Toàn bộ khu vực biển cạnh cảng Bến Đình (đang thi công) sẽ bị san lấp làm khu đô thị. Bộ chỉ huy Bộ quân sự tỉnh Quảng Ngãi đề nghị dự án phải xem xét không ảnh hưởng đến đường cơ động (bên phải) - Ảnh: TRẦN MAI
Doanh nghiệp: Đã nghiên cứu dự án 8 tháng?
Trao đổi với Tuổi Trẻ về việc doanh nghiệp chỉ mới thành lập ngày 5-12-2018, chưa từng hoạt động trong các lĩnh vực xây dựng hạ tầng đô thị để đề xuất ý tưởng lấn biển xây khu đô thị ở Lý Sơn, ông Trần Văn Pha, giám đốc Công ty cổ phần Phát triển Lý Sơn cho biết: Tờ trình xin khảo sát dự án đã làm 8 tháng trước đó.
Đơn vị đề xuất là Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Hợp Nghĩa (trụ sở tại TP Quảng Ngãi). Công ty cổ phần Phát triển Lý Sơn là công ty con của Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Hợp Nghĩa.
Khi chuẩn bị trình ý bày ý tưởng nghiên cứu quy hoạch dự án để tỉnh Quảng Ngãi lấy ý kiến các bên là thời điểm lập công ty Cổ phần Phát triển Lý Sơn.
"Hiện công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Hợp Nghĩa vẫn giữ 76% cổ phần. Công ty này đã làm nhiều dự án khu đô thị và cầu đường. Chúng tôi nghĩ rằng đầu tư ở Lý Sơn phải có công ty đóng trụ sở tại Lý Sơn để nộp thuế cho huyện phục vụ kiến thiết công trình y tế giáo dục cho sự phát triển chung", ông Pha nói.
Cũng theo ông Pha, dự án làm "một công đôi việc" ngoài lấn biển mở rộng diện tích cho Lý Sơn, còn tận dụng nguồn cát nạo vét cảng ở Công ty Thép Hòa Phát - Dung Quất đang gặp khó trong việc tìm hướng giải quyết để san lấp mặt bằng.
"Thay vì tìm bãi thải đổ xuống biển, chúng tôi sẽ lấy nguồn cát này lấn biển. Việc lấn biển mở rộng diện tích đảo rất nhiều quốc gia đã thực hiện. Đây là cơ hội tốt, không thể hút đâu ra nguồn cát hàng triệu khối san lấp biển mở rộng đảo Lý Sơn sau này", ông Pha cho biết thêm.
Chủ đầu tư cho biết sẽ tận dụng vật chất nạo vét ở cảng Hòa Phát Dung Quất để thực hiện san lấp biển làm khu đô thị - Ảnh: TRẦN MAI
Chủ đầu tư cam kết các nét văn hóa truyền thống, đình làng sẽ được giữ nguyên, có không gian thông thoáng hướng ra biển. Gần 40% diện tích là đất ở và dịch vụ, hơn 60% sẽ là công viên cây xanh và các công trình tiện ích cộng đồng, văn hóa truyền huyện Lý Sơn sẽ quản lý sử dụng.
Khu vực đua thuyền truyền thống ở Lý Sơn sẽ bị san lấp, doanh nghiệp đưa hai phương án và lắng nghe ý kiến cộng đồng để thực hiện.
Phương án thứ nhất, dự án sẽ lấn ra biển khoảng 200m, dịch chuyển trường đua thuyền ra xa. Đầu tư xử lý toàn bộ mặt nước đảm bảo lễ hội đua thuyền diễn ra bình thường.
Thứ hai là đưa trường đua thuyền về trước đình làng An Hải nơi khởi thủy của lễ hội.
"Chúng tôi sẽ bỏ chi phí xử lý cải tạo các mỏm đá đảm bảo độ sâu 3m, đủ rộng cho 8 chiếc thuyền đua", ông Pha nói.
Doanh nghiệp cũng cam kết dự án ưu tiên giãn dân tại chỗ, sử dụng nguồn nước sẽ dịch chuyển từ nơi này đến nơi khác. Xây dựng hệ thống gom nước mưa phục vụ người dân, giảm thiểu tối đa việc sử dụng nước ngầm. Rác thải sinh hoạt sẽ làm việc với công ty Cổ phần Môi trường Đô thị Quảng Ngãi xử lý triệt để.
Vấn đề quan trọng nhất của dự án này là ảnh hưởng đến công viên địa chất toàn cầu Lý Sơn – Sa Huỳnh và khu bảo tồn biển Lý Sơn, ông Pha cho biết: "Sẽ lắng nghe ý kiến của các chuyên gia góp ý, giảm thiểu tối đa tác động và phục vụ cho sự phát triển chung. Dự án này chúng tôi nhìn thấy cơ hội tốt cho cả doanh nghiệp lẫn cộng đồng và đề xuất".
Khu vực biển dự tính san lấp nằm trong khu bảo tồn biển Lý Sơn thuộc dự án phục hồi san hô - Ảnh: TRẦN MAI
Thận trọng đánh giá tác động của dự án
Doanh nghiệp cho rằng dự án sẽ phục vụ phát triển tổng thể và mở rộng diện tích cho đảo Lý Sơn. Tuy nhiên, nhiều văn bản các sở ban ngành trình tỉnh Quảng Ngãi cho rằng phải thận trọng trước dự án.
Trong văn bản góp ý Ban quản lý Khu bảo tồn biển Lý Sơn cho rằng hơn 40ha dự án thuộc vùng phục hồi sinh thái khu bảo tồn biển Lý Sơn, cần phải đánh giá tác động môi trường và tác động đến hệ sinh thái nếu thực hiện dự án.
Liên hiệp các Hiệp hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Quảng Ngãi đề nghị dự án chồng lấn khu bảo tồn biển và công viên địa chất cần có ý kiến chính thức của cơ quan có thẩm quyền. Chủ đầu tư phải phân tích thủy văn, bão tố, nước biển dâng... và có giải pháp với các vấn đề này.
Trong khi đó, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Ngãi đề nghị xem xét dự án thực hiện có ảnh hưởng đến đường cơ động phía đông nam đảo Lý Sơn hay không.
Việc tham vấn ý kiến cộng đồng do UBND huyện Lý Sơn tổ chức vào ngày 11-1, trong 21 ý kiến góp ý về dự án, chỉ có 3 ý kiến đồng tình, 18 ý kiến không đồng tình và lo lắng dự án sẽ ảnh hưởng đến sinh kế, đời sống văn hóa, tinh thần của người dân. Đề nghị chủ đầu tư nêu rõ dự án này triển khai người dân được lợi gì.
Người dân Lý Sơn không đồng tình dự án vì sẽ ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sinh kế và các lễ hội truyền thống - Ảnh: TRẦN MAI
Ông Trần Ngọc Căng, chủ tịch UBND Quảng Ngãi cho biết: Dự án khu đô thị thương mại dịch vụ The Sea Eyes đang trong giai đoạn Công ty cổ phần Phát triển Lý Sơn đề xuất, trình bày ý tưởng với tỉnh Quảng Ngãi xin chủ trương đầu tư. Hiện đang trong quá trình lắng nghe ý kiến của các bên, tỉnh Quảng Ngãi chưa có ý kiến chính thức gì về vấn đề này.
Theo ông Căng, trong những năm qua, Lý Sơn có hiện tượng xói lở, tình trạng tăng dân số, xử lý môi trường, nguồn nước và nhiều vấn đề khác. Doanh nghiệp đề xuất ý tưởng lấn biển xây dựng khu đô thị, thương mại, dịch vụ kéo giãn dân cư và phục vụ du lịch rất đáng lưu ý.
Tuy nhiên, song song với xem xét đề xuất dự án, tỉnh Quảng Ngãi quan tâm đến những vấn tác động của dự án này như môi trường, cảnh quan, địa chất địa mạo, văn hóa, truyền thống của Lý Sơn. Chủ đầu tư phải có giải pháp cho tất cả những vấn đề này.
Ông Căng cho biết thêm, hiện Sở Xây Dựng đang tập hợp ý kiến chuyến lên UBND tỉnh. Tiếp đến sẽ trình Ban thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến cuối cùng. Và phải trình Bộ Tài nguyên Môi trường đánh giá tác động môi trường của dự án.
Lý Sơn đang đối mặt với nhiều vấn đề liên quan đến nguồn nước, môi trường cần giải quyết liệu dự án triển khai có trở thành "gánh nặng" cho đảo - Ảnh: TRẦN MAI
"Dù đây chỉ mới là đề xuất của nhà đầu tư, nhưng dư luận quan tâm tôi thấy rất hay. Những ý kiến đồng tình và phản đối dự án với những cứ liệu, lập luận khoa học là một trong những cơ sở để tỉnh Quảng Ngãi xem xét thấu đáo.
Nếu nhà đầu tư đưa ra phương án khả thi, có lợi cho sự phát triển chung của Lý Sơn và nhận sự đồng thuận thì tỉnh xem xét cấp chủ trương đầu tư. Nếu không tốt cho sự phát triển chung thì dừng", ông Căng nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận