Bà Tổng lãnh sự Úc - Karen Lanyon - Ảnh do nhân vật cung cấp
Sau hai ngày hội nghị với nhiều hoạt động và thông tin thú vị nhân Ngày phụ nữ Việt Nam 20-10, bà Lanyon đã dành cho Tuổi Trẻ Oline cuộc chia sẻ cởi mở về công việc, cũng như những giá trị mà bà theo đuổi trong thời gian qua.
* Thế giới không thể thay đổi nếu vị thế phụ nữ không thay đổi. Có phải điều đó đã thôi thúc bà tổ chức Hội nghị phụ nữ Việt Nam 2018 trong hai ngày 15 và 16-10 tại TP.HCM không?
- Tôi đồng ý với quan điểm này và đó cũng là những gì đã truyền cảm hứng cho tôi để tổ chức Hội nghị Phụ nữ Việt Nam 2018.
Hội nghị là một điều cá nhân tôi muốn thực hiện khi ở Việt Nam. Tôi, và Chính phủ Úc, muốn có những ủng hộ dành riêng cho bình đẳng giới và cải thiện cuộc sống của phụ nữ và trẻ em gái ở Việt Nam và Úc.
Các quốc gia không thể phát triển hết tiềm năng nếu 50% dân số của chúng ta bị từ chối quyền tiếp cận bình đẳng với giáo dục, tiền lương, cơ hội nghề nghiệp hay bảo vệ trước bạo lực và bóc lột lao động.
Từ trái sang: Đầu bếp danh tiếng nguời Úc gốc Việt Luke Nguyễn, Đại Sứ Úc ông Graig Chittick cùng với nhà thiết kế thời trang người Úc gốc Việt Betty Tran tại sự kiện Taste of Australia 2017
* Vì sao bà lại chọn những chủ đề như xây dựng hình ảnh cá nhân, sức khỏe phụ nữ và căn bệnh ung thư vú, dừng bạo lực lên phụ nữ, phụ nữ tiên phong trong vai trò lãnh đạo... để đưa vào hội nghị vừa qua tại TP.HCM?
- Đây là các vấn đề ảnh hưởng đến phụ nữ, trẻ em gái ở cả Việt Nam và Úc, thường là những chủ đề mà mọi người không muốn thảo luận công khai.
Nhưng nếu chúng ta không bắt đầu các cuộc hội thoại mang tầm quốc gia và chiến dịch giáo dục quốc gia, chúng ta sẽ không thể đem đến sự thay đổi.
Tôi có đặc quyền được ở một vị trí mà tôi có thể bắt đầu những buổi hội thoại này với công chúng và tôi hy vọng đem lại thay đổi.
* Trong tất cả những buổi hội thảo, hội nghị đó, đâu là nội dung mà bà quan tâm nhất? Vì sao?
- Tôi muốn đem đến cho phụ nữ trẻ và trẻ em gái các kỹ năng và công cụ thực tiễn để họ làm tốt nhất trong sự nghiệp và cuộc sống.
Là người sống sót sau điều trị ung thư vú, tôi cũng muốn phụ nữ hiểu rằng ung thư không phải là án tử. Giáo dục và phòng ngừa có thể cứu mạng sống. Chính điều đó đã cứu tôi.
Bà Karen Lanyon trong sự kiện Ngày Úc 2017. Bà luôn thể hiện sự năng động của mình trong bất kỳ hoạt động nào - Ảnh do nhân vật cung cấp
* Phụ nữ Việt Nam hiện đại luôn quan tâm đến việc làm sao để cân bằng đuợc công việc, gia đình và những thú vui cá nhân. Là nữ lãnh sự năng động và bận rộn, bà làm sao để cân bằng đuợc cả ba yếu tố này?
- Tôi có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ bạn bè và gia đình, đặc biệt là anh Craig, chồng tôi. Nếu không có anh, tôi không thể đạt được sự cân bằng này. Đó là mối quan hệ hợp tác đúng nghĩa dựa trên sự tôn trọng và sự tin tưởng lẫn nhau.
* Có bao giờ bà gặp khó khăn hay rắc rối gì khiến bà nghĩ rằng nếu là nam giới, mình sẽ không rơi vào sự khủng hoảng đó?
- Cha tôi đã nuôi dạy ba chị em tôi sống mạnh mẽ, và tin rằng chúng tôi có thể đạt được bất cứ điều gì chúng tôi muốn. Tôi rất may mắn vì điều đó.
Trong thời gian khởi nghiệp, tôi thường là phụ nữ duy nhất trong phòng với những người đàn ông mặc vest và đồng phục, nhưng tôi không phải làm công việc phục vụ trà nước, mà làm các công việc thực thụ như những người đàn ông trong phòng. Điều này đã thay đổi trong 20 năm qua. Mặc dù vậy, chúng ta vẫn còn một chặng đường dài để đi.
* Theo bà, điều gì đã làm nên sự khác biệt cho phụ nữ Việt Nam?
- Phụ nữ Việt Nam điều hành đất nước Việt Nam, từ phòng hội đồng quản trị cho đến các cánh đồng lúa. Phụ nữ Việt định hình Việt Nam và gia đình Việt Nam. Họ mạnh mẽ và kiên cường.
* Bà có nhận thấy họ có sự khác biệt hay tiến bộ thế nào trong suốt thời gian bà làm việc tại Việt Nam?
- Có, tôi nghĩ mọi thứ đã phát triển một cách tích cực, và Úc sẽ tiếp tục hỗ trợ những thay đổi này thông qua các chương trình như Đầu tư vào Phụ nữ, và các chương trình giới tính khác của chúng tôi trên khắp Việt Nam.
Tôi được nghe trong cuộc hội thảo thông tin rằng Việt Nam hiện nay ở trên cả các nước láng giềng ASEAN, châu Âu và Mỹ về tỷ lệ nữ CEO và thành viên hội đồng quản trị trong khu vực tư nhân. Điều này thật ấn tượng.
Tổng lãnh Sự Úc Karen Lanyon (hàng đầu, thứ hai từ trái) và các thí sinh của cuộc thi nấu ăn Taste of Australia - Ảnh do nhân vật cung cấp
* Thành tựu mà bà mong muốn nhất khi nhận nhiệm vụ tại Việt Nam là gì?
- Sau nhiệm kỳ ở Los Angeles (Mỹ), Việt Nam là nguyện vọng tiếp theo của tôi. Tôi rất biết ơn khi nguyện vọng của mình được chấp thuận.
Hội thảo Phụ nữ Việt Nam 2018 là một trong những thành tựu đáng tự hào nhất của tôi, cùng với công việc của tôi về ung thư vú và thúc đẩy cơ hội cho phụ nữ trong giáo dục và kinh doanh.
Bà Karen Lanyon phát biểu tại chương trình Taste of Australia nhân kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao Việt - Úc (2018) - Ảnh: Q.N.
Bà Karen Lanyon là viên chức cao cấp của Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc (DFAT). Trước khi giữ chức Tổng Lãnh sự Úc tại TP.HCM (Việt Nam, nhiệm kỳ 2016- 2018), bà là Tổng lãnh sự Úc tại Los Angeles (Mỹ).
Trước đó, bà giữ cương vị Giám đốc DFAT tại bang New South Wales và phục vụ ở nước ngoài với chức vụ Tham tán, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Australia tại Indonesia; Phó Đại sứ Australia tại Campuchia; và Bí thư thứ hai Cao ủy Australia tại Singapore.
Bà Lanyon có bằng cử nhân luật của Đại học Quốc gia Australia.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận