13/04/2012 01:38 GMT+7

Lấn ruộng lúa đào ao nuôi cá

Ông CAO VĂN HÓA(phó giám đốc Sở NN&PTNT Tiền Giang)
Ông CAO VĂN HÓA(phó giám đốc Sở NN&PTNT Tiền Giang)

TT - Thời gian gần đây khi thấy khan hiếm cá tra giống và giá cá giống tăng cao, nhiều nông dân ở Tiền Giang và Đồng Tháp đua nhau bỏ lúa đào ao ương cá giống.

NVtfDhPX.jpgPhóng to
Ao cá ở giữa cánh đồng tại huyện Cai Lậy (Tiền Giang) - Ảnh: Thành Bắc

Việc này không chỉ làm phá vỡ quy hoạch trồng lúa được Chính phủ phê duyệt, mà còn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Ruộng lúa dần biến mất

"Không thể nói chính quyền không biết dân đào, càng không thể nói dân lỡ đào thì thôi"

Những ngày đầu tháng 4 này, chúng tôi đến vùng chuyên canh lúa chất lượng cao thuộc các xã Thạnh Lộc, Mỹ Thành Nam, Mỹ Thành Bắc, Mỹ Phước Tây (huyện Cai Lậy, Tiền Giang) thì thấy rất nhiều ao cá rộng thênh thang lọt thỏm giữa đồng lúa. Đây đó tiếng máy đào Kobe ầm ầm phá tan bầu không khí tĩnh lặng ở miền quê. Lại có thêm nhiều người đang thuê máy đào ruộng để làm ao nuôi cá.

Ông Nguyễn Văn Đô ở xã Thạnh Lộc cho biết đã đào xong 1ha đất lúa làm ao và đang chuẩn bị thả cá tra giống để ương cá con. “Tui thấy mấy vụ trước người ta ương cá lời mắc ham nên quyết định vay tiền làm theo. Đào ao xong thì nghe giá cá giống giảm trở lại, nhưng lỡ phóng lao rồi phải theo thôi” - ông Đô nói.

Tại ấp 1, xã Thạnh Lộc, chúng tôi tiếp cận ao ương cá khoảng 0,8ha. Lúc này cá tra con bị chết khá nhiều mà không rõ nguyên nhân. Người nuôi vớt cá chết bỏ vương vãi khắp nơi. Dòng nước từ khu vực nuôi cá chảy ra kênh đen ngòm, bốc mùi hôi. Bà Liên, một người dân sống cạnh đó, cho biết nguồn nước ở khu vực này bị ô nhiễm rất nặng do khi hết vụ cá, người nuôi móc bùn ao thải ra kênh. Còn khi cá chết họ chất đống, gây hôi thối cả khu vực.

Tại huyện Tân Hồng (Đồng Tháp), tình trạng người dân lén lút đào ao nuôi cá xảy ra phổ biến, dẫn đến diện tích ao hiện vượt gấp bốn lần quy hoạch.

Mất đất, ô nhiễm môi trường và nhiều rủi ro

Ông Phan Hữu Hội, chi cục phó Chi cục Thủy sản Tiền Giang, cho biết đã đến khảo sát tình hình ương cá tra giống ở huyện Cai Lậy. “Người dân chuyển đất lúa sang ao nuôi cá nhiều quá. Việc chuyển đổi này không đúng quy hoạch, không đúng quy định về khai thác tài nguyên nước ngầm. Ngoài ra, người dân còn khoan giếng tầng nông rất nhiều, nếu không kịp ngăn chặn thì tình trạng ô nhiễm nguồn nước ngầm chỉ còn là thời gian” - ông Hội lo lắng.

Ông Phạm Công Trung, chủ tịch UBND xã Thạnh Lộc, thừa nhận việc ương cá tra giống đã gây ô nhiễm môi trường nước mặt và tới đây nước ngầm cũng sẽ bị ô nhiễm. “Chúng tôi đã kết hợp với Phòng NN&PTNT và Phòng Tài nguyên - môi trường huyện tuyên truyền người dân không nên đổ xô bỏ lúa đào ao ương cá nhưng họ phớt lờ” - ông Trung nói.

Ông Lê Hữu Hải, trưởng Phòng NN&PTNT huyện Cai Lậy, cho biết Nhà nước rất trân trọng ý chí tìm tòi vượt khó vươn lên làm giàu của người dân. Vừa qua huyện đã tổ chức rất nhiều đoàn đến tuyên truyền, động viên người dân không nên đào ao ương cá theo phong trào vì hại nhiều hơn lợi. Hiện tình hình đã tạm lắng. “Nông dân nghèo mà vay mượn chi phí đào ao thả cá tốn hàng trăm triệu đồng/ha là không hề nhỏ. Nuôi cá tự phát gây ô nhiễm môi trường còn dễ dẫn đến nguy cơ rủi ro, thiệt hại. Khi thất bại có muốn trở lại làm lúa cũng không được” - ông Hải nói.

Chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm

Ngày 11-4, ông Cao Văn Hóa - phó giám đốc Sở NN&PTNT Tiền Giang - thừa nhận có chuyện người dân ở huyện Cai Lậy đào 100ha đất trồng lúa để làm ao ương cá. Lãnh đạo sở đã làm việc với UBND huyện, cảnh báo và đề nghị ngăn chặn tình trạng này. Theo ông Hóa, các xã để dân đào ao như vậy là sai. Sở NN&PTNT Tiền Giang đã báo cáo UBND tỉnh cho ý kiến vấn đề này theo hướng xử lý nghiêm những ai vi phạm.

Đồng tình với quan điểm này, bà Trần Kim Mai, phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, nói: “Chính phủ đã có chủ trương giữ 3,8 triệu ha đất lúa. Cai Lậy là vùng sản xuất lúa chất lượng cao đã được tỉnh quy hoạch, nên không thể để dân muốn đào ao nuôi cá thì đào như vậy. Việc này chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm. Tỉnh sẽ từng bước vận động người dân lấp ao trả lại hiện trạng đất lúa. UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT làm việc với huyện Cai Lậy, chỉ ra các sai sót của địa phương để phê bình, rút kinh nghiệm, chấn chỉnh”.

Còn theo ông Nguyễn Minh Lý - chánh văn phòng Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh Đồng Tháp, địa phương rõ ràng đã sai khi buông lỏng quản lý để người dân chuyển từ đất lúa sang ao cá. Lẽ ra địa phương phải phát hiện, xử phạt nhưng thực tế không ai phạt.

Đào ao ban đêm

Theo ông Phạm Công Trung - phó chủ tịch UBND xã Thạnh Lộc, từ năm 2010 đến nay người dân địa phương đã đào tới 60ha đất trồng lúa làm ao ương cá. Hiện toàn xã có 96 hộ ương cá với diện tích 64,5ha. Còn tại xã Mỹ Thành Bắc có 25,3ha đất được chuyển sang ao ương cá tra. Thống kê của huyện Cai Lậy cho biết toàn huyện có khoảng 130ha đất lúa đã trở thành ao ương cá giống, trong đó khoảng 100ha mới phát sinh gần đây.

Ông Võ Văn Chênh, chủ tịch UBND xã Bình Phú (huyện Tân Hồng, Đồng Tháp), cho biết có nhiều hộ tranh thủ đào ao vào ban đêm, sáng ra xã phát hiện lập biên bản nhưng không xử phạt được vì không có thẩm quyền. Theo quy hoạch, từ nay đến năm 2020 huyện Tân Hồng chỉ có 35ha ao ương cá, nhưng hiện con số này đã là 130ha, trong đó hơn 64ha nằm ngoài vùng quy hoạch.

Ông CAO VĂN HÓA(phó giám đốc Sở NN&PTNT Tiền Giang)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên