Kể từ đó, cậu bé đánh giày đã được cho đi học, được dạy một cái nghề. Giờ đây anh là giám đốc một công ty du lịch, có một gia đình nhỏ của riêng mình.
Hoài Nam giờ đã có sự nghiệp của riêng mình với một công ty du lịch do anh sáng lập - Ảnh: NAM TRẦN
Thời gian từ lúc gặp anh Jimmy, học ở KOTO chỉ khoảng bốn năm. Tôi biết ơn cơ hội Jimmy đã mang đến cho tôi để có một điểm tựa thay đổi cuộc đời
HOÀI NAM
Mái nhà của một người anh lớn
Cậu bé ấy là Nguyễn Hoài Nam (36 tuổi) - giám đốc điều hành Công ty du lịch Chapi (trụ sở tại Hà Nội). Anh chính là học viên đầu tiên của KOTO (viết tắt từ Know One, Teach One, tạm dịch: Biết một, dạy một) - trường nghiệp vụ nhà hàng dành cho trẻ đường phố, trẻ lang thang được sáng lập bởi anh Jimmy Phạm (46 tuổi) - người lạ năm nào sau buổi gặp gỡ cách đây 20 năm.
Nam sinh ra trong một gia đình có năm anh em trai ở Hà Nam, gia đình chỉ làm nông. "Bố tôi làm ăn thất bại rồi bỏ đi nơi khác lúc tôi 3 tuổi. Một mình mẹ làm lụng nuôi năm anh em ăn học. Lúc tôi học hết lớp 10, mẹ bệnh nặng tưởng không sống được. Tôi bỏ học lên Hà Nội bán bánh mì, bán báo, đánh giày, bán bưu ảnh..." - anh Nam kể.
Làm đủ thứ nghề, Nam mong có ngày về đi học tiếp. Nhưng đời bán báo, đánh giày đâu đủ tiền để Nam quay lại nhà trường khi mà ở nhà mẹ cũng còn nặng gánh hai đứa em.
"Nam là một trong những đứa trẻ đường phố đầu tiên tôi gặp. Lúc đó tôi đang là hướng dẫn viên du lịch. Nam thường đánh giày trước khách sạn tôi hay đưa khách tới. Nam không dễ bắt chuyện. Phải đến lần thứ ba cậu ấy mới nói chuyện với tôi" - anh Jimmy kể.
Biết những đứa trẻ đường phố thường tới tắm ở một miệng cống xả, anh thuê nhà cho các em, cho chúng có một nơi ở, một nơi để tắm và những bữa ăn. Jimmy cũng tìm cách cho Nam đi học lại ở một trường tư thục.
"Lần thứ ba gặp lại, anh bảo tôi "anh muốn em đi học lại", và không lâu sau anh thuê nhà cho tôi ở cùng vài đứa trẻ khác gần Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội). Anh nói tôi cứ đi học, lúc nào không đi học thì cứ đi bán hàng, anh đóng tiền học, nuôi tôi ăn ở" - Nam kể lại.
Kể từ khi tự gánh về mình trách nhiệm làm anh của một nhóm những đứa trẻ đường phố ở Hà Nội, cứ mỗi sáu tháng Jimmy lại đều đặn đóng tiền nhà, mua gạo để sẵn trong nhà khi anh đi tour lâu ngày.
Jimmy sinh ra ở Việt Nam, nhưng đã cùng gia đình sang Úc từ nhỏ và lớn lên ở Úc. Anh quay lại Việt Nam khi bắt đầu làm hướng dẫn viên du lịch.
Gặp anh tại một trong những cơ sở của KOTO trên đường Nguyễn Đình Chiểu (TP.HCM), anh hài hước pha trò: "Ông Nam ổng ở Chính Lý, Lý Nhân, Hà Nam. Cái đó là tôi nhớ lắm, nhớ tới giờ. Hồi tôi mới thuê nhà, mấy ổng kéo thêm cả đám trẻ ở Lý Nhân tới ở cùng. Một anh hướng dẫn viên 24 tuổi lo ăn, lo ở từng li từng tí cho 20 đứa trẻ 16, 17 tuổi, có lúc lên tới 60 đứa. Vài đứa vẫn đi học, đa số đi làm".
Đó là sự láu cá ban đầu của lũ trẻ. Nhưng chính sự chân thành của Jimmy đã khiến chúng phải suy nghĩ.
"Các em nói với tôi bọn em tin anh, nhưng bọn em cần một cái nghề hơn là những bữa ăn. Thế là tôi mở nhà hàng sandwich đầu tiên với chín đứa trẻ, trong đó có Nam và dạy nghề cho các em" - Jimmy kể. Một năm sau đó, Trường nghiệp vụ nhà hàng KOTO ra đời, đào tạo cho những đứa trẻ đường phố.
Anh Jimmy Phạm, người đã gây dựng KOTO - Ảnh: KOTO
Ân tình và sự thành công
Ở KOTO, Nam được học kỹ năng về nhà hàng, khách sạn và học tiếng Anh với những người hướng dẫn nước ngoài nên có lợi thế ngoại ngữ để vào làm ở những khách sạn lớn. Tốt nghiệp KOTO, Nam ở lại làm việc thêm một năm rồi làm pha chế ở một khách sạn 5 sao, tiếp đó là ở một khách sạn được xếp loại 100 khách sạn tốt nhất châu Á.
Đến năm 2008, anh nhận học bổng của KOTO đi du học ở Úc ngành kinh doanh. Năm 2011 anh về nước, năm 2013 anh xây dựng Chapi - công ty du lịch của chính mình.
"Nam giờ đã có gia đình, có thành tựu cho riêng mình, tôi rất vui và tự hào. Chỉ tiếc là năm rồi cậu ấy cưới vợ mà tôi không sắp xếp để về chung vui được" - anh Jimmy vui vẻ cập nhật tình hình của Nam. Cách Jimmy trò chuyện gợi lên hình ảnh một người anh tình cảm và khiêm nhường.
"Tôi cũng học được nhiều từ Nam, bài học tôn trọng người khác. Có lần tôi giận Nam chuyện gì đó, chỉ nhớ đã ném một xấp tiền. Nam cúi xuống nhặt từng tờ xếp gọn gàng đưa cho tôi, nhìn vào mắt tôi nói rằng rất giận tôi và cảm thấy nhục nhã vì thấy mình không có giá trị. 20 năm qua, tôi không bao giờ còn làm như thế nữa" - Jimmy kể.
Còn với Nam, gặp gỡ Jimmy là bước ngoặt khi cuộc đời một đứa trẻ đường phố lúc đó gần như đồng nghĩa với việc sẽ không bao giờ còn được ngồi trong lớp học.
Vậy mà Nam đã trở thành một trong 9 học viên đầu tiên của KOTO học tiếng Anh, làm việc ở những khách sạn 5 sao, đi du học, lập công ty, cưới vợ...
Hoài Nam (bìa trái) và các bạn ở KOTO tham gia một hoạt động ngoại khóa - Ảnh: NVCC
Yêu thương và chia sẻ
Đến giờ học viên của KOTO đã hơn 600 bạn trẻ, và Nam cũng thường ủng hộ các hoạt động, các chương trình của KOTO. Công ty hiện tại của anh cũng nhận các bạn trẻ từ KOTO vào thực tập, làm việc như một cánh tay nối dài của KOTO.
Nơi đây là mái nhà chung của hàng trăm cô bé, cậu bé đường phố có hoàn cảnh ngặt nghèo, nơi họ được trao cho một "cái cần câu" là một cái nghề lận lưng và biết mở lòng để chia sẻ với đời.
Anh Jimmy Phạm bảo để dạy cho các bạn trẻ học một cái nghề có lẽ chỉ cần nửa năm, một năm. Nhưng ở KOTO, các bạn trẻ học về hospitality (nghề về dịch vụ khách hàng) trong thời gian 18 tháng đến hai năm, mỗi năm được đi du lịch, tham gia các hoạt động chung của KOTO.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận