Nghi phạm Dzhokhar Tsarnaev chưa nói đượcXem toàn bộ diễn biến vụ đánh bom khủng bố ở Boston
![]() |
Cảnh sát vẫn đang truy tìm động cơ đánh bom của hai anh em nhà Tsarnaev - Ảnh: FBI/AFP |
Sự yên tĩnh đang từng bước trở lại Boston sau cuộc săn người kết thúc bằng việc bắt giữ nghi can Dzhokhar Tsarnaev 24 giờ sau cái chết của nghi can thứ nhất là Tamerlan, anh trai của Dzhokhar. Giờ là lúc hàng loạt câu hỏi được đặt ra. Tổng thống Mỹ Barack Obama đã nhấn mạnh trong vụ việc này vẫn còn đó “rất nhiều câu hỏi chưa có câu trả lời”. “Chúng đã lên kế hoạch và thực hiện các vụ tấn công này như thế nào? Và chúng có nhận được sự giúp đỡ của ai không?” - ông Obama tự hỏi.
Dzhokhar Tsarnaev được nhập viện trong tình trạng “nghiêm trọng”. Hiện lực lượng an ninh Mỹ đang phong tỏa kín bệnh viện để canh giữ nghi phạm này. CNN trích nguồn tin cho biết nghi phạm này bị thương ngay cổ họng và có thể sẽ không nói lại được - điều có thể ảnh hưởng tới quá trình điều tra động cơ vụ khủng bố. |
Câu hỏi về động cơ vụ đánh bom vẫn hoàn toàn là một dấu hỏi lớn, và các nhà điều tra Mỹ sẽ phải xác định xem hai nghi can này có nhận được sự tiếp tay đồng lõa ở Mỹ hay tại nước ngoài.
Từ nguồn gốc Chechnya đến dấu vết Hồi giáo
Gia đình Tsarnaev cho rằng con cái họ vô tội và vụ việc là do FBI dàn dựng. Bà mẹ, Zubeidat Tsarnaeva, kể con trai bà vẫn thường gọi điện nói chuyện với bà hằng ngày và hỏi thăm bà thế nào. Còn người cha lại mô tả Dzhokhar là một “thiên thần”.
Thế nhưng, dù sống hơn 10 năm ở Mỹ, Tamerlan (26 tuổi) dường như không bao giờ hòa nhập được xã hội này. “Tôi không có người bạn Mỹ nào” - Tamerlan một lần nói với tay ảnh Johannes Hirn, người từng thực hiện phóng sự ảnh về võ sĩ quyền anh Tamerlan. “Tôi không hiểu họ” - Tamerlan nói.
Ở Trường ĐH cộng đồng Bunker Hill, Tamerlan học kỹ sư và tự mô tả bản thân mình là một người “rất sùng đạo”. Tamerlan không bao giờ uống rượu hay hút thuốc.
Người em Dzhokhar 19 tuổi, vừa tốt nghiệp phổ thông và là một đô vật có tiếng. Dù bạn bè nói Dzhokhar là người nhút nhát, hiền lành, nhưng trang Twitter của Dzhokhar lại đầy rẫy thông điệp bất mãn:
14-3-2012: Một thập niên ở Mỹ rồi, tôi muốn thoát khỏi.
1-9-2012: Tôi không hiểu tại sao nhiều người không chấp nhận 11-9 thực tế là một vụ nội gián... (có thuyết âm mưu rất phổ biến cho rằng vụ 11-9 chính do CIA và các tập đoàn quốc phòng Mỹ thực hiện).
15-1-2013: Tao không cãi nhau với những thằng ngu nói đạo Hồi là khủng bố. Nói thế chẳng đáng một xu nào cả. Cứ để những thằng ngu tiếp tục là thằng ngu.
15-4-2013 (ngày xảy ra vụ đánh bom): Không còn tình thương gì ở trung tâm thành phố, mọi người an toàn nhé.
16-4-2013 (một ngày sau vụ đánh bom): Tao là loại người không stress gì cả.
Tamerlan đến Dagestan năm 2012
Các nhà điều tra Mỹ đang lục tung lại thông tin về chuyến trở lại Chechnya và Dagestan trong năm 2012 của người anh Tamerlan Tsarnaev, người chết trong vụ đọ súng với cảnh sát hôm 19-4.
Giới điều tra nghi ngờ chuyến đi trong vòng sáu tháng tới vùng Bắc Kavkaz (Nga) của Tamerlan có thể là bước ngoặt dẫn tới các hành vi cực đoan và vụ đánh bom ở cuộc đua marathon Boston. Người em Dzhokhar được đặt giả thuyết là bị người anh “lôi kéo”.
Dù chưa xác định được nhóm Chechnya nào có liên quan, một điều thấy rõ nhất là kể từ khi trở về từ Bắc Kavkaz, Tamerlan có những dấu hiệu thay đổi trong suy nghĩ. Trên trang YouTube của nghi can này bắt đầu xuất hiện nhiều video ủng hộ chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan cũng như kêu gọi thánh chiến.
Một dấu hỏi được đặt ra là phải chăng FBI đã để lọt nghi phạm khủng bố. Theo New York Times, Chính phủ Nga thực tế đã liên hệ FBI để điều tra thông tin Tamerlan khi người anh có ý định trở về Dagestan và Chechnya. Lý do phía Nga đưa ra là “y theo dòng Hồi giáo cực đoan, sùng đạo và đã thay đổi đột ngột kể từ năm 2010”. Phía Nga nghi ngờ Tamerlan trở về nước để tham gia một nhóm bí mật nào đó. FBI dù nhận được cảnh báo này đã không theo dõi Tamerlan sau khi nghi phạm trở về từ Chechnya.
Ấm lại quan hệ Mỹ - Nga
Vụ đánh bom Boston cũng bất ngờ làm ấm lại quan hệ giữa Washington và Matxcơva sau vài năm nóng lạnh thất thường. Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Nga Vladimir Putin tối 19-4 đã có cuộc trao đổi điện thoại về việc tăng cường phối hợp tình báo để “đối phó với chủ nghĩa khủng bố toàn cầu”.
Trước đó, Tổng thống Putin đã nhiều lần chỉ trích Mỹ đánh giá thấp nguy cơ an ninh mà các tay súng Hồi giáo vùng Bắc Kavkaz có thể gây ra. Washington nhiều lần chỉ trích việc Nga dùng vũ lực ở Chechnya. Người phát ngôn của Tổng thống Putin còn lạc quan hơn khi cho biết “sẽ có liên lạc giữa lực lượng tình báo hai bên”.
“Tôi hi vọng thông tin các tay đánh bom có nguồn gốc Chechnya sẽ mở ra cơ hội cải thiện hợp tác an ninh Mỹ - Nga” - ông Matthew Rojansky, phó giám đốc chương trình Nga và Âu - Á của Quỹ Carnergie ở Washington, nhận định.
Theo Reuters, Tổng thống Putin muốn tăng cường hợp tác an ninh vì ông muốn đảm bảo Thế vận hội mùa đông 2014 ở thành phố Sochi tại biển Đen (gần Bắc Kavkaz) sẽ diễn ra suôn sẻ.
Thi thể của Tamerlan Tsarnaev - một trong hai thủ phạm của vụ đánh bom tại Boston - đang được quàn ở bệnh viện địa phương. Dư luận đang bàn tán về cách thức làm lễ tang cho thủ phạm này. Cộng đồng Hồi giáo tại Boston đang phân vân với khả năng có tổ chức một lễ tang theo nghi thức Hồi giáo cho Tamerlan hay không. Tờ Huffington Post dẫn lời Imam Talal Eid thuộc Viện Hồi giáo Boston - tổ chức chuyên thực hiện các đám tang trong khu vực - cho biết họ không muốn làm lễ tang cho Tamerlan theo nghi thức Hồi giáo vì “đó là một kẻ cố ý giết người”. Trong khi đó, báo này dẫn lời Imam Suhaib Webb thuộc Trung tâm văn hóa Boston phụ trách cộng đồng Hồi giáo lại khẳng định Tamerlan nên được an táng theo nghi thức Hồi giáo, vì “dù hành vi man rợ nhưng linh hồn anh ta sẽ được Thượng đế xét xử”. “Nghĩa tử là nghĩa tận” đang được cộng đồng tại Boston nhìn nhận theo nhiều quan điểm khác nhau thông qua cách an táng Tamerlan sắp tới. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận