20/08/2016 10:41 GMT+7

Làng... shop

THÁI LỘC
THÁI LỘC

TTO - Ở làng Mỹ Khánh thuộc xã Phú Diên, H.Phú Vang, Thừa Thiên - Huế, người dân rất tự hào về “nghề truyền thống” bán shop quần áo, đang mang lại sự ổn định và giàu có cho phần lớn dân làng.

“Tổ nghề mở shop” làng Mỹ Khánh Trương Văn Quỳnh bên shop Thái Phát trên đường Lũy Bán Bích (Q.Tân Phú, TP.HCM) do anh làm chủ - Ảnh: THÁI LỘC
“Tổ nghề mở shop” làng Mỹ Khánh Trương Văn Quỳnh bên shop Thái Phát trên đường Lũy Bán Bích (Q.Tân Phú, TP.HCM) do anh làm chủ - Ảnh: THÁI LỘC

Ngôi làng biển nằm cách TP Huế chừng 30km về phía đông này có 420 hộ và 1.985 nhân khẩu, nhưng con dân của làng đang sở hữu chừng 200 shop quần áo trên khắp các tỉnh, thành từ Quảng Bình vào tận Cà Mau...

Làng vắng theo shop

Chúng tôi tìm về làng trong một ngày nắng rát như đổ lửa xuống hàng trăm ngôi nhà chen chúc trên đồi cát cao.

Cảm nhận đầu tiên tại ngôi làng biển này là sự vắng vẻ. Chỉ thỉnh thoảng mới thấy vài người dân của làng, hầu hết lứa tuổi trung niên và già cả. Tìm đến nhà thôn trưởng Nguyễn Văn Tin, ông mở đầu lý do: “Đúng rồi, làng vắng là do tụi trẻ đi vô Nam theo shop”...

“Theo shop”! Đó là lý do rất nhiều ngôi nhà trong làng đóng cửa, nhờ hàng xóm trông giữ từ nhiều năm nay rồi. Đó là trường hợp ông Phan Văn Tuất có năm con trai.

Khoảng giữa thập niên 2000, người con thứ hai là Phan Văn Hồng theo bạn vào Sài Gòn mở shop. Làm ăn được, anh của Hồng là Phan Văn Cường vào mở và cũng khấm khá.

Kế đến là người em Phan Văn Hoan, Phan Văn Trong và Phan Văn Xệ lần lượt cùng vào. Con cái đi hết, vợ chồng ông Tuất và bà Nguyễn Thị Hiếu “buộc lòng” theo vào để được gần con cái, nên nhà cửa khóa lại nhờ người quen trông giúp từ năm năm nay rồi.

Gia đình họ Phan này đến nay đang sở hữu hơn 10 shop quần áo ở TP.HCM cùng nhiều thành phố ở Tây nguyên và miền Tây.

Hay như trường hợp của ông Nguyễn Văn Ly. Khoảng năm 2005, con trai ông là Lê Văn Quốc vào Sài Gòn tìm cách mở shop. Quốc phất lên rất nhanh, rồi về quê đưa cả cha lẫn mẹ vào sống và góp phần quản lý hoặc lo việc gia đình.

Chàng trai trẻ ngoài 30 tuổi này mới kinh doanh hơn 10 năm, nhưng cũng xây nhà năm tầng rất quy mô ở Sài Gòn và là chủ của chuỗi shop lớn tại các thành phố lớn.

Trong số 420 hộ của làng, theo ông Tin, có rất ít gia đình không có người theo nghề bán shop quần áo. Nếu không làm chủ thì cũng đi phụ bán shop. Có người vô Nam mở xưởng may, người đi may, trong khi một số khác theo nghề cắt, thiết kế hay đi “chạy vải” cho các xưởng người làng...

Đến thời điểm này, shop JSA của ông Lê Văn Quốc (ở TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) được xem là vị trí “cực bắc” của người làng Mỹ Khánh. Ông Quốc cũng sở hữu shop cùng tên JSA ở “cực nam”, phường 8, Cà Mau.

Tất cả các thành phố, tỉnh lỵ từ Quảng Bình trở vào, suốt dải Nam Trung bộ, Tây nguyên, Đông Nam bộ và Tây Nam bộ đều có shop của dân làng Mỹ Khánh.

Tính ra có không dưới 200 shop của người làng rải đều khắp nơi, nhiều nhất là ở Sài Gòn với hơn 30 shop.

Mấy năm trước, “hội shop Mỹ Khánh” cùng bàn tính sang Campuchia mở shop, nhưng do tình hình chính trị bên ấy chưa ổn nên họ chỉ giữ mối để cấp hàng sang cho người Campuchia bán.

Công việc tương tự cũng được tiến hành ở thị trường Lào, một số anh em đang lập kế hoạch sang Vientiane và một số TP lớn của Lào để mở shop.

Người làng cho biết: “Đi mô cũng rất dễ nhận biết shop của người làng Mỹ Khánh, chỉ cần nghe người trong quán nói với nhau bằng giọng Huế nằng nặng miền biển!”.

“Ông tổ nghề”... 33 tuổi

Tại TP.HCM, chúng tôi tìm gặp anh Trương Văn Quỳnh, 33 tuổi, được xem là “tổ nghề” shop của làng Mỹ Khánh. Anh tiếp chúng tôi trong căn nhà rộng chất đầy quần áo trên đường Lê Văn Phan (Q.Tân Phú).

Một tay khuấy ly cà phê, một tay lướt smartphone theo dõi nhiều shop ở các tỉnh, thành thông qua camera trực tiếp, anh cho biết cả gia đình đang sở hữu chuỗi tám shop có cùng thương hiệu Thái Phát ở TP.HCM và nhiều tỉnh thành từ Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, Cần Thơ...

Khi được hỏi đến là “ông tổ nghề truyền thống” mở shop của làng Mỹ Khánh, chàng trai 33 tuổi này cười lớn: “Người ta gọi đùa cho vui thôi, chứ có tổ tiếc gì đâu!”.

Câu chuyện khởi sự nghề được kể bắt đầu từ hoàn cảnh khó khăn, không chỉ của gia đình mà còn của cả làng Mỹ Khánh khoảng 20 năm trước. Sinh năm 1983, Quỳnh là con thứ tư của gia đình bảy anh chị em, sống nhờ vào nghề thợ mộc ế ẩm của người cha.

Anh nghỉ học sau năm lớp 9, cùng người bạn thân là Nguyễn Văn Nghệ theo học nghề sửa xe máy ở đầu làng.

Một thời gian ngắn thấy nghề này ở làng quá khó khăn, Quỳnh vào Sài Gòn tìm việc. Năm ấy là 2001, Quỳnh 18 tuổi, ban đầu cũng xin học sửa xe máy ở một tiệm trên đường Bạch Đằng.

Sau một thời gian ngắn, thấy nghề sửa xe lem luốc quá, lúc nào cũng đầy dầu mỡ, bàn tay “rửa cách chi người ta cũng nhận ra là người sửa xe”, anh vay mượn tiền rồi chuyển sang buôn bán gà sống ở chợ Thiếc (Q.11).

Cũng không cạnh tranh được với mấy bà đã sẵn mối lái ở chợ, thấy người ta bán áo quần “cũng có ăn”, anh chuyển sang bán áo quần dạo.

Quỳnh đến các cơ sở may lấy ít áo quần mang đi bán dạo khắp các chợ. Nếu chợ này ế thì chuyển sang chợ khác, cứ thế xoay vòng từ chợ Bình Thới, Thiếc, Ông Tạ, Tân Phú, Hoàng Hoa Thám, Võ Thành Trang, Phạm Thế Hiển, Bà Quẹo hay Tân Bình... Tích lũy được ít vốn lận lưng, Quỳnh mở sạp quần áo ở chợ Tân Bình.

Thấy nghề làm ăn được, “ông chủ trẻ” về quê kéo người bạn thân là Nguyễn Văn Nghệ khỏi tiệm sửa xe vào Sài Gòn bán quần áo...

Lấy vợ năm 2005, đến năm 2006 thì Quỳnh có con trai đầu đặt tên Trương Văn Thái. Đó cũng là năm anh mở shop quần áo đầu tiên trên đường Lê Văn Khương ở Q.12 đặt tên Thái Phát - ghép tên con trai cùng ước muốn “phát tài”.

Đồng thời anh quyết định đầu tư lớn ở “thị xã đang lên” là Thủ Dầu Một (Bình Dương) và dồn vốn liếng vào đó. Việc kinh doanh ở Bình Dương không như mong đợi, anh rút về Sài Gòn, mở thêm shop ở gần Đầm Sen.

Tiếp đến, các shop Thái Phát lần lượt mở ở quận 4, 11 và Thủ Đức... Anh kéo toàn bộ mấy anh chị em ruột vào cùng mở shop, rồi đi mở ở các tỉnh, thành khác.

Không chỉ mua nhà ở Sài Gòn, thuộc khu đắt đỏ ở “phố vải” Lê Văn Phan (Q.Tân Phú), anh còn mua hẳn khu đất làm xưởng với hàng chục thợ thầy.

Trong hàng trăm mặt hàng ở shop Thái Phát, chiếm phân nửa các mặt hàng do thợ thầy của Quỳnh sản xuất, số còn lại nhập từ nước ngoài về. Quỳnh nói “nghề mở shop nó chọn mình”.

Nhưng trong số hàng trăm người dân làng Mỹ Khánh thì coi việc “nghề chọn” ấy như là một diễm phúc của làng, là một vận hội để thay đổi số phận của cả một vùng quê...

Đình hội làng Mỹ Khánh do các “Việt… shop” đóng góp xây dựng đang trong giai đoạn hoàn thành - Ảnh: THÁI LỘC
Đình hội làng Mỹ Khánh do các “Việt… shop” đóng góp xây dựng đang trong giai đoạn hoàn thành - Ảnh: THÁI LỘC

Hội shop xây đình hội

Dẫn chúng tôi ra con hẻm bêtông trên con dốc giữa làng, nơi có ngôi nhà lớn làm theo kiểu đình chợ ngay trước một cái miếu đang trong giai đoạn hoàn thiện, ông Tin cho biết đó là đình hội do nhóm “Việt shop” đóng góp xây nên nhằm làm nơi tụ hội của dân làng, hoặc những dịp tiệc tùng khỏi phải thuê dựng rạp tạm bợ như mọi năm.

“Dịp ra tết hằng năm, các anh em hội shop đóng góp tổ chức hội làng, có các môn thể thao, văn nghệ, sau đó là mở tiệc linh đình cho cả làng vui chung.

Hễ trong làng cần đóng góp gì, cần hỗ trợ khuyến học hay gia đình nào đó khó khăn, chỉ cần liên lạc với hội shop thì anh em sẵn sàng đóng góp ngay!” - ông Tin kể.

“Việt kiều không bằng... Việt shop”

Thật ra làng Mỹ Khánh cũng có khoảng 40 hộ có thân nhân là Việt kiều ở Mỹ thường xuyên gửi tiền về.

Theo lời người dân, trước đây người ta “ngó lên” những nhà có “tiền Mỹ”. Giai đoạn khi chưa có nghề bán shop, làng Mỹ Khánh chủ yếu dựa vào nghề biển và một số ngành nghề lặt vặt như thợ mộc, thợ nề hay may vá. Ruộng trong làng cũng để “cho có” vì chưa đến 15ha, lại đất cát phèn chỉ làm một vụ.

Biển thì bãi ngang, không phát triển. Vì vậy, theo nhận xét của một người con trong làng:

“Trước thập niên 2000, những nhà có “tiền Mỹ” thì xây dựng, mua sắm và tiêu xài xông xênh hơn hẳn những hộ khác. Nhưng chừ thì khác rồi, người ta chỉ “ngó qua” Việt kiều ở Mỹ thôi, còn “ngó lên” phải nói tới “Việt... shop”. Nói chung tiền Mỹ cũng không bằng tiền shop, Việt kiều cũng không bằng Việt... shop!”.

Thôn trưởng Lê Văn Tin cho biết một số thanh niên trẻ chưa đến 35 tuổi, nhờ nghề bán shop mà thành “đại gia tiền tỉ”.

Khá nhất trong số đó là Nguyễn Văn Nghệ, kể từ khi vào Sài Gòn và kinh doanh cùng bạn Trương Văn Quỳnh, không những không kém cạnh mà còn phát đạt vượt hẳn bạn mình.

Anh đang sở hữu hàng loạt shop Yến Ngân, từ “Yến Ngân gốc” trên đường Nguyễn Thị Thập (Q.7, TP.HCM) đến các Yến Ngân khác ở Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Phan Thiết, Gia Lai, Cần Thơ...

Một số “đại gia” khác như Nguyễn Văn Quốc, Trương Văn Quỳnh, Phan Văn Trọng, Hà Văn Tuấn...

THÁI LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên