Ảnh: POPULAR SCIENCE
Theo trang Popular Science, nhìn chung mọi người đều chọn cách khóa điện thoại bằng ít nhất một phương thức bảo mật, thế nên khi nhặt được một chiếc smartphone bị bỏ quên hay bị rơi, bạn không dễ truy cập vào danh bạ điện thoại của chủ nhân để gọi điện báo cho người thân hay bạn bè của họ.
Trừ khi ai đó in tên và địa chỉ của họ ra giấy rồi dán lên mặt sau điện thoại, còn thường bạn sẽ phải dựa vào một số phương pháp khác để trả lại của rơi cho người đánh mất. Đây là một vài phương pháp như thế.
1, Xem xét khu vực xung quanh
Để ý xung quanh khu vực nhặt được điện thoại, liệu có cái ví hay áo khoác nào gần đó có thể chứa manh mối thông tin liên lạc của chủ nhân không.
Cũng có thể nhìn vào vỏ đựng điện thoại xem ở đó có gắn kèm danh thiếp, thẻ tín dụng, thông tin khắc lên hay bất cứ manh mối nào giúp xác minh chủ nhân của điện thoại không.
Trong lúc quan sát khu vực xung quanh, có thể bạn sẽ thấy ai đó dáng điệu hớt hải quay lại tìm kiếm đồ thất lạc của họ. Xem xét những người xung quanh là cách nhanh nhất để trả lại chiếc điện thoại, và cũng để mau chóng làm rõ việc bạn không cố tình "cầm nhầm" nó.
2, Duy trì chế độ mở máy
Trước khi tính tới biện pháp phải can thiệp vào màn hình bị khóa, bạn hãy nhớ luôn để điện thoại ở chế độ bật nguồn và đảm bảo pin được sạc đầy. Lý do quá đơn giản, chủ nhân sẽ mau chóng mượn một chiếc điện thoại khác để gọi vào số máy của chính họ sớm nhất có thể.
Đương nhiên bạn cũng không thể bật được máy nếu điện thoại đã cạn pin. Trong trường hợp không tìm thấy cái sạc nào ở gần, bạn cũng có thể dùng sợi cáp nối điện thoại của mình hoặc của bạn bè để nạp thêm pin cho nó.
Với iPhone bạn cần một cái sạc chuẩn Lightning, còn với thiết bị Android, bạn cần sạc chuẩn microUSB hoặc USB-C. Nếu không có, bạn có thể tìm mua một cái vì giá cũng không quá đắt mà người chủ chắc chắn sẽ hoàn tiền lại cho bạn.
3, Nghiên cứu kỹ màn hình khóa
Nếu chủ nhân có lưu các thông tin liên lạc khẩn trong thiết bị thì bạn có thể truy cập được danh sách bạn bè của họ ngay trong điều kiện màn hình khóa.
Với thiết bị iOS, bạn chỉ cần chạm vào phần Emergency trong góc dưới bên trái, sau đó chọn Medical ID.
Với thiết bị Android, bạn chạm vào phần Emergency, sau đó chọn Emergency Information.
Sau khi có có thông tin trong danh sách liên lạc khẩn cấp, bạn có thể liên lạc với họ để tìm lại chủ nhân chiếc điện thoại.
Cũng nhân đây, bạn cũng nên thêm vào điện thoại của mình danh sách liên lạc trong trường hợp khẩn cấp.
Với iPhone, bạn hãy mở ứng dụng Health, vào phần Medical ID, chọn Edit. Với thiết bị Android, tìm màn hình liên quan, vào Settings, chọn Users & accounts và chọn Emergency information.
4, Hỏi trợ lý ảo của thiết bị
Theo mặc định, cả hai loại điện thoại iPhone và Android đều cho phép bạn tiếp cận các trợ lý ảo trên máy là Siri và Google Assistant ngay từ màn hình khóa (trừ khi người chủ điện thoại đã tắt tính năng này".
Để gọi trợ lý ảo của iPhone (các loại iPhone có tính năng này, ngoại trừ iPhone X), bạn hãy nhấn giữ nút Home (với iPhone X, bạn nhấn giữ nút Power).
Với Android, chạm giữ vào phần góc trái bên dưới màn hình (nơi có biểu tượng microphone xuất hiện), sau đó kéo ngón tay bạn lên trên vào phía giữa màn hình.
Sau khi đã truy cập tính năng trợ lý ảo Siri hoặc Google Assistant, hãy nói "Call mom", "Call home" hoặc một lệnh nào khác có có thể giúp truy cập vào danh sách liên lạc của chủ điện thoại.
Trợ lý ảo Siri cũng có một thủ thuật riêng mà trợ lý Google Assistant không có. Theo đó bạn có thể hỏi "Whose phone is this?" (chủ điện thoại này là ai?) để lôi ra thông tin liên lạc chi tiết của chủ nhân điện thoại.
Ảnh: REUTERS
5, Chụp ảnh
Nếu chủ điện thoại có sử dụng một hệ thống sao lưu ảnh và video nào đó, điều này có nghĩa mọi hình ảnh và video quay bằng điện thoại sẽ tự động đồng bộ hóa vào đám mây, và vào các thiết bị khác của chủ điện thoại.
Thường thì bạn vẫn có thể truy cập tính năng camera của smartphone ngay từ màn hình khóa của nó. Với iOS, quẹt tay về bên trái, còn với Android, hãy chạm tay vào biểu tượng camera ở góc dưới bên phải màn hình và kéo nó vào trung tâm hình hình.
Để sử dụng tính năng này hiệu quả nhất, bạn hãy chụp ngay chính những thông tin liên lạc cá nhân của bạn. Nếu bức ảnh này được đồng bộ hóa với hệ thống sao lưu dữ liệu của chủ điện thoại, người đó có thể dễ dàng liên lạc với bạn.
6, Cài đặt thông báo
Bạn có thể sử dụng trợ lý ảo Siri và Google Assistant để thiết lập thông báo giúp người chủ điện thoại có thể trông thấy nó từ một thiết bị khác.
Trên iOS, nhấn giữ vào nút Home (với iPhone X bạn nhấn giữ nút Power); trên Android, chạm giữ biểu tượng microphone ở góc dưới bên trái và hất ngược lên. Khi ứng dụng trợ lý ảo xuất hiện, hãy nói "Set a reminder for 2pm every day to call…" (thiết lập nhắc nhở cho cuộc gọi điện tới số… vào lúc 14g00 mỗi ngày), trong đó nói tên và số điện thoại của bạn.
Theo đó, nếu người chủ chiếc điện thoại đăng nhập vào tài khoản Apple hay Google của họ trên bất cứ thiết bị nào khác, họ cũng sẽ nhận được thông báo nhắc nhở này. Trong trường hợp đó, họ sẽ thấy tin nhắn mà bạn gửi cho họ vào thời điểm đã định (trong ví dụ này là 2 giờ chiều) mỗi ngày.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận