Thông tin với Tuổi Trẻ Online về sự việc, vị này cho biết trong ngày 6-7, khi nắm được thông tin trên, chủ tịch UBND phường đã giao công an phường xác minh, từ đó báo cáo kết quả về UBND phường để thông tin lại báo, đài.
Phường cần thời gian để "đối chứng"
Ông Dũng cho biết kết quả báo cáo từ công an, qua làm việc với chủ quán bị tố là ông C. và chị H. thì hai người này cho biết người đăng tải nội dung suất cơm bình dân 160.000 đồng lên mạng xã hội là chị L.K.O.
"Người này thực tế không phải là người đến ăn, người ăn là một người đàn ông khác tên là L.Q.A.
Khi đến mua cơm chủ quán có trao đổi, sau đó có gắp thức ăn vào thì có nói là suất cơm này giá 160.000 đồng. Người đàn ông này nói như thế này hơi nhiều, không ăn hết và giá hơi cao nên quán bỏ bớt lại, sau khi bỏ bớt thức ăn ra thì thỏa thuận giá là 100.000 đồng. Sau đó thì anh L.Q.A. đã chuyển 100.000 đồng vào tài khoản chị H." - ông Dũng thông tin.
Theo ông Dũng, việc mua bán đã có sự thỏa thuận giữa khách và chủ quán, khách đã trả tiền trước khi vào ăn chứ không phải trả tiền sau khi ăn.
Vị lãnh đạo phường Phương Mai cho biết thêm vì người đăng Facebook không phải là người ăn, nên công an phường ngoài làm việc với chủ cơ sở thì phải đối chứng với người đưa thông tin lên mạng xã hội.
"Hiện công an phường cho biết chưa liên hệ được chị L.K.O. nên không tìm được thông tin của người đó để đối chứng. Nếu có thông tin tiếp theo phường sẽ tiếp tục cung cấp" - ông nói.
Quán cơm bình dân 160.000 đồng/đĩa này "làm thiện nguyện nhiều"
Ông Bùi Anh Dũng cho biết trên địa bàn phường có nhiều bệnh viện, vì vậy có rất nhiều người từ những nơi rất xa đến đây chữa trị, nên "cơ sở chị H. này họ cũng làm thiện nguyện rất nhiều".
"Ví dụ như có những người dân ở tỉnh người ta nghèo đói, lên đây chăm bệnh nhân thì người ta phải dè sẻn, tính toán chi li từng đồng. Nên khi họ ra quán ăn, chỉ 5-7 nghìn cơm, sau đó không mua được thức ăn thì họ lại xin nhà này. Có những nhà quá khổ thì bà chủ quán H. này cho luôn cả canh, cơm, ví dụ như vài con tôm, rau để người ta qua bữa" - ông Dũng nói.
Tuy nhiên, ông nhấn mạnh việc nếu xác minh được quán cơm bình dân của bà H. trên sai phạm thì sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.
Sao không niêm yết giá?
Tuổi Trẻ Online đặt câu hỏi tại sao theo quy định các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống phải niêm yết giá, nhưng cửa hàng cơm của bà H. lại không niêm yết cụ thể, trách nhiệm của UBND phường Phương Mai trong việc kiểm tra, quản lý vấn đề này?
Trả lời, vị lãnh đạo UBND phường Phương Mai thừa nhận theo văn bản quy định của pháp luật là các cửa hàng kinh doanh, buôn bán, dịch vụ phải niêm yết giá, nếu không sẽ phải xử phạt theo nghị định 109 năm 2013 của Chính phủ.
"Tuy nhiên đối với cửa hàng cơm bình dân này lại không phải như nhà hàng. Ví dụ như ở nhà hàng có cái thực đơn, mở ra đĩa gà 300.000 đồng, đĩa nộm có giá cụ thể.
Nhưng cơm bình dân thì vào theo sự thỏa thuận kiểu anh lấy mấy miếng đậu, anh lấy mấy miếng chả, hay là bao nhiêu tôm… không thể tính theo đĩa được.
Vì vậy theo thỏa thuận lấy bao nhiêu thì bán ngần đấy, họ cũng trình bày là chúng tôi không biết niêm yết như thế nào" - ông giải thích.
Trước thực tế trên, ông Dũng cho biết phường sẽ yêu cầu các cơ sở ngoài việc thỏa thuận với khách hàng thì cũng phải hợp lý, hợp tình và đảm bảo theo mặt bằng chung của thị trường.
"Chúng tôi đang tiếp tục xác minh, nếu cơ sở này sai, chúng tôi cũng xử lý theo quy định, phường đang tiến hành theo quy trình với quan điểm không bao che" - ông tái khẳng định.
Trước đó, mạng xã hội đăng tải thông tin một quán cơm bình dân ở ngõ 4 Phương Mai, phường Phương Mai, quận Đống Đa, Hà Nội (gần cổng sau Bệnh viện Bạch Mai) bị khách tố bán với giá "cắt cổ" 160.000 đồng/suất cơm.
Bài viết đính kèm bức ảnh chụp đĩa cơm có sườn, chả cuốn lá lốt và rau.
Sáng 7-7, bà V.T.H. (chủ quán cơm bị tố) cho biết suất cơm trên bán với giá 160.000 đồng có đắt hơn so với giá trị thật, bà H. cho rằng giá như vậy là phù hợp, "không chặt chém".
"Nhân viên quán tôi kể lại là khách vào gọi cơm. Khi cắt sườn ra, nhân viên bảo khách là nếu nhiều sườn là nhiều tiền đó. Sau nhân viên báo 160.000 đồng, khách bê cơm vào bàn.
Sau đó người này ra kêu đắt, làm ầm lên rồi nhân viên bỏ ra vài miếng thịt và thu giá 100.000 đồng. Suất cơm đến 16 - 17 miếng thịt, chưa kể thịt băm, rau như vậy là không đắt" - bà H. thanh minh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận