Ông Nguyễn Xuân Bình, phó giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng (phải), trao đổi cơ hội hợp tác với đại diện doanh nghiệp hàng không, du lịch Ấn Độ - Ảnh: TẤN LỰC
Nói với các doanh nghiệp du lịch, hàng không Ấn Độ, ông Trần Phước Sơn cho hay Đà Nẵng là địa phương có vị trí trung tâm miền Trung - Tây Nguyên, giữ vai trò kết nối giao thương, quan hệ hợp tác với các địa phương khác trong vùng. TP định hướng phát triển du lịch, dịch vụ nghỉ dưỡng chất lượng cao và trung tâm công nghệ cao, đổi mới sáng tạo của Việt Nam, đồng thời là trung tâm tổ chức các sự kiện tầm cỡ quốc tế.
Ông Sơn bày tỏ mong muốn kết nối các doanh nghiệp du lịch, hàng không và doanh nghiệp công nghệ cao Ấn Độ đến Đà Nẵng tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư, tăng cường trao đổi, giao lưu văn hóa của người dân hai quốc gia.
Ông Rajat Kumar, phó chủ tịch hoạch định mạng lưới đường bay, Hãng hàng không IndiGo, cho biết hãng này đã có đường bay kết nối Ấn Độ với TP.HCM và Hà Nội, đồng thời đang nghĩ tới ý tưởng mở đường bay kết nối Đà Nẵng.
Ông Rajat Kumar đánh giá cao tiềm năng phát triển của Đà Nẵng trên nhiều lĩnh vực và hy vọng sắp tới sẽ thiết lập đường bay thẳng tới Đà Nẵng. Để chuẩn bị cho việc này, Hãng IndiGo đã trao đổi với các đối tác cập nhật một số dữ liệu quan trọng về cơ hội đầu tư vào Đà Nẵng và sự trao đổi khách hai bên.
Ông Trần Phước Sơn, phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, trao quà lưu niệm cho lãnh đạo Hãng hàng không IndiGo tại buổi làm việc - Ảnh: TẤN LỰC
Được biết IndiGo là hãng hàng không lớn nhất Ấn Độ, chiếm khoảng 50% thị phần. Hãng này có đội bay 238 tàu bay, phục vụ 56 điểm đến nội địa và 18 điểm đến quốc tế.
Ông Cao Trí Dũng, chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, chia sẻ hệ sinh thái du lịch thành phố và các địa phương lân cận rất phù hợp với du khách Ấn Độ. Ngành du lịch xác định khách Ấn Độ là nguồn khách tiềm năng rất lớn cho Đà Nẵng và Việt Nam nên đã chuẩn bị nhiều nguồn lực cho việc đón tiếp khách Ấn Độ.
Theo ông Dũng, đây là thời điểm tốt xúc tiến mở đường bay bởi Đà Nẵng và miền Trung có sự kết nối văn hóa gần gũi với Ấn Độ như văn hóa Champa, bảo tàng Chăm, thánh địa Mỹ Sơn.
Ngoài ra, Đà Nẵng không chỉ là điểm đến của du khách Ấn Độ mà còn là thị trường nguồn đưa khách miền Trung đi Ấn Độ và trung chuyển qua châu Âu. Trong đó, ngoài khách du lịch, khách hành hương và du học sinh rất đông. Ông Dũng cam kết ngành du lịch Đà Nẵng sẽ nỗ lực hết sức để lấp đầy các chuyến bay kết nối với Ấn Độ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận