27/03/2018 19:04 GMT+7

Lãnh đạo TP.HCM gặp 150 sinh viên nghe hiến kế về giao thông

NGỌC HIỂN
NGỌC HIỂN

TTO- Tại buổi gặp gỡ giữa 150 sinh viên tiêu biểu với lãnh đạo TP.HCM vào chiều 27-3, các sinh viên đã thẳng thắn nêu ra những trăn trở và nguyện vọng của bản thân ở nhiều lĩnh vực, trong đó có nhiều ý kiến xoay quanh chủ đề giao thông.

Lãnh đạo TP.HCM gặp 150 sinh viên nghe hiến kế về giao thông - Ảnh 1.

Lãnh đạo TP.HCM lắng nghe những chia sẻ của các sinh viên tiêu biểu TP.HCM vào chiều 27-3 - Ảnh: TỰ TRUNG

Nói về giải pháp giảm tai nạn, ùn tắc do người đi đường vượt đèn đỏ, Trần Hoàng Lộc (sinh viên Trường ĐH Công nghệ thông tin) đề xuất cần đặt các barie ở giao lộ. Cụ thể, Lộc đưa ra ý tưởng các barie này là trụ đứng nằm ẩn dưới lòng đường, đặt vị trí gần trụ tín hiệu giao thông.

Khi đèn đỏ, các barie này sẽ bật lên trên lòng đường để ngăn không cho người dân vượt qua. Các barie này sẽ trang bị cảm biến ánh sáng, khi có xe chắn phía trên, trụ này sẽ không bật lên mà chỉ bật ở những vị trí thông thoáng, không có vật cản.

Lộc cho biết nếu triển khai, các barie này sẽ giảm thiểu tình trạng người dân vượt đèn đỏ, đồng thời giảm thiểu tai nạn giao thông cũng như tác động vào ý thức tham gia giao thông của người dân. Ngoài ra, Lộc cũng đề xuất lắp các hộp công nghệ trên xe buýt.

Hộp này sẽ kết nối với ứng dụng trên điện thoại thông qua hệ thống wifi trên xe buýt để người đi xe buýt có thể tương tác, ấn nút thông báo khi có sự cố, bị móc túi, mất cắp, bị sàm sỡ...

Hộp sẽ thông báo qua loa và sẽ phát cảnh báo về trung tâm điều khiển. Trong tương lai, hộp này có thể kết hợp để người dân thanh toán trực tuyến qua ứng dụng điện thoại thay vì mua vé xe buýt.

Lãnh đạo TP.HCM gặp 150 sinh viên nghe hiến kế về giao thông - Ảnh 2.

Sinh viên Trần Hoàng Lộc chia sẻ tại buổi gặp gỡ - Ảnh: TỰ TRUNG

Sinh viên Phan Anh Vũ (Trường ĐH Khoa học tự nhiên - ĐHQG TP.HCM) đề xuất ý tưởng ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong xử phạt giao thông.

Cụ thể, lắp đặt các camera ở các giao lộ kết nối với hệ thống công nghệ để tự phát hiện, xác định các lỗi vi phạm, sau đó sẽ lên danh sách các phương tiện vi phạm với những thông tin cụ thể.

Cơ quan chức năng sẽ phạt nguội các phương tiện dựa trên dữ liệu được thu thập, phân tích tự động này để giảm thiểu việc cảnh sát giao thông phải trực tiếp đứng bên ngoài đường xử phạt cũng như hạn chế việc vi phạm của người dân.

Còn sinh viên Huỳnh Tuấn Khương (Trường ĐH Khoa học tự nhiên - ĐHQG TP.HCM) cho rằng bản thân đi đường Nguyễn Thị Minh Khai gặp kẹt xe thường xuyên, Khương cho rằng tại sao không nghiên cứu, tạo nên một phần mềm giải quyết những vấn đề giao thông.

Cụ thể là có thể có những bảng thông báo các sự cố giao thông như kẹt xe ở cách vị trí kẹt 1 đến 2 cây số để người dân chuyển hướng sang những đường khác.

Lãnh đạo TP.HCM gặp 150 sinh viên nghe hiến kế về giao thông - Ảnh 3.

Sinh viên Phan Anh Vũ (Trường ĐH Khoa học tự nhiên - ĐHQG TP.HCM) trình bày những trăn trở của mình trước lãnh đạo TP - Ảnh: TỰ TRUNG

Sinh viên Trần Hoàng Tuấn (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) đặt vấn đề các xe Uber, Grab đậu phía trước cửa ngõ sân bay gây ra kẹt xe, vì sao không bị xử lý triệt để?

Ngoài ra, một sinh viên cũng cho rằng tình trạng đào đường nhiều năm nay vẫn tái diễn, gây bức xúc cho người dân.

Cần nâng cao ý thức người dân

Về vấn đề đào đường, ông Võ Khánh Hưng - phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho rằng đây là vấn đề khó của ngành giao thông vận tải bởi việc cấp phép đào đường liên quan đến rất nhiều đơn vị từ điện lực, viễn thông, cấp thoát nước...

Mặc dù Sở đã yêu cầu các đơn vị phải thông tin về kế hoạch sẽ đào đường ở khu vực nào trước một năm nhưng theo ông Hưng, việc thông tin này vẫn chưa đảm bảo.

Ông Hưng cho biết phía Sở đã đưa ra những biện pháp xử lý nghiêm, từ đình chỉ, không cấp phép và thậm chí là xử phạt vi phạm hành chính để hạn chế vi phạm.

Ngoài ra, Sở cũng nghiên cứu, ứng dụng công nghệ như robot đào đường nhưng chưa thể thực hiện ngay vì chi phí cao và robot phải đào ở vị trí sâu dưới mặt đất.

Về vấn đề xe Uber, Grab đậu phía trước cửa ngõ sân bay, ông Hưng cho biết phải căn cứ tình hình thực tế, nhu cầu vận chuyển của từng khu vực, không thể cấm tất cả các vị trí.

Ông Hưng cũng thông tin thêm về việc TP đang tiếp nhận, tổng hợp đề xuất của 3 nhà đầu tư về việc đưa xe đạp thông minh vào hoạt động trên địa bàn TP.

Lãnh đạo TP.HCM gặp 150 sinh viên nghe hiến kế về giao thông - Ảnh 4.

Ông Võ Khánh Hưng - phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM phát biểu tại buổi gặp gỡ - Ảnh: TỰ TRUNG

Theo ông Hưng, trên xe buýt hiện nay đã lắp đặt camera và gửi dữ liệu về trạm điều hành, xử lý khi có sự cố. TP cũng đang thí điểm lắp đặt wifi trên 3 tuyến xe buýt cho người dân sử dụng. "Giải pháp nào đi chăng nữa, công nghệ gì đi nữa nhưng ý thức người tham gia giao thông không cao thì sẽ không mang lại hiệu quả" - ông Hưng nói.

Tương tự, ông Trần Vĩnh Tuyến - phó chủ tịch UBND TP.HCM, cũng cho rằng vấn đề quan trọng trong việc xử lý kẹt xe đó là ý thức của cộng đồng. Theo ông Tuyến, muốn giao thông công cộng phát triển, phải có một nền tảng giao thông gắn với ý thức.

Ông Nguyễn Thành Phong - chủ tịch UBND TP cho biết theo chuẩn đô thị thì phải có 22% đất dành cho giao thông, nhưng hiện nay tại TP.HCM chỉ có 8,5%.

Theo ông Phong, đất cho giao thông không mở rộng, trong khi số lượng dân ngày một tăng. Đến nay, số dân sinh sống, làm việc tại TP đã tăng lên 13 triệu dân với hơn 7 triệu xe máy, 700.000 xe ô tô. Do đó, ông Phong cho rằng cần phải nghiên cứu quy hoạch phát triển đô thị một cách tống thể mới giải quyết được bài toán giao thông.

Lãnh đạo TP.HCM gặp 150 sinh viên nghe hiến kế về giao thông - Ảnh 5.

Ông Nguyễn Thành Phong - chủ tịch UBND TP đánh giá cao các ý kiến đóng góp của sinh viên - Ảnh: TỰ TRUNG

Về các ý kiến sinh viên đóng góp tại buổi gặp gỡ cũng như qua văn bản, ông Phong cho rằng các ý kiến rất sâu sắc và có trách nhiệm của sinh viên TP.

Ông Phong kỳ vọng sinh viên sẽ góp sức lực, trí tuệ của mình vào quá trình phát triển của TP.

Riêng đối với tổ chức Đoàn, ông Phong đề nghị Đoàn phải phối hợp cùng Sở GD&ĐT để nâng cao năng lực ngoại ngữ của sinh viên trong quá trình hội nhập. Đồng thời, lập website để tạo điều kiện cho sinh viên hiến kế cũng như tham gia vào quá trình xây dựng, phát triển TP.

Sắp có 2 không gian khởi nghiệp

Tại buổi gặp gỡ, nhiều sinh viên cũng nêu những băn khoăn về vấn đề khởi nghiệp.

Trong đó, các sinh viên bày tỏ nguyện vọng được xây dựng một website để chia sẻ ý tưởng khởi nghiệp chung trong cộng đồng, kết nối giữa các nhà đầu tư, những người khởi nghiệp để cùng hợp tác.

Ông Trần Vĩnh Tuyến - phó chủ tịch UBND TP, cho biết TP đã học tập kinh nghiệm ở Nhật Bản và tới đây sẽ có hai không gian dành cho cộng đồng khởi nghiệp tại TP.HCM.

Đặt hàng đào tạo, doanh nghiệp trả học phí cho sinh viên Đặt hàng đào tạo, doanh nghiệp trả học phí cho sinh viên

TTO - Mô hình đào tạo đặc biệt này sẽ được triển khai tại Trường ĐH Công nghệ Giao thông vận tải để áp dụng cho mùa tuyển sinh 2018.

NGỌC HIỂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên