08/02/2017 10:51 GMT+7

Làm sao vấn đề báo chí nêu không rơi vào im lặng, quên lãng

Đ.TR.
Đ.TR.

TTO - Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng đã phát biểu như vậy tại giao ban báo chí đầu xuân 7-2.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng phát biểu tại giao ban báo chí - Ảnh: TTXVN 

Tại giao ban báo chí đầu xuân diễn ra ngày 7-2, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng cho rằng hoạt động báo chí năm 2017 cần nâng chất trong bốn phương diện:

1. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý thông tin tuyên truyền;

2. Trong phối hợp giữa cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý và báo chí không chỉ trong định hướng, chỉ đạo mà cả trong khen thưởng, xử phạt;

3. Công tác tiếp nhận, giải quyết và phản hồi các vấn đề báo chí nêu;

4. Đạo đức người làm báo.

“Những vấn đề báo chí nêu được các cơ quan quản lý nhà nước tiếp thu, giải quyết, phản hồi ra sao trong hàng quý, sáu tháng hay một năm? Cái gì báo chí làm tốt, cái gì báo chí phản ảnh đúng cần lắng nghe để giải quyết, phản hồi.

Hay những vấn đề gì báo chí nêu chưa làm được, chưa có kết quả thì cũng thông tin lại như thế nào? Làm sao những vấn đề báo chí nêu không bị rơi vào im lặng, quên lãng mà luôn luôn được các cơ quan tiếp thu, lắng nghe và phản hồi” - ông Thưởng nói.

Ông Thưởng cũng đề nghị báo chí nâng chất lượng thông tin, làm sao có những tác phẩm lay động lòng người theo hướng cổ vũ việc tốt, khuyến cáo những sai trái cần tránh.

Nhắc lại phát biểu tại hội nghị tổng kết báo chí trước đó về tình trạng bán sóng, bán kênh, bán măng-sét, ông Thưởng kể: "Hôm tết vừa rồi người ta còn nói với tôi một ý nữa là bây giờ tinh vi lắm, còn bán trang, bán bài".

“Từ tiếng nói của Đảng, nhà nước, nhân dân, của tổ chức chính trị xã hội đôi khi có những tờ báo biến mình thành công cụ PR cho cá nhân, doanh nghiệp, sản phẩm”, ông Thưởng băn khoăn.

Cũng nhấn mạnh sứ mệnh của người làm báo, Bộ trưởng TT&TT Trương Minh Tuấn cho rằng báo chí không chỉ đem đến cho người dân những thông tin chân thực mà còn phải chú tâm nâng niu cái tốt, người tốt và lên án cái xấu, kẻ xấu.

Các nhà báo cần đến với những người tốt để nói về họ cho xã hội biết mà nâng niu, giúp Đảng, Nhà nước biết tài năng của họ mà trọng dụng. Lên án cái xấu, những kẻ xấu cũng là để bảo vệ người tốt, cái tốt.

“Nếu không có báo chí thì đã và sẽ có biết bao những nhân tài bị che lấp, sẽ có biết bao người tốt bị lãng quên. Người tốt việc tốt có rất nhiều trong đất nước ta, dân tộc ta nhưng đáng tiếc là xuất hiện quá ít trên báo chí" - ông Tuấn nói.

Đ.TR.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên