức tạp nhưng ta không để bị động, bất ngờ. An ninh được giữ vững, đối ngoại được mở rộng. Kiên quyết kiên trì bảo vệ lãnh thổ, quốc gia, dân tộc, giữ vững ổn định, hòa bình. Được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, thế và lực của nước ta được nâng cao trên trường quốc tế", Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.

Năm 2020 đại dịch, thiên tai gây nhiều thiệt hại nhưng với nỗ lực vượt bậc, nước ta vẫn có những phát triển vượt bậc, tăng trưởng vẫn dương, là một trong những nền kinh tế có mức tăng trưởng cao nhất thế giới.

Có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của toàn dân trong và ngoài nước, chúng ta đã kiểm soát, ngăn chặn được dịch COVID-19, hạn chế tối đa sự ảnh hưởng, từng bước khôi phục sản xuất, kinh doanh. Việt Nam được thế giới ghi nhận, coi là điểm sáng về đạt mục tiêu kép, vừa khống chế dịch bệnh, đảm bảo an toàn cho người dân, vừa phát triển kinh tế.

"Có thể khẳng định kết quả trong nhiệm kỳ XII có những dấu ấn đặc biệt, tạo được khí thế cho Đảng, nhân dân vượt qua được những khó khăn, thách thức. Có được kết quả đó là có sự đoàn kết, thống nhất cao cuả toàn Đảng, sự đổi mới phù hợp của Quốc hội, HĐND các cấp và tinh thần lao động tích cực, cần cù, sáng tạo của nhân dân và sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế", Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói.

"Những thành tựu đó là sản phẩm của kết tinh sáng tạo, là nỗ lực phấn đấu bền bỉ qua nhiều nhiệm kỳ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta".

Qua 30 năm tiến hành đổi mới, chúng ta đạt những thành tựu to lớn, phát triển toàn diện hơn. Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta có thể nói đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế, cơ đồ và uy tín như hiện nay.

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng

5 bài học kinh nghiệm quý báu

Một là xây dựng, chỉnh đốn Đảng cần thường xuyên, quyết liệt, hiệu quả. Kiên định vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin. Thường xuyên tăng cường củng cố đoàn kết trong Đảng. Xây dựng nhà nước và hệ thống chính trị trong sạch, kiểm soát quyền lực, đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, công tác cán bộ phải thực sự là then chốt của then chốt. Phát huy tinh thần gương mẫu của đảng viên, vị trí càng cao thì gương mẫu càng cao.

Hai là quán triệt quan điểm dân là gốc, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Kiên quyết thực hiện dân biết, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng. Lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu. Dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng.

Ba là trong lãnh đạo, chỉ đạo phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, phát huy mọi nguồn lực và tính ưu việt của CNXH, phát huy sức mạnh đồng bộ của cả hệ thống chính trị.

Bốn là tập trung ưu tiên xây dựng thể chế, đảm bảo giữa đổi mới kinh tế, đổi mới chính trị, văn hóa; giữa tăng trưởng kinh tế và văn hóa phát triển con người; giữa phát triển kinh tế xã hội với quốc phòng an ninh; giữa độc lập tự chủ và hội nhập...

Năm là chủ động nghiên cứu, nắm bắt tình hình, tuyệt đối không để bị động, bất ngờ. Kiên quyết bảo vệ độc lập, chủ quyền lãnh thổ. Chủ động hội nhập trên cơ sở tự chủ, độc lập.

"5 bài học này là cơ sở để Đảng ta tiếp tục phát huy, tự tin vượt qua những khó khăn, thách thức mới cũng như những nhiệm vụ nặng nề của Đảng ta sắp tới", Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói.

Văn kiện Đại hội XIII kết tinh trí tuệ toàn Đảng, toàn dân - Ảnh 9.

1.587 đại biểu tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng - Ảnh: VIỄN SỰ

5 quan điểm chỉ đạo

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu 5 quan điểm chỉ đạo của Đảng trong thời gian tới.

Thứ nhất, kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH. Kiên định đường lối đổi mới của Đảng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Đây là nền tảng vững chắc của Đảng.

Thứ hai, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ, phát triển nhanh và bền vững đất nước; gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên.

Thứ ba, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Phát huy dân chủ XHCN, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hoá, con người Việt Nam.

Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; nêu cao ý chí độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất.

Thứ tư, tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng. Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện, xây dựng Nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.

Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, gắn bó mật thiết với nhân dân là những nhân tố có ý nghĩa quyết định thành công của sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc.

Thứ năm, mục tiêu tổng quát: Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng. Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện.

Củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ XHCN. Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại.

Đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định. Phấn đấu đến giữa thế kỷ 21 nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng XHCN.

Văn kiện Đại hội XIII kết tinh trí tuệ toàn Đảng, toàn dân - Ảnh 10.

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đọc các báo cáo tại Đại hội XIII - Ảnh: QUANG MINH

Đại hội XIII sẽ bầu những người đủ năng lực, bản lĩnh và trí tuệ

Phát biểu khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng sáng 26-1, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Đại hội sẽ bầu Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII gồm những người thực sự tiêu biểu về phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, năng lực lãnh đạo, bản lĩnh và trí tuệ đủ sức đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp đổi mới, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện những nhiệm vụ to lớn, nặng nề nhưng cũng rất vẻ vang được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó trong những năm tới.

142600338_256411629335186_7111477812582159566_n

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đọc diễn văn khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII Đảng Cộng sản Việt Nam sáng 26-1 - Ảnh: MINH LINH

"Đại hội được tổ chức vào thời điểm toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thực hiện thắng lợi nhiều chủ trương, mục tiêu và nhiệm vụ đã được xác định trong Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, đạt được nhiều thành quả rất quan trọng, khá toàn diện, tạo nhiều dấu ấn nổi bật.

Góp phần tô đậm những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của 35 năm đổi mới; 30 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991; 10 năm thực hiện Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020", Thủ tướng nhấn mạnh.

Đồng thời, Đại hội XIII thẳng thắn nhìn nhận những mặt còn hạn chế, những vấn đề cần khắc phục, vượt qua cho giai đoạn 5 năm tiếp theo, hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng vào năm 2045.

Trong bối cảnh đó, theo Thủ tướng, Đại hội lần thứ XIII của Đảng có trách nhiệm lịch sử to lớn đối với Tổ quốc, đồng bào và dân tộc ta, không chỉ trong giai đoạn 5 năm 2021-2025 mà cho cả những thập niên tới, cho những thế hệ tương lai của đất nước.

Với quan điểm nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật, đổi mới, hội nhập và phát triển, Đại hội có nhiệm vụ kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng gắn với việc đánh giá 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới; 30 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991; 10 năm thực hiện Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020.

Đồng thời, đề ra phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, xác định mục tiêu, phương hướng đến năm 2030 và tầm nhìn phát triển đất nước đến năm 2045.

Đại hội cũng kiểm điểm sâu sắc, toàn diện công tác xây dựng Đảng và sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Xác định phương hướng, nhiệm vụ xây dựng Đảng trong nhiệm kỳ mới. Đánh giá việc thi hành Điều lệ Đảng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "Với định hướng đúng đắn, khát vọng phát triển mạnh mẽ và quyết tâm chính trị cao, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nhất định sẽ lập nên thành tựu phát triển mới vì một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, cùng tiến bước, sánh vai với các cường quốc năm châu, thực hiện thành công tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và ước vọng của toàn dân tộc ta".

Cán bộ, đảng viên, nhân dân đang mong muốn và đặt nhiều kỳ vọng vào những quyết sách đúng đắn, mạnh mẽ của Đảng để khơi thông mọi nguồn lực, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại, đẩy mạnh xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa gắn với phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiếp tục đà phát triển đất nước nhanh và bền vững, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc


Trở lại hội trường sau giờ giải lao kéo dài, bà Nguyễn Thanh Hải - bí thư tỉnh ủy Thái Nguyên, ủy viên Đoàn thư ký Đại hội, công bố số liệu về thư, điện mừng của các Đảng, tổ chức quốc tế.

Theo đó, Đại hội đã nhận được 215 điện mừng từ 105 Đảng và các tổ chức hữu nghị, đoàn ngoại giao. Trong đó, có 5 điện mừng của các Đảng cầm quyền của các nước Lào, Trung Quốc, Campuchia, Cuba, Triều Tiên; 25 điện mừng từ các nước châu Á; 33 điện mừng từ các nước châu Âu; 31 điện mừng từ các nước châu Mỹ; 11 điện mừng từ các nước Trung Đông, châu Phi; 76 tổ chức quốc tế; 18 điện mừng từ các đoàn ngoại giao tại Việt Nam; 15 thư, điện của các cá nhân là lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các nước, tổ chức trên thế giới.

Bộ Chính trị, Ban Bí thư thẳng thắn thừa nhận một số khuyết điểm

Sáng 26-1, tại phiên khai mạc Đại hội XIII của Đảng, ông Trần Quốc Vượng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư - trình bày báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII.

143096191_167593758476576_5249075333479611645_n

Thường trực Ban bí thư Trần Quốc Vượng - Ảnh: QUANG MINH

Trong đó thừa nhận một số khuyết điểm trong lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm kỳ qua của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Cụ thể, việc lãnh đạo triển khai một số dự án trọng điểm quốc gia chưa đạt yêu cầu đề ra. Lãnh đạo thực hiện chủ trương phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường ở nhiều nơi còn bất cập.

Lãnh đạo quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức. Lãnh đạo, chỉ đạo xử lý, khắc phục những tồn đọng kéo dài nhiều năm còn chậm, gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về pháp lý, cơ chế, chính sách.

Chỉ đạo việc giải ngân vốn đầu tư công, triển khai các dự án lớn quốc gia, đổi mới, cổ phần hoá, sắp xếp, nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước còn chậm, chưa đạt hiệu quả cao.

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thiện thể chế để khắc phục, tháo gỡ những chồng chéo, bất cập của cơ chế, chính sách, pháp luật còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước.

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo bảo đảm an ninh, quốc phòng trong một số việc còn chưa sâu sát, toàn diện.

Cơ chế phân cấp trong chỉ đạo, điều hành, phối hợp giữa các lực lượng chức năng khi xử lý các tình huống phức tạp về an ninh, trật tự có lúc, có nơi còn lúng túng, bị động. Vì vậy, vẫn còn để xảy ra những vụ việc đáng tiếc.

Chưa tập trung giải quyết dứt điểm một số vấn đề bức xúc chính đáng của nhân dân, một số vụ khiếu nại phức tạp, kéo dài. Hoạt động của các đoàn thể chưa đồng đều.

Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng cũng cho biết, nhiệm kỳ qua, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng, với 36 đoàn kiểm tra do các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư làm trưởng đoàn, 110 lượt kiểm tra các tổ chức Đảng trong việc chấp hành Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị của Đảng.

Xem xét, thi hành kỷ luật 10 tổ chức đảng và 52 cán bộ, đảng viên vi phạm. Trong đó, có những người giữ cương vị cao của Đảng, Nhà nước, lãnh đạo chủ chốt các địa phương, đơn vị, sĩ quan cao cấp trong lực lượng vũ trang.

Một số trường hợp phải xử lý hình sự, bảo đảm dân chủ, đoàn kết, công minh, chính xác, công khai, kịp thời, nhân văn, thấu tình đạt lý.

Nhiều vụ việc khó, phức tạp, nhạy cảm, dư luận quan tâm và đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến nhiều cấp, ngành, địa phương, cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý được lãnh đạo, chỉ đạo xem xét, kết luận và xử lý nghiêm minh.

Bộ Chính trị và Ban Bí thư cũng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, thực hiện đồng bộ giữa xử lý kỷ luật, xử lý hành chính với xử lý hình sự.

Tăng cường phối hợp giữa công tác kiểm tra, giám sát của Đảng thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử. Công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc và thu hồi tài sản thất thoát được chỉ đạo quyết liệt, chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả.

Nhiệm kỳ qua, Bộ Chính trị và Ban Bí thư cũng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát hiện, xử lý tham nhũng ở địa phương cơ sở. Ngăn chặn, xử lý tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp, khắc phục dần tình trạng "trên nóng, dưới lạnh".

Chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, nhất là đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, điều hành. Công khai, minh bạch trong tổ chức, hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và công tác cán bộ.

Kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động và sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị chức năng phòng, chống tham nhũng, từng bước mở rộng, tăng cường phòng, chống tham nhũng ở khu vực ngoài nhà nước.

Nhiều vụ việc, vụ án lớn, nghiêm trọng, phức tạp, liên quan đến một số cán bộ cấp cao thuộc diện Trung ương quản lý được phát hiện, xử lý nghiêm minh, tạo dấu ấn quan trọng, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng


Văn kiện Đại hội XIII kết tinh trí tuệ toàn Đảng, toàn dân - Ảnh 17.
Chùm ảnh lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu tại phiên họp trù bị Đại hội Đảng XIII Chùm ảnh lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu tại phiên họp trù bị Đại hội Đảng XIII

TTO - Sáng 25-1, 1.587 đại biểu, đại diện cho hơn 5,1 triệu đảng viên trong cả nước dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã họp phiên trù bị tại Hội trường Trung tâm Hội nghị quốc gia, Hà Nội.

ĐỨC BÌNH - TIẾN LONG - VIỄN SỰ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0