13/03/2024 12:08 GMT+7

Lần đầu tiên xét nghiệm máu giúp phát hiện rối loạn tâm thần

Một loại xét nghiệm máu mới đang được phát triển để phát hiện các rối loạn tâm thần. Phát minh này được đánh giá rất hữu ích vì hiện chưa có xét nghiệm máu nào phản ánh được các rối loạn ảnh hưởng đến não.

Nghiên cứu phát hiện 13 mRNA có liên quan đến trầm cảm sau sinh - Ảnh: Nirvan Hospital

Nghiên cứu phát hiện 13 mRNA có liên quan đến trầm cảm sau sinh - Ảnh: Nirvan Hospital

Các nhà nghiên cứu của Trung tâm Trẻ em Johns Hopkins hy vọng phương pháp xét nghiệm tiên phong này có thể xác định các vấn đề về rối loạn tâm thần và thần kinh, bao gồm trầm cảm sau sinh, tâm thần phân liệt và động kinh.

Bước tiến giúp ngăn ngừa nhiều rối loạn tâm thần

Được công bố trên tạp chí Tâm Thần Học Phân Tử, nghiên cứu tập trung vào việc phân tích các túi ngoại bào (EV) trong máu. 

EV là những túi mỡ nhỏ chứa đầy vật liệu di truyền như RNA thông tin (mRNA), đóng vai trò quan trọng trong giao tiếp tế bào.

Những túi này được giải phóng bởi tất cả các mô trong cơ thể, bao gồm cả não, mang theo những mảnh mRNA cụ thể phản ánh hoạt động của gene trong mô nguồn gốc của chúng.

Nghiên cứu được xây dựng dựa trên một nghiên cứu trước đây của Johns Hopkins Medicine từ tháng 9-2022, quan sát thấy thay đổi trong EV ở những phụ nữ mang thai, mà sau này phát triển chứng trầm cảm sau sinh.

Nghiên cứu phát hiện 13 mRNA có liên quan đến trầm cảm sau sinh, cho thấy tiềm năng của EV mRNA như một chỉ số về hoạt động và bệnh lý của não, cho phép can thiệp sớm và có khả năng ngăn ngừa các hậu quả nghiêm trọng như hành vi tự sát. 

Những mRNA này cũng đóng vai trò là dấu hiệu sinh học tiềm năng cho các vấn đề tâm thần hiện được chẩn đoán chủ yếu thông qua các cuộc phỏng vấn lâm sàng.

Mục tiêu cuối cùng của nghiên cứu là tạo ra loại xét nghiệm máu đơn giản có thể phát hiện những thay đổi về nồng độ EV mRNA trong máu, cho thấy các rối loạn tâm thần. Từ đó, cung cấp công cụ chẩn đoán không xâm lấn, dễ tiếp cận. 

Hướng đi trong tương lai của nhóm bao gồm áp dụng kỹ thuật này để phát triển các xét nghiệm cho các vấn đề tâm thần khác, như rối loạn phổ tự kỷ.

Nghiên cứu giúp phát hiện các vấn đề tâm thần hiện được chẩn đoán chủ yếu thông qua các cuộc phỏng vấn lâm sàng - Ảnh: MindDoc

Nghiên cứu giúp phát hiện các vấn đề tâm thần hiện được chẩn đoán chủ yếu thông qua các cuộc phỏng vấn lâm sàng - Ảnh: MindDoc

Xét nghiệm máu phát hiện rối loạn lưỡng cực

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Cambridge đã phát triển một phương pháp mới để chẩn đoán rối loạn lưỡng cực, bằng cách kết hợp đánh giá trực tuyến tình trạng tâm thần với xét nghiệm máu.

Nghiên cứu được công bố trên JAMA Psychiatry vào tháng 10-2023 nhằm giải quyết việc thường xuyên chẩn đoán sai, cho rằng rối loạn lưỡng cực là rối loạn trầm cảm nặng, có thể dẫn đến điều trị không phù hợp và gây hại cho bệnh nhân.

Rối loạn lưỡng cực ảnh hưởng đến khoảng 80 triệu người trên toàn thế giới và được đặc trưng bởi sự thay đổi tâm trạng cực độ, bao gồm cả những giai đoạn tâm trạng chán nản và hưng cảm. Tuy nhiên, bệnh nhân thường tìm kiếm sự chăm sóc y tế trong giai đoạn trầm cảm, dẫn đến chẩn đoán sai trong gần 40% trường hợp. 

Việc phân biệt giữa rối loạn lưỡng cực và rối loạn trầm cảm nặng là rất quan trọng vì hai tình trạng này đòi hỏi các phương pháp điều trị bằng thuốc khác nhau.

Nhóm nghiên cứu đã sử dụng các mẫu và dữ liệu từ nghiên cứu Delta của Vương quốc Anh, với hơn 3.000 người tham gia được chẩn đoán mắc chứng rối loạn trầm cảm nặng trong vòng 5 năm qua và hiện đang trải qua các triệu chứng trầm cảm. 

Những người tham gia đã hoàn thành đánh giá trực tuyến sức khỏe tâm thần sâu rộng và cung cấp mẫu máu khô để phân tích hơn 600 chất chuyển hóa.

Nghiên cứu cho thấy chỉ riêng xét nghiệm máu có thể chẩn đoán chính xác tới 30% bệnh nhân rối loạn lưỡng cực. Hiệu quả nghiên cứu được cải thiện đáng kể khi kết hợp với đánh giá sức khỏe tâm thần trực tuyến.

Mặc dù các đánh giá tâm thần toàn diện có hiệu quả cao trong chẩn đoán rối loạn lưỡng cực, nhưng chúng thường đòi hỏi thời gian chờ đợi lâu và thời gian kéo dài. 

Các nhà nghiên cứu tin rằng việc kết hợp xét nghiệm dấu ấn sinh học vào quá trình chẩn đoán có thể đảm bảo bệnh nhân nhận được phương pháp điều trị thích hợp nhanh hơn và giảm bớt một số áp lực cho các chuyên gia y tế.

Nghiên cứu nhấn mạnh cơ sở sinh học của bệnh tâm thần, giúp bệnh nhân hiểu rằng tình trạng của họ không chỉ nằm "trong tâm trí". 

Bộ phận thương mại của trường đại học, Cambridge Enterprise, đã đăng ký bằng sáng chế cho nghiên cứu này.

14,1% dân số cả nước rối loạn tâm thần, khoảng trống điều trị lớn14,1% dân số cả nước rối loạn tâm thần, khoảng trống điều trị lớn

Tại Việt Nam, tỉ lệ người bị rối loạn tâm thần chiếm 14,1% dân số (tương đương 14 triệu người). Riêng TP.HCM, sa sút tâm thần ở nhóm người từ trên 65 tuổi chiếm tỉ lệ cao nhất, tiếp theo là trầm cảm.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên