04/12/2014 08:12 GMT+7

​Lãnh đạo biểu tình Hong Kong trình diện cảnh sát

MỸ LOAN
MỸ LOAN

TT - Ba nhà đồng sáng lập phong trào “Chiếm trung tâm” đã đến Sở Cảnh sát Hong Kong trình diện vào chiều 3-12.

Các lãnh đạo Benny Tai, Chan Kin-man và Chu Yiu-ming trước đồn cảnh sát chiều 3-12 - Ảnh: Reuters

Khoảng 40 người đã tập trung trước đồn cảnh sát trung tâm ở Sheung Wan để chờ gặp mặt ba thủ lĩnh là Benny Tai Yiu-ting, mục sư Chu Yiu-ming và Chan Kin-man.

Ba người này đến đồn cảnh sát và mang theo một lá thư, trong đó cùng ký tên xác nhận họ đã tham gia một cuộc tuần hành từ ngày 28-9 và có khả năng vi phạm sắc lệnh trật tự công cộng ở Hong Kong.

Đi cùng với các nhà sáng lập này còn có hồng y Joseph Zen Ze-kiun, các thành viên của Đảng Dân chủ Hong Kong Cheung Man-kwong, Yeung Sum và Wu Chi-wai cùng hàng chục người ủng hộ phong trào chiếm đóng.

Thừa nhận thất bại

Trả lời trong chương trình phát thanh của đài RTHK sáng 3-12, ông Tai Yiu-ting cho biết đã có ý định nộp mình cho cảnh sát một ngày trước đó, ngay sau khi các cuộc đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát xảy ra vào hai ngày 30-11 và 1-12 ở quận Kim Chung (Admiralty).

Ông cùng hai nhà sáng lập khác hi vọng bằng động thái “đầu hàng” của họ có thể kết thúc biểu tình một cách ôn hòa. Họ cũng đã kêu gọi những sinh viên tham gia biểu tình hãy quay về nhà vì lý do an toàn.

“Trong tâm thức, tôi vẫn sẽ làm những việc như thế. Tôi không hối tiếc về những gì mình đã làm. Phong trào chiếm đóng nổ ra hai tháng trước đã mở ra một chương mới cho cuộc đấu tranh vì dân chủ ở Hong Kong dù phong trào này đã thất bại” - ông Tai khẳng định, dù đang đối mặt với những cáo buộc tổ chức tụ tập trái luật và những tội danh khác.

Ông cũng thừa nhận đã có một số người biểu tình có hành vi bạo lực nhưng ông cáo buộc cảnh sát đã dùng “vũ lực” quá mức để giải tán người biểu tình, đây là lý do khiến bạo lực leo thang.

Benny Tai Yiu-ting, giáo sư luật của ĐH Hong Kong, đã đưa ra sáng kiến thiết lập cuộc biểu tình “Chiếm đóng trung tâm” hồi tháng 1-2013 nhằm gây áp lực cho chính quyền đặc khu Hong Kong cải cách chính trị. Rất nhanh sau đó, sáng kiến này được Chan Kin-man, giáo sư xã hội học của ĐH Trung Quốc ở Hong Kong và mục sư Chu Yiu-ming ủng hộ.

Báo South China Morning Post mô tả một nhóm ủng hộ chính quyền do lãnh đạo Liên minh công lý Leticia Lee See-yin dẫn đầu, cũng đã xuất hiện vào chiều qua để phản đối các thủ lĩnh biểu tình. Nhóm này cáo buộc ba nhà sáng lập phong trào “Chiếm trung tâm” đã chia cắt xã hội và phá hủy cuộc sống thường nhật của người dân Hong Kong.

Chưa bị bắt

Sau một giờ ở trong đồn, ba ông Tai, Chan và Chu xuất hiện trước đám đông và tuyên bố họ chưa bị bắt dù đã thừa nhận “tham gia tụ tập trái luật” trước cảnh sát Hong Kong.

“Chúng tôi chưa bị bắt, vì thế chúng tôi được phép ra về và không bị giới hạn quyền tự do. Tuy nhiên, tôi nghĩ vấn đề của chúng tôi không được giải quyết lúc này mà có thể sau này chúng tôi sẽ bị bắt và thậm chí còn bị khởi tố. Chúng ta phải đợi xem” - ông Tai cho biết.

Tờ Nhật Báo Trung Quốc dẫn lời giới chuyên gia ngành luật Hong Kong cho biết ba người này có thể đối mặt với nhiều tội danh và có thể sẽ bị tù 5 năm nếu bị buộc tội.

Theo South China Morning Post, các lãnh đạo biểu tình sinh viên vẫn chưa loại trừ khả năng đầu hàng dù vào tối 2-12, lãnh đạo Liên đoàn Sinh viên Hong Kong Alex Chow Yong Kang khẳng định chuyện đầu hàng chỉ là vấn đề thời gian vì hiệp hội còn bàn luận với người biểu tình cách kết thúc chiến dịch này như thế nào.

Trong khi đó, thủ lĩnh biểu tình sinh viên Joshua Wong cùng hai bạn học khác tuyên bố họ sẽ tiếp tục tuyệt thực để phản đối chính quyền.

Báo South China Morning Post dẫn nguồn tin giấu tên từ cảnh sát Hong Kong cho biết cùng ngày cảnh sát được lệnh theo dõi hơn 200 người ủng hộ phong trào “Chiếm trung tâm” vì họ liên đới trong các cuộc đụng độ với cảnh sát từ ngày chính quyền thực hiện dọn dẹp lều trại và rào chắn ở các khu biểu tình.

Đến nay, chính quyền đặc khu Hong Kong và Trung Quốc vẫn cáo buộc các cuộc biểu tình ở đặc khu này là trái luật. Bắc Kinh vẫn giữ quan điểm ứng cử viên trong các cuộc bầu cử lãnh đạo đặc khu Hong Kong phải được một ủy ban thuộc Chính phủ Trung Quốc xem xét kỹ càng.

Lãnh đạo Đài Loan từ chức chủ tịch Quốc Dân đảng

Lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu hôm qua chính thức xác nhận từ chức chủ tịch Quốc Dân đảng sau khi đảng này thất bại trong các cuộc bầu cử địa phương. Ông Ngô Quách Nghĩa, phó lãnh đạo Đài Loan, sẽ đảm trách chức vụ chủ tịch đảng này.

“Tôi sẽ thông báo việc từ chức chủ tịch Quốc Dân đảng trong cuộc họp của Ủy ban thường vụ lãnh thổ và một lần nữa tôi chân thành xin lỗi tất cả thành viên và người ủng hộ” - ông Mã Anh Cửu nói.

Sau khi ông Mã lên nắm quyền, Đài Loan theo đuổi chính sách thân Bắc Kinh. Quan hệ giữa Đài Loan và Bắc Kinh đã bớt căng thẳng.

Song với sự thất bại của Quốc Dân đảng, giới chuyên gia ở Hong Kong nhận định có khả năng mối quan hệ Đài Loan - Trung Quốc sẽ rơi vào căng thẳng trở lại. Một số ý kiến cho rằng Bắc Kinh sẽ vẫn giữ cho mối quan hệ này ở trạng thái “ấm dịu” dù có thể không bằng trước đây.

 

MỸ LOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên