Lisa (thứ hai từ trái), du khách Anh, lần đầu tiên thử tráng hủ tiếu trong tour khám phá miệt vườn Cần Thơ - Ảnh: T.T.D.
Ông Lê Quang Tùng - thứ trưởng Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch - đánh giá việc ký kết này là hướng đi mới, phù hợp xu thế chung của thế giới, đặc biệt là các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, đáp ứng nhu cầu phát triển chung của ĐBSCL và TP.HCM để tương xứng tiềm năng của vùng và các địa phương trong vùng.
Sự kiện này cũng là "điểm nhấn" để các điạ phương khác, vùng khác trong nước xây dựng liên kết để tạo ra đột phá mạnh mẽ.
Slogan nào cho du lịch ĐBSCL?
Tại hội nghị, nhiều ý tưởng mới, táo bạo được nêu ra để du lịch TP.HCM và vùng ĐBSCL "cất cánh".
Ông Nguyễn Quốc Kỳ - chủ tịch hội đồng quản trị, tổng giám đốc Công ty Du lịch và tiếp thị giao thông vận tải VN (Viettravel) - nêu ý tưởng xây dựng thương hiệu chung ĐBSCL và TP.HCM nhằm quảng bá và thu hút du khách tới vùng trước, sau đó mới đến từng địa phương.
"Đối với du lịch miền Trung slogan "Con đường di sản miền Trung", VN với slogan "Vẻ đẹp bất tận", còn ĐBSCL sẽ là slogan nào? Đó là vấn đề cần phải được giải quyết trước tiên" - ông Kỳ gợi mở.
Ông Kỳ cũng đề xuất cần quy hoạch lại du lịch ĐBSCL theo đường Bắc - Nam, thay vì phân chia theo cụm phía đông và cụm phía tây như hiện nay.
Việc phân chia này sẽ tạo cơ hội để các tỉnh phía Bắc, phía Nam và ở trung tâm phát triển được các thế mạnh riêng về văn hóa khi giảm số lượng các tỉnh ở mỗi khu vực.
Đồng thời, việc vận chuyển hành khách cũng thuận tiện hơn dựa vào lợi thế kết nối hàng ngang thông qua hệ thống nội thủy, giảm áp lực lên hệ thống đường bộ như hiện tại.
"Theo khảo sát, hầu hết du khách, nhất là khách quốc tế khi đến TP.HCM, đều muốn đi tiếp hành trình khám phá vùng đất "chín rồng", nhưng do sản phẩm trùng lắp, đơn điệu, chất lượng dịch vụ du lịch trong vùng chưa đủ sức hấp dẫn để níu chân du khách.
Do đó, chúng tôi đề xuất lấy TP.HCM làm điểm tiếp nhận, phân phối khách chính đến ĐBSCL, quy hoạch 3 trục tuyến chính (tuyến du lịch xuyên tâm, tuyến du lịch hành lang ven biển phía nam và tuyến du lịch theo hướng biên giới phía tây tiếp giáp Campuchia), mỗi tuyến có sản phẩm đặc trưng khác biệt, đồng thời triển khai các tuyến theo hàng ngang kết nối giữa các tỉnh" - ông Kỳ nói.
PGS.TS Huỳnh Thành Đạt - giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM - đề nghị trong năm 2020, TP.HCM và các tỉnh thành ĐBSCL cần xây dựng một kế hoạch xúc tiến, hợp tác với các đối tác trong khu vực và thế giới mà theo ông là "ngoại giao du lịch" ở tầm thành phố, tỉnh thành với các địa phương, thành phố trong khu vực (và thế giới) có cùng tầm nhìn và mục tiêu.
Qua đó, thiết lập mối quan hệ đối tác với các trường ĐH và viện nghiên cứu có uy tín về đổi mới nâng cao nguồn nhân lực cho các lĩnh vực mà các đối tác và cơ sở bạn có thế mạnh.
Ông Đạt đề xuất thêm trong năm 2020, cần tính toán tổ chức một cuộc thi ý tưởng sáng tạo, ý tưởng khởi nghiệp trong liên kết phát triển du lịch giữa TP.HCM và các tỉnh thành ĐBSCL.
Cuộc thi này cần gắt kết hữu cơ với chương trình khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo mà TP.HCM và một số tỉnh thành ĐBSCL đang thúc đẩy.
Mục đích chính của cuộc thi là để tạo môi trường trải nghiệm thực tiễn cho thanh niên, sinh viên tích lũy các kiến thức, kỹ năng về quản trị dự án khởi nghiệp, tạo ra cơ hội hình thành các doanh nghiệp mới trong lĩnh vực du lịch.
TP.HCM - đầu tàu du lịch thông minh
Để thực hiện hợp tác hiệu quả, nhiều ý kiến từ nhà quản lý lẫn chuyên gia đều đề xuất TP.HCM làm "anh cả".
Ông Đoàn Tấn Bửu, phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, nhận định để hoàn thành các mục tiêu của chương trình hợp tác được ký kết, vai trò của TP.HCM rất quan trọng, vì đây là điểm kết nối của vùng ĐBSCL với các vùng kinh tế trọng điểm của cả nước.
Tương tự, PGS.TS Huỳnh Thành Đạt cũng đề nghị TP.HCM phải là đầu tàu, phối hợp cùng với 13 tỉnh thành ĐBSCL xây dựng đề án TP.HCM trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng ngành du lịch cho khu vực phía Nam và cả nước.
Đề án này cần liên kết với các cơ sở giáo dục hàng đầu, các doanh nghiệp du lịch trong nước và quốc tế hướng tới nâng cấp và xây dựng những chương trình đào tạo kiến thức, kỹ năng phù hợp với thực tiễn phát triển.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho rằng để thực hiện chương trình hợp tác, trong năm 2020 cần thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm.
Thứ nhất, tập trung đẩy nhanh kết nối về mặt giao thông trong cả bốn phương thức (đường sắt, đường bộ, đường thủy và đường hàng không), ưu tiên phát triển các loại hình du lịch đường thủy - một trong các lợi thế của vùng ĐBSCL và mở rộng đường hàng không (đẩy nhanh tiến độ sân bay Long Thành).
Thứ hai, đẩy mạnh hình thành những sản phẩm du lịch liên kết đặc trưng của vùng, tạo sự khác biệt rõ nét với các vùng du lịch phía Bắc và miền Trung (tập trung khai thác các giá trị văn hóa của TP.HCM và ĐBSCL).
Thứ ba, liên kết trong công tác quảng bá, truyền thông cần phải đi vào cụ thể và có sản phẩm chung (hội chợ du lịch quốc tế của TP.HCM tháng 9 hằng năm, bố trí một gian hàng chung giới thiệu về du lịch vùng).
Thứ tư, phát triển du lịch trong xu hướng của du lịch thông minh và du lịch xanh và TP.HCM sẽ đặt trọng trách là đầu tàu trong phát triển đô thị thông minh, du lịch thông minh, hình thành mô hình mẫu để thực hiện các hình thức tư vấn, chuyển giao đến 13 tỉnh thành ĐBSCL.
Cuối cùng, sự liên kết phát triển du lịch phải đảm bảo tính bền vững (phát triển du lịch không tách rời nhiệm vụ đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống của người dân mỗi địa phương, hỗ trợ người dân tham gia làm du lịch; bảo vệ môi trường sống, bảo tồn các di sản...).
Ông Lê Quang Tùng cũng cho biết bộ đang rà soát, xây dựng chiến lược phát triển du lịch VN đến 2030, tầm nhìn tới 2045, trong đó chú trọng các vùng du lịch trọng điểm như TP.HCM và ĐBSCL. Ông Tùng cam kết sẽ cùng TP.HCM xây dựng hệ thống du lịch thông minh tại thành phố này.
5 nội dung hợp tác
Theo thỏa thuận hợp tác, hội đồng liên kết hợp tác phát triển du lịch vùng TP.HCM và 13 tỉnh thành ĐBSCL do chủ tịch UBND TP.HCM làm chủ tịch hội đồng, mỗi năm họp hai lần (vào tháng 5 và tháng 11).
Sau mỗi cuộc họp, thống nhất ký phát hành thông báo kết luận gửi đến thường trực Thành ủy, Tỉnh ủy, UBND 14 địa phương để cùng thực hiện. Kết thúc giai đoạn liên kết sẽ tổ chức họp, đánh giá kết quả phối hợp và định hướng hoạt động trong giai đoạn tiếp theo.
Có 5 nội dung hợp tác. Một là, tăng cường trao đổi các thông tin về tình hình phát triển du lịch giữa 14 địa phương qua nhiều hình thức.
Hai là, dựa trên cơ sở tiềm năng của các địa phương và lợi thế, năng lực cạnh tranh chung của vùng để xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch liên kết vùng và của từng địa phương.
Ba là, đẩy mạnh quảng bá xúc tiến du lịch.
Bốn là, phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cho vùng.
Năm là, kêu gọi đầu tư phát triển các hạ tầng phục vụ du lịch.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân:
Du lịch phải hướng tới khách hàng
Tại hội nghị, ông Nguyễn Thiện Nhân đặt câu hỏi: Chúng ta phát triển du lịch từ nhu cầu của mỗi địa phương hay từ nhu cầu của khách hàng?
Khách hàng đi du lịch không phải đến TP.HCM, cũng không phải tới từng đơn vị trong 13 tỉnh thành ĐBSCL mà họ đi là vì nhu cầu của họ, họ muốn xem cái gì, hưởng thụ cái gì.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân tại đền thờ Bác Hồ ở Bạc Liêu trong chuyến tham dự lễ ký kết hợp tác du lịch giữa TP.HCM và 13 tỉnh thành ĐBSCL - Ảnh: PHAN THANH CƯỜNG
Chúng ta cần xác định là muốn phát triển du lịch phải hướng tới khách hàng, người ta muốn gì chúng ta liên kết để đáp ứng nhu cầu đó.
Muốn mua sắm thì có ở TP.HCM, muốn du lịch sông nước thì có ở miền Tây, rất cần có những tour tuyến đáp ứng cả hai nhu cầu đó và chỉ có liên kết mới làm được.
TP.HCM đang xây dựng danh mục các sự kiện văn hóa làm thường niên, đến nay đã xác định được 10 sự kiện, trong đó có 3 loại sự kiện có thể hỗ trợ phát triển du lịch.
Về đào tạo, vừa qua chúng tôi có đi Úc tìm đối tác phát triển du lịch và đã tìm được những cơ sở đào tạo rất uy tín của bạn dự định hợp tác với 2 nội dung chính.
Họ sẽ cùng thành phố lập nhóm chuyên gia đánh giá trình độ quản lý của các cơ sở du lịch ở TP.HCM.
Trên cơ sở đó sẽ xây dựng chương trình đào tạo nâng cấp người làm quản lý du lịch, hướng tới chuẩn Úc, chuẩn quốc tế. Các trường đào tạo ở TP.HCM phải hướng tới chuẩn mực quốc tế.
Chúng tôi sẽ tiến tới đánh giá các doanh nghiệp du lịch ở ĐBSCL, triển khai đào tạo, nâng cấp các trường đào tạo ở TP.HCM. Ở đây, phát huy vai trò TP.HCM là cầu nối tiếp nhận đào tạo quốc tế rồi đào tạo lại cho ĐBSCL.
Ông Brian MTonya (chuyên gia kinh tế Ngân hàng Thế giới - WB):
Cần chiến dịch truyền thông cho cả vùng
Có một thực trạng trong liên kết vùng hiện nay là đang có khoảng cách hay độ vênh trong chất lượng sản phẩm du lịch giữa TP.HCM và khu vực ĐBSCL.
Do đó, việc liên kết phát triển du lịch vùng phải hỗ trợ nhau không chỉ tránh trùng lắp sản phẩm giữa các địa phương mà còn phải giúp đỡ, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch thông qua học hỏi kỹ năng, kinh nghiệm vận hành hay đào tạo con người trong ngành này giữa các địa phương.
Một yếu tố khác cũng cần cân nhắc là nguồn nhân lực phục vụ cho ngành du lịch.
Đây là bài toán khó đối với các địa phương khu vực ĐBSCL, thiếu từ hướng dẫn viên đến cấp quản lý, vận hành, gần như phải đưa người từ TP.HCM xuống. TP.HCM cần thể hiện vai trò hỗ trợ đào tạo nhân sự.
Nhìn ra thế giới, VN có thể quan sát và học hỏi kinh nghiệm trong phát triển liên kết du lịch từ Thái Lan.
Du lịch Thái Lan chỉ trong thời gian ngắn họ liên kết được đưa du khách từ Bangkok sang các tỉnh lân cận như Phuket hay một số đảo nhờ hạ tầng giao thông, chiến dịch quảng bá...
Tại Malaysia, các đảo gần thủ đô của nước này cũng hưởng lợi từ du khách đến với Kuala Lumpur.
Tương tự, trong liên kết vùng mà chúng ta đang bàn đến, TP.HCM cần được xem là vai trò cửa ngõ đón khách cho cả khu vực ĐBSCL, và thông điệp này cần đưa lên thành khẩu hiệu trong các chiến dịch toàn vùng để tăng nhận biết cho du khách.
Bởi thực tế, lượng khách quốc tế đến VN vẫn tập trung ở các đô thị lớn mà phía Nam chính là TP.HCM.
Các địa phương nên thúc đẩy phát triển du lịch vùng thay vì phát triển riêng lẻ từng địa phương để tránh tình trạng sản phẩm bị tương đồng như hiện nay.
Ông Nguyễn Hữu Thọ (chủ tịch Hiệp hội Du lịch VN):
Đảm bảo lợi ích hài hòa trong liên kết
Thời gian qua, hiệp hội cũng như sở du lịch các địa phương đã nỗ lực, đi hợp tác với nhiều nơi, trong đó tạo dựng liên kết với các tỉnh ĐBSCL rất tích cực.
Tuy nhiên, làm sao để từ trung tâm TP.HCM lan tỏa về các tỉnh ĐBSCL, du khách có thể sử dụng hết những sản phẩm độc đáo của vùng sông nước, là bài toán không dễ bởi sự trùng lắp của các sản phẩm du lịch ở ĐBSCL.
Vì thế, trong kết nối du lịch vùng cần đảm bảo sự kết nối, lợi ích giữa các địa phương. Chính sự hài hòa lợi ích sẽ tạo ra sự hợp tác lâu dài, bền vững, đảm bảo sự cân đối, đồng thuận cao trong liên kết.
N.BÌNH ghi
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận