23/02/2017 00:57 GMT+7

Lào cam kết về đập Pak Beng

QUỲNH TRUNG (Từ LUANG PRABANG, LÀO)
QUỲNH TRUNG (Từ LUANG PRABANG, LÀO)

TTO - Lào cam kết về đập Pak Beng Các chuyên gia lo lắng đập thủy điện sắp xây dựng của Lào sẽ ảnh hưởng đến khu vực đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam.

Diễn đàn cấp khu vực các bên liên quan về dự án đập thủy điện Pak Beng khai mạc tại Luang Prabang, Lào ngày 22-2 Ảnh: Q.TR.
Diễn đàn cấp khu vực các bên liên quan về dự án đập thủy điện Pak Beng khai mạc tại Luang Prabang, Lào ngày 22-2 - Ảnh: Q.TR.

Trong ngày khai mạc cuộc họp cấp khu vực của các bên liên quan về dự án thủy điện Pak Beng tại Luang Prabang ngày 22-2, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Lào Sommad Pholsena cam kết nước này sẽ nỗ lực để có tiến trình tham vấn hiệu quả và có ý nghĩa về dự án này.

Bộ trưởng Pholsena cho biết đây là lần thứ ba Ủy hội sông Mekong (MRC) tổ chức tiến trình tham vấn trước và nó sẽ tạo cơ hội cho các quốc gia được thông báo là Campuchia, Lào và Việt Nam xem xét, đánh giá dự án và bày tỏ những quan ngại chính đáng. “Nó cũng cho phép quốc gia đề xuất dự án là Lào hiểu hơn về những quan ngại này và xác định các biện pháp xử lý” - ông Sommad Pholsena chia sẻ.

Tham vấn đóng vai trò quan trọng

Tham dự cuộc họp cấp khu vực kéo dài hai ngày có đại diện ủy ban sông Mekong của các nước thành viên gồm chủ nhà Lào, Campuchia, Thái Lan, Việt Nam, đại diện các nước đối tác Myanmar và Trung Quốc, cùng các đối tác phát triển quốc tế và các tổ chức phi chính phủ.

Bà Kate Ross, điều phối viên của Tổ chức Sông ngòi quốc tế, chia sẻ với Tuổi Trẻ: “Có rất nhiều tiếng nói bày tỏ quan ngại xung quanh hai dự án thủy điện Xayaburi và Don Sahong trên dòng chính sông Mekong thuộc Lào nhưng vẫn chưa được hồi đáp nên dự án lần này khiến chúng tôi thêm lo ngại. Do đó, tôi tham dự diễn đàn lần này để lắng nghe các quan điểm khác nhau và những thông tin chia sẻ về dự án”.

Trao đổi bên lề với báo chí, ông Phạm Tuấn Phan - giám đốc điều hành Ban thư ký MRC - nhất trí với các nghiên cứu gần đây rằng các đập trên sông Mekong sẽ gây ra những ảnh hưởng nhất định với hệ sinh thái toàn lưu vực sông Mekong. Ông cho biết diễn đàn lần này sẽ tập trung đưa ra phương pháp luận để nghiên cứu toàn bộ lưu vực sông Mekong, xem xét tất cả tác động tiêu cực cũng như tích cực trên dòng chính sông Mekong.

Ông Phan tin rằng quá trình tham vấn sẽ có đóng góp hiệu quả. “Việc Chính phủ Lào phê duyệt dự án này không có nghĩa là mọi việc đã an bài. Chúng tôi vẫn tiến hành tham vấn. Đó là điều mà các thành viên cũng như các đối tác phát triển mong muốn” - ông Phan đưa ra ví dụ là tiến trình tham vấn đã buộc Chính phủ Lào và chủ đầu tư xây dựng đập đầu tư thêm 400 triệu USD để điều chỉnh một số hạng mục của công trình đập Xayaburi mà nay đang được xem là “một mô hình kiểu mẫu cho tất cả các đập trên dòng chính”.

Mô hình dự án đập thủy điện Pak Beng trên dòng chính sông Mekong thuộc lãnh thổ Lào -Ảnh: Pak Beng Hydropower Project
Mô hình dự án đập thủy điện Pak Beng trên dòng chính sông Mekong thuộc lãnh thổ Lào - Ảnh: Pak Beng Hydropower Project

Ảnh hưởng đến hạ nguồn

Tại cuộc họp, tiến sĩ Davong Phonekeo - thư ký thường trực của Bộ Năng lượng và Mỏ Lào - cho biết phát triển thủy điện bền vững là một chính sách tốt mà Lào đang theo đuổi. Ông cho rằng dù có tăng trưởng kinh tế ấn tượng gần đây, Lào vẫn là quốc gia kém phát triển nhất khu vực Mekong, do đó việc phát triển thủy điện theo cách bền vững và có trách nhiệm là chất xúc tác cho phát triển kinh tế và giúp cho hàng triệu người nước này thoát nghèo.

Tuy nhiên, theo Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược của MRC, đập Pak Beng có nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực cao nhất tới người nghèo so với các đập dòng chính hạ nguồn, với 223.659 người có nguy cơ chịu ảnh hưởng gián tiếp. Đập này sẽ ảnh hưởng 8 huyện ở Lào, trong đó 7 huyện được chính thức xếp hạng nghèo hoặc rất nghèo. Ước tính số lượng người bị di dời do xây dựng đập Pak Beng là 6.700 người. Pak Beng sẽ làm ngập 1.657ha đất nông nghiệp, trong đó có những vùng đất nông nghiệp quan trọng ở Bắc Lào.

Ngoài ra, dự án đập Pak Beng được cho là có ảnh hưởng đến đồng bằng sông Cửu Long. Trung tâm Con người và thiên nhiên (Pan Nature) dẫn nghiên cứu của thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, nguyên trưởng nhóm tư vấn đánh giá tác động môi trường hệ thống đập trên dòng chính Mekong, cho biết đập Pak Beng là đập dâng, có chế độ vận hành theo ngày, dự kiến hoạt động 8-12 giờ/ngày.

Tuy nhiên đối với những năm khô hạn, đập này có khả năng lưu nước đến 1,5 ngày, có nghĩa là đối với những năm khô hạn, chỉ riêng đập Pak Beng sẽ làm nước về hạ lưu chậm đến 1,5 ngày. Các đập khác nhau trong chuỗi 11 đập đều có khả năng lưu nước từ 3 ngày đến 3 tuần. Như vậy trong những năm khô hạn, đập Pak Beng cùng với các đập khác sẽ làm nước chậm về đồng bằng sông Cửu Long từ một đến vài tháng, gia tăng khô hạn và xâm nhập mặn trong mùa khô ở đồng bằng sông Cửu Long.

Thủy điện Pak Beng dự kiến được xây dựng trên dòng chính sông Mekong tại tỉnh Oudomxay thuộc Bắc Lào, có công suất lắp đặt 912 MW với sản lượng 4.775 GWh điện mỗi năm. Dự án Pak Beng có chiều cao tối đa của đập khoảng 64m, chiều dài đỉnh đập khoảng 896,70m. Đây là dự án thủy điện thứ ba trên dòng chính sông Mekong thuộc lãnh thổ Lào, sau thủy điện Xayaburi và Don Sahong.

Đập Pak Beng do Công ty Datang Overseas Investment Co., Ltd. (Datang) của Trung Quốc thiết kế và đầu tư thông qua một thỏa thuận ký kết với Chính phủ Lào năm 2007.

Theo kế hoạch, 90% điện sản xuất từ dự án này sẽ được bán cho Thái Lan và 10% còn lại do Tập đoàn Điện lực của Lào phân phối trong nước. Chính phủ Lào cho biết công trình đập Pak Beng dự kiến được khởi công năm 2017, hoàn tất vào năm 2023 và bắt đầu đi vào hoạt động thương mại năm 2024.

QUỲNH TRUNG (Từ LUANG PRABANG, LÀO)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên